Ninh Thuận: Công ty Điện lực kịp thời hỗ trợ khách hàng
Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 05:00, 09/11/2019
Những năm gần đây, các dự án phát triển nguồn năng lượng tái tạo ở tỉnh Ninh Thuận rầm rộ thi công và chiến lược phát triển Ninh Thuận thành một trung tâm năng lượng sạch được xem là chiến lược “chuyển bại thành thắng”, chuyển thiên tai nắng hạn thành lợi thế để phát triển kinh tế địa phương.
Trong bối cảnh hệ thống điện đang chịu nhiều áp lực về bảo đảm cung ứng điện, đặc biệt sau năm 2020 – khi cả nước không có nguồn khai thác mới, việc phát triển các dự án năng lượng mặt trời, trong đó có điện mặt trời mái nhà được xem là một trong những giải pháp góp phần giảm áp lực cho ngành điện. Cùng với các ưu điểm của điện mặt trời mang lại là nguồn năng lượng tái tạo, chi phí vận hành, bảo trì thấp, thân thiện môi trường, điện mặt trời mái nhà giúp tiết kiệm chi phí do không phải sử dụng nguồn điện lưới và có thể bán phần điện dư không sử dụng hết cho ngành điện; tận dụng hoặc có thể kết hợp sử dụng mái của các kết cấu nhà ở, nhà xưởng, công trình công cộng sẵn có để lắp đặt nên không yêu cầu sử dụng thêm đất, góp phần cải thiện điện áp lưới cuối nguồn phụ tải.
Ảnh minh họa
Theo số liệu thống kê, tỉnh Ninh Thuận nằm trong khu vực có bức xạ mặt trời mạnh, tỷ lệ bức xạ mặt trời trực tiếp trung bình luôn cao hơn 4,5kWh/m2, kết hợp số giờ nắng trung bình hơn 7,5 giờ/ ngày (lượng giờ nắng trong năm đạt hơn 2.837 giờ). Mặt khác, sự chênh lệch về bức xạ mặt trời giữa các mùa trong năm không cao, đây là điều kiện rất thuận lợi cho việc khai thác hiệu quả nguồn năng lượng mặt trời.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Phạm Văn Hậu cho rằng, hiệu quả đầu tư điện mặt trời áp mái là rất lớn, doanh nghiệp, người dân không chỉ giảm chi phí tiền điện mà còn mang lại lợi ích cho ngành Điện. Vì vậy, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo Sở Công Thương phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – CN Ninh Thuận và các đơn vị cung cấp thiết bị lắp đặt… làm rõ lợi ích cũng như hiệu quả mang lại của dự án, sớm có chính sách tín dụng ưu đãi hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đầu tư. Tỉnh sẽ tiếp tục kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan, sớm có văn bản hướng dẫn thực hiện giá mua, bán điện….
Với địa phương có đặc thù nắng hạn kéo dài trong năm, chiến lược khuyến khích mở rộng đầu tư điện mặt trời trên mái nhà sẽ góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế của tỉnh Ninh Thuận nói riêng và khu vực nói chung.
Ông Nguyễn Hữu Tiên – Phó giám đốc Công ty Điện lực (PC) Ninh Thuận – cho hay, từ chưa đầy 10 hộ lắp đặt điện mặt trời mái nhà vào năm 2017, đến nay, con số này đã tăng gấp hàng chục lần. Hiện, ở Ninh Thuận, doanh nghiệp đang triển khai tích cực việc lắp đặt điện mặt trời mái nhà dưới 1MWp tại các hộ gia đình. Theo triển khai chương trình của Tổng công ty Điện lực miền Nam, trong vòng 3 ngày sau khi lắp đặt xong, ngành điện sẽ kiểm tra các thông số kỹ thuật theo quy định về lắp đặt năng lượng mặt trời đảm bảo cho việc mua bán điện giữa ngành điện và người dân thuận lợi nhất.
Để góp phần vào thành công chung trong việc khuyến khích phát triển điện mặt trời trên mái nhà, thời gian tới, PC Ninh Thuận tiếp tục triển khai các nội dung như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến rộng rãi về quy trình lắp đặt cũng như yêu cầu kỹ thuật của các công trình điện mặt trời mái nhà vào hệ thống điện của công ty. Hướng dẫn chi tiết cho người dân có nhu cầu lắp đặt, các thủ tục đấu nối vào lưới điện. Cùng với đó, PC Ninh Thuận cũng trực tiếp hướng dẫn khách hàng lựa chọn nhà cung cấp uy tín, chất lượng.
Đồng thời, giải quyết nhanh khi khách hàng có nhu cầu lắp đặt điện mặt trời mái nhà. Đơn vị cũng tích cực phát tờ rơi, đăng thông tin trên các báo, đài; tuyên truyền tại các buổi sinh hoạt đoàn thể, lồng ghép trong chương trình phát động “Gia đình tiết kiệm điện”; vận động khách hàng sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, tập trung hướng đến việc sử dụng điện mặt trời mái nhà. Đặc biệt, chương trình hỗ trợ tài chính đến các tư vấn viên khi tư vấn thành công khách hàng lắp đặt điện mặt trời.
Minh Anh (T/h)