Cao Bằng: Xuất hiện loài cá có chân độc đáo
Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 07:30, 15/11/2019
Tiếng địa phương gọi là “Bèo Cao”, mỗi cá thể nặng khoảng 80 – 100g, chiều dài từ 10 – 15 cm. Da có lớp vẩy sừng sần sùi như da cóc, bụng có hoa gấm màu vàng đỏ, sống dưới nước như cá nhưng sinh vật này có chân và phần đuôi như đuôi cá Trạch. Sinh vật này thường ở những vũng nước lặng không chảy siết, bám ở khe đá, khi phát hiện có tiếng động sẽ bơi rất nhanh. Theo người dân, loài cá này khi bị bắt thường tiết ra một chất nhựa mùi rất hắc, có thể coi là chất độc để chống lại kẻ thù mỗi khi bị tấn công.
Cá “Bèo Cao” có chân rất độc đáo.
Địa điểm phát hiện ra cá nằm trong quần thể vườn quốc gia Phja Oắc – Phja Đén có diện tích trên 8.000 ha, nơi đây còn lưu giữ hệ sinh thái rừng nguyên sinh chứa 1.287 loài thực vật, với 90 loài cây có nguy cơ bị tuyệt chủng nằm trong sách đỏ thế giới. Ngoài ra, có 496 loài động vật có xương sống, trong đó có 58 loài động vật quý hiếm sống trên địa hình núi cao, đá vôi, thời tiết khá mát mẻ, vào thời tiết giá lạnh xuất hiện băng tuyết.
Đây loài sinh vật rất dị biệt có thể sống cả trên cạn và bơi dưới nước mà hiện nay chỉ thấy xuất hiện duy nhất tại khu vực khe suối xóm Hoài Khao. Theo khảo sát, tìm hiểu của phóng viên, rất có thể đây là loài sinh vật cùng loài với cá Cóc đã từng được phát hiện ở Vườn Quốc gia Tam Đảo (Vĩnh Phúc) nhưng rất hiếm gặp, đang có nguy cơ bị tuyệt chủng.
Nhiều nhà nghiên cứu tại Cao Bằng cho biết, đây loài sinh vật rất dị biệt có thể sống cả trên cạn và bơi dưới nước mà hiện nay chỉ thấy xuất hiện duy nhất tại khu vực khe suối xóm Hoài Khao. Đây là loài sinh vật cùng loài với cá cóc đã từng được phát hiện ở vườn quốc gia Tam Đảo (Vĩnh Phúc), đang có nguy cơ bị tuyệt chủng.
Việc phát hiện cá có chân ở Cao Bằng cần được các nhà khoa học nghiên cứu, bổ sung vào bộ sưu tập những sinh vật quý hiếm để có phương án bảo tồn nguồn gen của loài động vật này.
Minh Anh (T/h)