Tối thiểu 50% diện tích vùng biển, hải đảo được điều tra về tài nguyên
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 02:00, 10/01/2020
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu đến năm 2030 “Đánh giá được tiềm năng, giá trị các tài nguyên biển quan trọng. Tối thiểu 50% diện tích vùng biển Việt Nam được điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển ở tỷ lệ bản đồ 1:500.000 và điều tra tỷ lệ lớn ở một số vùng trọng điểm. Thiết lập bộ cơ sở dữ liệu số hóa về biển, đảo, bảo đảm tính tích hợp, chia sẻ và cập nhật” mà Nghị quyết 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) đề ra, chúng ta cần tập trung điều chỉnh hệ thống quy hoạch, kế hoạch, chính sách, pháp luật, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nghiên cứu, điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển, hải đảo và công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này.
Ảnh minh họa
Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát thực hiện các dự án, đề án đang triển khai; đồng thời, tiếp tục đề xuất các chương trình, đề án, dự án mới có tính cấp bách, chú trọng điều tra vùng biển sâu, biển xa, các khu vực chưa có dữ liệu điều tra cơ bản, dễ xảy ra sự cố môi trường biển. Tăng cường nguồn nhân lực chất lượng cao và có chính sách đãi ngộ hợp lý đối với lực lượng làm công tác nghiên cứu, điều tra cơ bản về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương ven biển; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong các hoạt động điều tra cơ bản,… góp phần cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác hơn nữa các dữ liệu khoa học, thiết thực phục vụ công tác quy hoạch, kế hoạch quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên, môi trường biển và hải đảo trong tình hình mới.
Từ năm 2020-2025, Chương trình tập trung vào việc điều tra tổng hợp điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội, văn minh sinh thái biển nhằm có được các số liệu, dữ liệu về khí tượng, hải văn, môi trường, động đất, sóng thần… phục vụ quy hoạch, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển…
Từ năm 2026-2030, chương trình tập trung vào các nhiệm vụ điều tra cơ bản kết hợp với nghiên cứu khoa học biển, phát huy vai trò của khoa học và công nghệ trong việc thúc đẩy, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác điều tra cơ bản tài nguyên và môi trường biển và hải đảo về quy luật phân bố và nguồn gốc thành tạo các khoáng sản biển như khí hydrate, sa khoáng,…
Ngoài ra, Chương trình cũng sẽ tăng cường hợp tác quốc tế trong điều tra, nghiên cứu những vấn đề mang tính khu vực và quốc tế như: ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng, rác thải xuyên biên giới, cảnh báo động đất, sóng thần, ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, cổ khí hậu, cổ đại dương, chuỗi, lưới thức ăn, ăn mòn khí quyển và nước mặn đối với các công trình trên biển và ven biển.
Minh Anh (t/h)