Sau khi uống rượu bia bao nhiêu lâu thì lái xe không bị phạt?
Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 13:00, 04/01/2020
Theo Nghị định số 100/2019 áp dụng từ ngày 1/1, khi lái xe có nồng độ cồn trong máu, hơi thở sẽ bị xử phạt sẽ rất nặng. Mức phạt thấp nhất là 200.000 đồng.
Với nồng độ cồn từ 0-0,24 mg/lít khí thở, người điều khiển xe sẽ bắt đầu bị phạt tiền và giữ giấy phép lái xe. Mức xử phạt cao nhất (khi nồng độ cồn trên 0,4 mg/lít khí thở) đối với người điều khiển xe ô tô từ 30-40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng; đối với người điều khiển xe mô tô từ 6-8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng; người điều khiển xe đạp, xe thô sơ từ 400.000-600.000 đồng.
Trước quy định mới, nhiều người thắc mắc sau khi uống rượu bao lâu thì không còn nồng độ cồn trong máu, người uống có thể tiếp tục tham gia giao thông mà không bị phạt.
Trên mạng xã hội, các quý ông chia sẻ liên tục thông tin về việc bao lâu sau khi uống rượu bia thì được lái xe như sau: “Sau khi uống rượu, bia bao lâu thì lái xe?
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Kể từ 1.1.2020 khi lái xe mà có nồng độ cồn, mức xử phạt sẽ rất nặng. Vậy, sau khi uống rượu, bia bao lâu thì bạn có thể lái xe? Điều này phụ thuộc nhiều vào lượng rượu, bia mà bạn uống, tuy nhiên một số thông tin bạn có thể lưu ý:
– Sau 6-12h, nồng độ cồn vẫn đo được trong máu.
– Sau 12-24h, nồng độ cồn vẫn đo được trong khí thở.
– Sau 36h vẫn đo được trong nước tiểu và sau 72h vẫn đo được khi xét nghiệm mẫu tóc.
Hiện nay, cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn dựa trên phương pháp đo qua ống thở, vì vậy, 24h sau khi uống bạn vẫn có thể bị phát hiện và xử phạt. Trường hợp người nào bị tai nạn giao thông thì khi vào viện, các bác sĩ sẽ lấy mẫu máu để xác định nồng độ cồn ngay.
Như vậy, ít nhất 24h sau khi uống rượu, bia bạn hãy lái xe, có nghĩa là tối nay bạn uống thì ngày mai đừng lái xe”.
Khải Anh