Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan: Cần sự chung tay của cộng đồng để giảm thiểu ô nhiễm môi trường

Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 00:30, 26/01/2020

Moitruong.net.vn – Năm 2019, vượt qua rất nhiều khó khăn gay gắt so với dự báo, Đảng bộ, chính quyền thành phố Hồ Chí Minh đã phát huy cao sức mạnh đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, tập trung khắc phục, từng bước vượt qua khó khăn, tổ chức thực hiện nhiệm vụ và đạt được những kết quả tích cực. Nhân dịp đầu Xuân mới Canh Tý 2020, đồng chí Võ Văn Hoan – Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh đã dành thời gian trả lời phỏng vấn phóng viên Tạp chí Môi trường và Cuộc sống về những kết quả đạt được trong năm qua và những khó khăn cần khắc phục trong năm tới.

PV:Thưa đồng chí, năm 2019 đã khép lại, Đảng bộ và chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục đánh dấu chặng đường phát triển và đạt được nhiều thành công khá toàn diện trên các lĩnh vực. Nhằm giúp bạn đọc hiểu hơn những thành công quan trọng đó, xin đồng chí cho biết một số thành tựu cơ bản nhất mà Đảng bộ và chính quyền thành phố đã gặt hái được trong năm qua?

Ông Võ Văn Hoan: Ngay từ đầu năm, Ủy ban nhân dân thành phố đã chỉ đạo thực hiện nghiêm Kế hoạch chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế – xã hội, ngân sách thành phố và chương trình công tác đã đề ra. Từ những nỗ lực của các ngành, các cấp, thành phố đã đạt được một số kết quả nổi bật như sau:

Kinh tế thành phố tiếp tục tăng trưởng khá, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2019 ước đạt 1.347.369 tỷ đồng, tăng 8,32%, cao hơn so với năm 2018 (8,03%). Hoạt động thu ngân sách có hiệu quả, đạt 412.474 tỷ đồng, đạt 103,34% dự toán, tăng 9,01% so cùng kỳ.

Về tốc độ phát triển dịch vụ, một số ngành Giáo dục và đào tạo; Y tế và hoạt động cứu trợ xã hội; Hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ; Thông tin và truyền thông; Dịch vụ ăn uống và lưu trú; Tài chính – ngân hàng và bảo hiểm có mức tăng cao hơn so cùng kỳ từ 7 – 9,5%.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2019 ước đạt 1.177.154 tỷ đồng, tăng 12,1% so cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 41,9 tỷ USD, tăng 10,06% so cùng kỳ. Tổng lượng khách quốc tế đến thành phố đạt hơn 8,5 triệu lượt khách, tăng 14% so với cùng kỳ với doanh thu tăng 14,5% so với năm 2018..

Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,9%, trong đó nhóm ngành công nghiệp chế biến ước tăng 8,1%, bốn ngành công nghiệp trọng yếu (cơ khí chế tạo, điện tử, hóa chất – cao su – nhựa và chế biến tinh lương thực thực phẩm) ước tăng 7,7% so với cùng kỳ.

Ngành nông nghiệp tập trung phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp điều kiện của thành phố. Giá trị sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản tăng 6,1% so cùng kỳ, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X đề ra tăng từ 5,8 – 6%.

Đồng chí Võ Văn Hoan – Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh

Năm 2019, thành phố có 44.004 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 643.244 tỷ đồng. Đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) đạt 8 tỷ đô-la Mỹ (bằng 101% so với cùng kỳ).

Công tác quản lý quy hoạch và đô thị được tăng cường; tiếp tục rà soát, đánh giá quá trình thực hiện các đồ án, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/2000; tổ chức thi tuyển quốc tế “Ý tưởng quy hoạch phát triển khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông Thành phố Hồ Chí Minh (Quận 2, Quận 9, quận Thủ Đức)”; tuyển chọn ý tưởng quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5000 huyện Cần Giờ… Quan tâm giải quyết vướng mắc về tái định cư cho các gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng bởi các dự án trọng điểm.

Nhiều hoạt động khoa học – công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo, kết nối đầu tư được tăng cường triển khai. Tình hình quốc phòng – an ninh được đảm bảo, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Việc tổ chức các sự kiện đối ngoại trên tất cả các lĩnh vực chính trị – kinh tế – văn hóa đã thể hiện vai trò và vị thế ngày càng cao của thành phố không chỉ đối với cả nước mà còn đối với khu vực và quốc tế.

PV: Trong một thập kỷ qua, chưa bao giờ vấn đề triều cường lại vượt mức đỉnh điểm như năm 2019. Sự việc đã làm đảo lộn cuộc sống người dân thành phố. Nhằm giải quyết vấn đề này, xin Ông cho biết những giải pháp tổng thể để chống ngập đạt hiệu quả cao trong thời gian tới?

Ông Võ Văn Hoan: Trong những năm qua, thời tiết biến động rất phức tạp. Theo số liệu thống kê, trong vòng 40 năm từ 1962-2001, trên địa bàn Thành phố xuất hiện 09 trận mưa trên 100mm (bình quân 0,25 lần/năm). Từ 2002-2010 có 21 trận mưa (bình quân 2,3 lần/năm). Đặc biệt, từ 2011-2017 có 42 trận mưa (bình quân 5,86 lần/năm), trong đó có những trận mưa đạt 100-204,3 mm. Triều cường đạt đỉnh cao nhất trong 40 năm qua, giai đoạn 1962-2001 chỉ đạt dưới mức báo động cao nhất (báo động 3) là +1,50m (tại trạm Phú An); giai đoạn từ năm 2002-2010 đỉnh vượt trên mức +1,50m và trong 6 năm trở lại đây (2011-2018) đỉnh triều đã có lúc lên tới mức +1,71m, đặc biệt tần suất xuất hiện đỉnh triều cao cũng nhiều hơn gấp nhiều lần. Theo số liệu của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ ban hành ngày 30 tháng 9 năm 2019 đỉnh triều cao nhất ngày 29 tháng 9 năm 2019 (tức mùng 1 tháng 9 âm lịch) vào lúc 16 giờ 30 là +1,73m (trạm Phú An); +1,75m (trạm Nhà Bè). Đây là mực triều cao nhất từ trước đến nay. Khi triều cường đạt +1.75m, thành phố xuất hiện ngập tại 09 tuyến đường, cụ thể: Lê Văn Lương, Phú Định, Trần Xuân Soạn, Huỳnh Tấn Phát, Quốc lộ 50, Bình Quới, Nguyễn Văn Hưởng, Xa lộ Hà Nội, Mễ Cốc.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1547/QĐ-TTg ngày 28 tháng 10 năm 2008 về Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực Thành phố Hồ Chí Minh; Thành phố đã hoàn thành 64/164 km đê bao bờ hữu sông Sài Gòn, 05 cống kiểm soát triều nhỏ khu vực Thủ Đức.

Toà nhà Landmark 81 lung linh bên dòng sông Sài Gòn

Thành phố đang thực hiện các dự án: Dự án Giải quyết ngập do triều khu vực Thành phố Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) theo hình thức hợp đồng BT (trong đó có 06 cống Kiểm soát triều và 06 km đê bao xung yếu), để phục vụ kiểm soát triều cho lưu vực 550 km2 bờ hữu sông Sài Gòn. Hiện nay đang triển khai thi công hoàn thành 60%, dự kiến hoàn thành vào tháng 6 năm 2020; 02 dự án tại Bờ tả sông Sài Gòn đang triển khai thi công, dự kiến hoàn thành trong năm 2020. Sau khi hoàn thành các dự án này cơ bản giải quyết tình trạng ngập do triều khu vực 550 km2 khu vực trung tâm và khu vực Quận 2, Thủ Đức.

Trong thời gian tới, Thành phố giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện nghiên cứu rà soát tham mưu điều chỉnh Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực Thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn sắp tới, làm tiền đề triển khai các giải pháp phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay.

PV:Hiện nay, nguồn nước đầu vào được khai thác để cung cấp nước sạch cho người dân thành phố chủ yếu lấy ở khu vực hai sông Sài Gòn và Đồng Nai, thực tế thì nguồn nước tại 02 sông này đang có xu hướng ngày càng xấu hơn. Các chỉ tiêu như a-mô-ni-ắc, hữu cơ, vi sinh, mangan,… trong nước ngày càng tăng. Xin Ông cho biết, các giải pháp để đảm bảo an toàn nguồn nước sạch cho người dân trong thời gian tới là gì?

Ông Võ Văn Hoan: Từ năm 2016 đến nay, Thành phố đã triển khai Chương trình giám sát chất lượng nước thuộc hệ thống Sông Sài Gòn – Đồng Nai và đánh giá chất lượng nước với 18 điểm quan trắc và 8 chỉ tiêu chất lượng nước mặt (PH, DO, BOD5, COD, TSS, NH4+, PO43-, Coliform). Theo Báo cáo kết quả quan trắc từ năm 2016 đến tháng 9/2019, nguồn nước trên sông Sài Gòn đã bị ô nhiễm các chỉ tiêu TSS, DO, NH4+, PO43- và coliform; nguồn nước trên sông Đồng Nai tại các vị trí quan trắc đã bị ô nhiễm các chỉ tiêu TSS, NH4+, coliform và DO; nguồn nước trên kênh Đông tại các vị trí quan trắc đã bị ô nhiễm các chỉ tiêu pH, TSS, coliform, DO và NH4+ .

Để hạn chế tình trạng ô nhiễm nguồn nước, đến năm 2025, trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh sẽ có 10 nhà máy xử lý nước thải đô thị tập trung nhằm giải quyết cơ bản vấn đề ô nhiễm môi trường nước trên địa bàn thành phố.

Thành phố đã xây dựng 03 nhà máy xử lý nước thải tập trung với tổng công suất là 302.000 m3/ngày gồm: nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng giai đoạn 1 công suất 141.000 m3/ngày, nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng Hòa công suất 30.000 m3/ngày và nhà máy xử lý nước thải Tham Lương Bến Cát (chưa đi vào hoạt động) với công suất 131.000 m3/ngày đêm. Do đó, nếu tính luôn lượng nước thải sinh hoạt được thu gom và xử lý cục bộ tại các khu dân cư mới, khu thương mại dịch vụ và khu chung cư (khoảng 199.620 m3/ngày) thì tổng lượng nước thải đô thị trên địa bàn thành phố được thu gom, xử lý trước khi thải ra môi trường là khoảng 370.620 m3/ngày, đạt tỷ lệ 21,2%.

Dự báo, trong điều kiện cuối năm 2020, khi hoàn thành nhà máy Bình Hưng, giai đoạn 2 (469.000 m3/ngày), lượng nước được xử lý là 698.624 m3/ngày, tương ứng với tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý là 39,9%. Dự kiến đến năm 2023, khi hoàn thành nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc – Thị Nghè (480.000 m3/ngày), lượng nước được xử lý là 1.178.624 m3/ngày, tương ứng với tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý là 67,34% .

Tuy nhiên, đây là giải pháp công trình nên còn phụ thuộc vào tiến độ triển khai thực hiện các dự án thu gom và nhà máy xử lý nước thải tập trung của Thành phố, trong đó đặc biệt là công tác kêu gọi đầu tư cần huy động nguồn vốn lớn để đầu tư các công trình nhà máy xử lý nước thải đô thị nên đánh giá là chỉ tiêu khó hoàn thành.

Thành phố cũng đã ban hành Quyết định số 721/QĐ-UBND ngày 27 tháng 02 năm 2019 về Kế hoạch triển khai Đề án Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020; Phối hợp với các vùng giáp ranh với thành phố ký Quy chế số 37 về phối hợp quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường ở các vùng giáp ranh, trong đó chủ yếu và quan trọng là việc phối hợp giải quyết ô nhiễm môi trường nước.

PV: Tại một số sông, kênh, rạch của thành phố đang bị ô nhiễm ở mức đáng báo động. Nguyên nhân gây ra thực trạng này được cho là do các khu dân cư, các đơn vị, doanh nghiệp xả nước thải không qua xử lý ra môi trường. Xin Ông cho biết, Thành phố sẽ có biện pháp chỉ đạo xử lý như thế nào để giảm thiểu ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân?

Ông Võ Văn Hoan: Thành phố Hồ Chí Minh có tốc độ phát triển công nghiệp thuộc vào hàng cao nhất nước với tổng dân số 8,9 triệu người (năm 2019). Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế nhanh chóng cùng với sự gia tăng dân số đã tác động mạnh mẽ đến chất lượng môi trường của thành phố, gây ô nhiễm môi trường không khí, nước, đất… Trong đó, ô nhiễm môi trường do nước thải gây ra là ảnh hưởng dễ thấy nhất, đặc biệt là nguồn nước thải sinh hoạt, tác động không nhỏ đến chất lượng nước kênh, rạch của thành phố.

Nhằm kiểm soát lượng nước thải phát sinh, góp phần cải thiện chất lượng môi trường, thành phố đã và đang xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch về bảo vệ môi trường giai đoạn 2016 –2020 như kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia; kế hoạch thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW về chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2016 –2020 với những mục tiêu quyết liệt về giảm ô nhiễm đối với nước thải cụ thể là mục tiêu 80% nước thải sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn quy định trước khi thải ra môi trường và Giảm thiểu 90% lượng chất ô nhiễm vượt chuẩn thải vào nguồn nước mặt thông qua việc xây dựng các nhà máy xử lý nước thải đô thị tập trung và yêu cầu các đơn vị hoạt động công nghiệp, kinh doanh và dịch vụ phải thực hiện xử lý cục bộ trước khi thoát ra hệ thống cống chung thành phố.

Bên cạnh đó, Thành phố đang triển khai thực hiện nhiều Chương trình hành động về xử lý và di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố tình từ năm 2016 đến nay, bằng các hình thức: buộc khắc phục ô nhiễm môi trường; cải tạo, nâng cấp hệ thống xử lý chất thải; thực hiện chuyển đổi ngành nghề; ngưng công đoạn ô nhiễm; thực hiện việc di dời công đoạn sản xuất, di dời đến vị trí có hệ thống xử lý môi trường phù hợp, có sức chịu tải về môi trường.

Bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ môi trường, không xả rác ra đường và kênh rạch một cách đồng bộ đã góp phần nâng cao kết quả thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 19 tháng 10 năm 2018 của Ban Thường vụ Thành ủy về thực hiện Cuộc vận động “Người dân Thành phố Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”.

PV: Biến đổi khí hậu đang tác động trực tiếp đến đất nước ta, trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh. Xin Ông cho biết, công tác ứng phó và thích ứng với biến đổi khí của Thành phố trong thời gian tới là gì?

Ông Võ Văn Hoan: Để thích ứng và ứng phó với biến đổi khí hậu trong thời gian tới, Thành phố có một số nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai như sau:

  1. Tập trung phát triển kinh tế – xã hội Thành phố phải lồng ghép yếu tố biến đổi khí hậu.
  2. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, đặc biệt là cán bộ phụ trách về biến đổi khí hậu, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân về ứng phó với biến đổi khí hậu.
  3. Chú trọng xây dựng hành lang pháp lý, cơ sở dữ liệu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ về ứng phó với biến đổi khí hậu.
  4. Tiếp tục rà soát, triển khai đối với các nhiệm vụ trong danh mục chương trình, dự án của Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2017- 2020, tầm nhìn 2030. Cập nhật kế hoạch hành động ứng phó biên đổi khí hậu giai đoạn 2021- 2030 đối với 10 lĩnh vực: Quy hoạch đô thị, năng lượng, công nghiệp, quản lý nước, quản lý chất thải, xây dựng, y tế, nông nghiệp, du lịch, giao thông vận tải.
  5. Tiếp tục thực hiện chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn Thành phố.
  6. Tập trung các nguồn lực để phát triển vận tải hành khách công cộng (đường bộ, đường thủy) nhằm giảm phát thải khí nhà kính, hệ thống bến bãi phục vụ vận tải nhằm thu hút người dân tham gia, đồng thời triển khai thực hiện các giải pháp để hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân.
  7. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án công trình trọng điểm như các cống kiểm soát triều, các hồ điều tiết nhằm giải quyết ngập do triều khu vực thành phố Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu.
  8. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng bản đồ cảnh báo rủi ro ngập lụt.
  9. Xây dựng các nhiệm vụ, lộ trình mà Thành phố Hồ Chí Minh cần thực hiện theo 2 giai đoạn: Giai đoạn từ 2018 đến 2020 và giai đoạn từ 2021 đến 2030 để hoàn thành nhiệm vụ được giao trong Quyết định số 2053/QĐ-TTg ngày 28 tháng 10 nă 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành kế hoạch thực hiện thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
  10. Đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư cho ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Xin trân trọng cám ơn ông!

Hùng Thắng (Thực hiện)

Hùng Thắng (Thực hiện)