Sẽ áp dụng một số công nghệ xử lý chất thải rắn
Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 11:30, 15/01/2020
Bộ Khoa học và Công nghệ đã và đang tiến hành đánh giá một số công nghệ xử lý chất thải rắn nhập khẩu và phát triển trong nước; triển khai rà soát tính hiệu quả, phù hợp với thực tế của các công nghệ có khả năng nhân rộng trong xử lý chất thải rắn tại Việt Nam trong thời gian tới.
Theo ông Đinh Nam Vinh, Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ (Bộ KH&CN): Từ năm 2014, Bộ KH&CN đã có Báo cáo kết quả rà soát, tổng hợp, đánh giá các công nghệ xử lý chất thải rắn đang áp dụng, đề xuất giải pháp công nghệ phù hợp với điều kiện Việt Nam gửi Thủ tướng Chính phủ.
Nội dung Báo cáo nêu rõ, về công nghệ xử lý chất thải rắn áp dụng tại Việt Nam đang phổ biến 3 hướng công nghệ. Đó là công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh; công nghệ ủ sinh học làm phân hữu cơ; công nghệ đốt gồm có đốt thông thường, đốt có thu hồi nhiệt.
Các bãi chôn lấp ở các địa phương trên cả nước đều trong tình trạng quá tải. Ảnh TTXVN
Ngoài ra còn có một số dự án áp dụng công nghệ mới như công nghệ xử lý chất thải rắn tạo khí biogas phát điện, công nghệ khí hóa xử lý chất thải rắn phát điện, công nghệ tạo viên đốt làm nguyên liệu, công nghệ đốt phát điện…
Hiện các dự án mới triển khai tại Việt Nam chủ yếu áp dụng công nghệ đốt với các lò quy mô từ 10 – 400 tấn/ngày được thiết kế, chế tạo bởi kỹ sư và các nhà khoa học trong nước. Công nghệ đốt rác thải rắn thông thường, đốt thu hồi nhiệt được các nhà khoa học và kỹ sư trong nước làm chủ và nội địa hóa thành công.
Công nghệ đốt chất thải rắn phát điện cũng đã được một số nhà đầu tư nước ngoài triển khai thực hiện. Mặt khác, một số công nghệ điện rác đang được các nhà khoa học, kỹ sư trong nước nghiên cứu và sẽ đua vào ứng dụng trong thời gian tới.
Thực tế qua các dự án cho thấy, công nghệ ủ sinh học làm phân hữu cơ không hiệu quả, do thị trường khó chấp nhận sản phẩm từ chất thải rắn. Nên các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt thành phân hữu cơ chủ yếu sử dụng công nghệ ủ hiếu khí, hoặc kỵ khí trong thời gian từ khoảng 40 – 45 ngày.
Hiện các bãi chôn lấp ở các địa phương trên cả nước đều trong tình trạng quá tải, có bãi xuất hiện hiện tượng gây ô nhiễm môi trường.
Việc áp dụng công nghệ điện rác giải quyết được vấn đề về môi trường và tận dụng năng lượng từ rác thải. Đây là công nghệ đáng được khuyến khích, phát triển trong thời gian tới.
Thanh Hương (T/h)