Nét đẹp cổ truyền của Tết người Thái ở miền Tây Nghệ An
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 08:35, 23/01/2020
Tết, tết đến rồi
Nghệ An là một trong những khu vực phân bố nhiều dân tộc cùng sinh sống, đặc biệt dân tộc Thái là một trong những dân tộc chiếm số đông trong cộng đồng các dân tộc thiểu số ở miền Tây xứ Nghệ. Tết nguyên đán là lễ hội lớn nhất là thời khắc giao thời giữa năm cũ và năm mới, dịp hội tụ nhiều nét văn hóa của đồng bào Thái thể hiện ở các trò chơi dân gian, những mâm cơm cúng đất trời cầu mong cho dân làng một mùa màng bội thu, no ấm.
Chị Lô Lan Nhi, dân tộc Thái trú tại thị trấn Hòa Bình, huyện Tương Dương (Nghệ An) cho biết: “ Hàng năm vào các ngày cuối cùng của năm cũ (28, 29) cho đến 30 tháng chạp mỗi gia đình thường làm gà hoặc lợn để làm vía cho các thành viên trong gia đình và lễ tạ ơn tổ tiên, đồng thời mời tổ tiên về ăn tết. Tối 29, mọi nhà bắt đầu gói bánh chưng và sáng 30 bắt đầu luộc bánh chưng. Người Thái thường gói hai loại bánh chưng màu đen và màu trắng. Nhiều nơi không cho nhân bánh vì người ta quan niệm hương vị của Tết ở trong bánh chưng chủ yếu thể hiện ở hương vị của lá dong và đó cũng là cái chủ yếu để dâng lên tổ tiên (ma nhà). Ngày cuối cùng của năm là chiều 30 tết đồng bào Thái tổ chức lễ hội tắm gội giải xui với nước quả bồ kết, lá cây.
Phong tục nấu bánh Chưng của người Thái dịp đầu xuân năm mới
Điều đặc biệt trong dịp chuẩn bị chào đón năm mới là gia đình sum vầy quây quần bên nhau cùng sửa soạn nhà cửa chuẩn bị đồ ăn, mâm cỗ cho những ngày tết kéo dài. Ngày 30 Tết, theo tục lệ, tất cả các thành viên trong gia đình đều đi gội đầu. Tục lệ này mang ý nghĩa “ tống cựu nghênh tân”, tống tiễn những điều không may mắn trong năm cũ, nghênh đón niềm vui, hạnh phúc trong năm mới sắp đến. Tiếp theo đó là lễ mặc áo váy mới. Đối với phụ nữ, trang phục váy áo sẽ có màu sắc sặc sỡ hơn ngày thường và đeo thêm một số đồ trang sức khác. Trước đây, đồng bào Thái có tục gọi hồn, làm vía cho các thành viên trong gia đình vào tối 28, 29 hoặc 30.
Tết trong tim mọi người
Tối đêm 30 là bữa cơm tất niên của đại gia đình, anh em hàng xóm thức suốt đêm để đón thời khắc giao thừa và lễ cúng tổ tiên, đất trời trong đêm với những mâm cỗ mà mỗi gia đình chuẩn bị được, với bánh chưng, thịt giàng, cá giàng gác bếp, thịt gà,thịt lợn, hoa quả…gia đình nào có cồng chiêng, thì mời bà con tới chung vui bên vò rượu cần với những điệu xòe, câu hát câu lăm…
Sáng mùng 1 tết gia đình lại có mâm cỗ lợn hoặc bò để làm lễ tạ ơn tổ tiên và mâm cỗ ngoài trời cho những vong hồn không nơi nương tựa. Xong xuôi lúc đó con cái mới được ra khỏi nhà để đi chơi, chúc tết anh em, hàng xóm.
Các cụ cao niên trong bản Minh Phương, xã Lượng Minh, huyện Kỳ Sơn bảo rằng” “ Xưa kia, các dân tộc thiểu số ở miền tây Nghệ An không ăn Tết Nguyên đán, mỗi dân tộc đều ăn Tết theo phong tục riêng của mình. Với đồng bào Thái cũng vậy. Họ có Tết cơm mới, sau khi lúa ở trên nương đã chín vàng họ thịt trâu, mổ lợn, lấy lúa mới đồ xôi nếp để cúng lễ, tổ chức ăn uống vui vẻ. Sau Tết cơm mới là Tết mừng nhà mới, Tết ông Táo, Tết đón sấm đầu năm, Tết Síp Sí (14-7 Âm lịch), Tết độc lập 2-9.
Đúng 12 giờ đêm Giao thừa ( còn gọi là Pông chay ) cũng chính là lúc mà các bậc tổ tiên, ông bà, cha mẹ ở đẳm chào trên mường trời tề tựu đông đủ tại gian hóng trong nhà. Vì thế, chứng tỏ là ngày Tết thực sự, con cháu trong nhà phải túc trực, đánh chiêng trống chào đón, bày các loại áo, váy, quần áo trẻ em, vải vóc, mặt chăn thổ cẩm, bạc nén, vòng cổ, vòng tay để tổ tiên chứng dám khung cảnh và hương vị của ngày Tết.
Người Thái ở miền Tây Nghệ An đến nay vẫn duy trì tục giữ lửa vào dịp tết. Ngày 30 người đàn ông đi rừng lấy củi, chọn những thanh củi to, khô, thẳng chắc vừa để nấu bánh chưng vừa để giữ lửa qua đêm. Tối 30 mọi người ngồi quây quần bên bếp lửa chờ đón năm mới . Tới khuya , người phụ nữ trong gia đình lấy tro vùi củi để sáng hôm sau khơi tro, than vẫn hồng. Người Thái quan niệm đêm 30 lửa tắt, gia đình sẽ làm ăn xui xẻo trong năm mới . Ngược lại gia đình nào giữ được than hồng sẽ phát đạt, hạnh phúc.
Mừng ngày Tết ta chúc cho nhau…
Múa sạp trong lễ hội của Người Thái đầu xuân năm mới
Nét mới trong đêm Giao thừa là cha mẹ mừng tuổi cho con cái trong nhà. Các tộc người thiểu số không có thói quen bỏ tiền trong bao lì xì mà chỉ đưa tờ giấy bạc để người được mừng thấy đó là tiền thật. Lì xì ở trong nhà thì giao thừa xong là được mừng, còn nhà khác thì sáng 1 đi chơi là được mừng tuổi.
Trước đây, đồng bào Thái có tục lấy nước cầu may. Nước đối với người Thái là mang đến sự tốt lành, thịnh vượng, nuôi sống muôn loài. Sau nghi lễ lấy nước cầu may, các thành viên trong gia đình bắt tay vào công đoạn chuẩn bị mâm cỗ ngày Tết. Người Thái lấy thủ và bốn chân lợn làm đồ cúng, cùng với đó là những món ăn và các loại bánh truyền thống như thịt giàng, bánh chưng… Mâm cúng thường có từ 2-3 mâm, mâm đặt trên cao là để cúng tổ tiên nhà chồng, còn mâm thấp hơn cúng tổ tiên nhà vợ, mâm thứ ba là cúng các thần trong nhà như thần bếp, thần thổ dưới chân cầu thang và những vong hồn khác. Bữa cơm Tết của người Thái có một món không thể thiếu, đó là cá, với các món nướng, chua, khô. Con cháu cùng quây quần bên mâm cỗ Tết, người lớn tuổi nhất trong gia đình sẽ nói những lời chúc tốt đẹp, mong con cháu gặp nhiều may mắn. Người Thái kiêng vứt lá dong xuống gậm sàn, kiêng quét nhà vào ngày mùng Một Tết.
Khác với người Kinh thường kiêng đến nhà người khác chúc mừng sáng mồng 1 tết, còn dân tộc Thái thì không kiêng, họ quan niệm rằng, càng có người đến “xông nhà” sớm càng tốt, bất kể nam hay nữ, trẻ hay già. Ra Tết tầm mồng 5 là có lễ hội đua thuyền, ném còn, bắn nỏ và chơi các trò chơi dân gian, lễ hội kép dài đến ngày 10 tháng Giêng, nhưng các bản thì ăn chơi Tết phải qua rằm mới hết. Từ 4 bắt đầu lễ hội đua thuyền, lễ hội đền thì tùy từng năm có năm kéo dài đến 7 tháng Giêng.. Múa sạp với cồng chiêng thì xong giao thừa là gia đình hoặc trong xóm có không gian rộng là họ bày sẵn ra, lúc nào có người đến là chơi. Vui chơi hội cồng chiêng, khắc luống,nhảy sạp với những âm thanh sôi động tạo nên nét đặc trưng của đồng bào.Hội vui và các phong trào văn hóa, văn nghệ thường kéo dài cho đến Rằm tháng Giêng mới mãn.
Ngày Tết không chỉ là dịp xum họp, đoàn tụ gia đình mà còn là nét đẹp độc đáo trong văn hóa, phong tục của đồng bào hòa quyện vào thiên nhiên núi rừng, cùng hướng tới những điều tốt lành cho năm mới đang đến. Đời sống xã hội hôm nay có nhiều thay đổi với sự du nhập nhiều giá trị văn hóa mới nhưng bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Thái vẫn được giữ gìn và phát huy.
Kế Hùng