Tết cổ truyền của người Khmer Nam Bộ
Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 01:31, 29/01/2020
Người Khmer Nam Bộ là cộng đồng dân tộc thiểu số thuộc nhóm Môn – Khmer hiện có khoảng 1,3 triệu dân, sống tập trung nhất là ở 20 huyện, thị của 9 tỉnh, thành phố thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long như Sóc Trăng, Trà Vinh, Kiên Giang, An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Vĩnh Long, Hậu Giang, Cần Thơ; một số ít ở thành phố Hồ Chí Minh và miền Đông Nam Bộ.
Tết cổ truyền của người Khmer Nam Bộ gọi là Chôl Chnăm Thmây (ngày thay năm cũ vào năm mới) hay còn gọi là “Lễ chịu tuổi’’. Tết Chôl Chnăm Thmây không có thời gian nhất định, mỗi năm mỗi ngày giờ khác nhau nhưng thường tổ chức đầu tháng Chét của lịch Phật giáo Khmer (khoảng giữa tháng 4 dương lịch) và kéo dài trong 3 ngày, năm nhuận kéo dài 4 ngày. Những ngày này bà con tề tựu về chùa để làm lễ, dâng cơm cho sư, tụng kinh và tổ chức vui chơi những trò chơi dân gian như đập nồi, kéo co, bịt mắt bắt dê, ném chuông (ném coòng)…
Nhiều ghi chép viết rằng, trước đây người Khmer chỉ cày cấy một vụ nên tháng 12 mọi người vẫn còn tất bật với ruộng đồng. Tháng 4, gặt hái xong, thóc lúa đã đầy bồ, bà con có thể thảnh thơi, nghỉ ngơi sau những ngày lao động mệt nhọc. Tháng 4 ở Nam Bộ cũng là lúc mùa khô vừa dứt và chuyển sang mùa mưa. Những cơn mưa đầu mùa làm cho cây cối xanh tươi, thiên nhiên như trỗi dậy một sức sống mới, người Khmer chọn thời điểm này cho sự khởi đầu của một năm mới.
Để chuẩn bị đón Tết cổ truyền, từ nhiều tuần trước đó, ngoài việc dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị quần áo mới, bà con còn chuẩn bị các loại bánh trái như: bánh tét, bánh ít, bánh gừng, hoa quả, nhang đèn để đem vào chùa dâng cúng Chư Phật, Chư Tăng, thánh thần… Nhưng quan trọng hơn cả là việc người dân tự nguyện góp công, góp của tu bổ, sửa sang chùa ở phum sóc nơi gia đình đang sinh sống.
Bánh Tét, loại bánh không thể thiếu trong những lễ vật dâng cúng ngày Tết của người Khmer.
Trước Tết khoảng nửa tháng, đồng bào Khmer đã tất bật chuẩn bị sửa sang nhà cửa, làm bánh trái, may quần áo mới… Nhưng quan trọng hơn cả là việc người dân tự nguyện góp công, góp của tu bổ, sửa sang chùa ở phum sóc nơi gia đình đang sinh sống.
Vào ngày trước Tết, ngôi chùa của người Khmer như bừng lên một sức sống mới. Tượng Phật, chính điện, cổng chào được sơn son thiếp vàng, khuôn viên chùa trang hoàng lộng lẫy.
Người Khmer vốn có truyền thống văn hóa phong phú và lâu đời nhưng đặc điểm riêng biệt và độc đáo là mọi sinh hoạt văn hóa đều gắn bó với chùa chiền, tôn giáo đạo Phật. Hầu như tất cả các lễ hội lớn nhỏ trong năm đều được thực hiện tại ngôi chùa là chính. Trước Tết, Tượng Phật, chính điện, cổng chào được sơn son thiếp vàng, khuôn viên chùa trang hoàng lộng lẫy.
Giờ giao thừa của Tết Chôl Chnăm Thmây không cố định vào lúc 0 giờ tiếp giáp giữa năm cũ và năm mới, mà luôn thay đổi hằng năm tùy vào quyển “Đại lịch” đã được các nhà thiên văn biên soạn. Tức là thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới sẽ được ấn định vào những thời điểm khác nhau theo từng năm. Có năm được ấn định vào lúc 13 giờ của ngày đầu tiên, có năm thì rơi vào ban đêm, có năm vào khoảng 9 hoặc 10 giờ của ngày thứ hai… Điều này là một nét riêng, phản ánh rất rõ về sắc thái văn hóa Khmer.
Theo truyền thống, gần đến thời khắc giao thừa, mọi nhà, kể cả tại các chùa sẽ bày các thứ lễ vật hoa quả, nhang đèn đặt trên một chiếc bàn ở ngay trước sân nhà để làm lễ tiễn Tevôđa cũ về trời, rước Tevôđa mới giáng trần. Người Khmer tin rằng, Tevôđa chính là vị Chư Thiên ngự ở tầng trời, được thần Prés-anh (Ngọc Hoàng) sai xuống trần gian để chăm lo cho dân chúng và muôn loài trong một năm, hết năm lại đưa các vị khác xuống thay thế.
Bắn pháo hoa rước chư Thiên trong năm mới.
Đêm giao thừa nhà nhà đều thắp nhang, đèn, làm lễ đưa Têvêđa cũ và rước Têvêđa mới. Têvêđa, theo người Khmer là vị tiên được trời sai xuống để lo cho dân chúng trong một năm. Sau đó, mọi nghi thức quan trọng đón Tết đều diễn ra tại chùa. Gia đình nào có con trai đến tuổi đi tu thì dẫn vào chùa làm lễ thí phát, quy y. Nhiều nhà còn ở trong chùa suốt những ngày Tết. Dưới mái chùa chung của cả phum sóc, mọi người đều hướng lòng thành kính về Đức Phật, tưởng nhớ đến ông bà tổ tiên và đặt hy vọng vào một năm mới an lành.
Trong những ngày Hội Xuân tại khoảng 500 điểm chùa ở Nam Bộ lúc nào cũng tưng bừng, náo nhiệt. Từng đoàn người với những bộ quần áo sặc sỡ, nét mặt vui tươi, trên tay cầm nhang đèn, hoa quả vào chùa. Ngày đầu tiên làm lễ rước Sâng Kran, rồi vào lễ Phật, đọc kinh mừng năm mới. Ngày thứ hai, phật tử dâng cơm cho các vị sư và đắp núi cát. Các vị sư đọc kinh cầu siêu cho người đã mất và cầu an cho người còn sống. Ngày thứ ba là lễ tắm tượng Phật và tắm cho các vị sư cao niên…
Trong các ngày Tết, đồng bào Khmer đi thăm hỏi lẫn nhau, chúc nhau tài lộc, sức khỏe, phát đạt và cùng nhau tham gia các trò vui. Thời gian có khi kéo dài hơn tuần mới trở lại cuộc sống thường nhật.
Bên cạnh Chôl Chnăm Thmây, đồng bào dân tộc Khmer còn có Lễ hội Sen Đôn Ta (Phchum Banh – Lễ hội cúng ông bà tổ tiên) và Lễ hội Dâng Y Kathinat. Ngoài ra còn có lễ hội Ok om bok, lễ Dâng bông, lễ Phật Đản, lễ hội phum sóc… Những lễ hội này làm phong phú bản sắc văn hóa của người Khmer, đồng thời làm giàu bản sắc văn hóa Việt Nam…
Đối với các lễ hội Khmer, tôn giáo, tín ngưỡng Phật giáo như hòa quyện vào đời sống của các thiện tín, thể hiện qua truyền thuyết và nghi thức thờ phụng.
Lễ rước Sâng Kran trong Tết Chôl Chnăm Thmây của người Khmer bắt nguồn từ một truyền thuyết của Phật giáo, đó là chuyện Thom Ma Bal và Kabil Maha Prum – còn gọi là ”Thần Bốn mặt”.
Vào ngày đầu năm mới thay vì rước đầu ”Thần Bốn mặt”, người Khmer rước Maha Sâng Kran (Đại nông lịch) đi vòng quanh chính điện 3 lần. Đầu ”Thần Bốn mặt” được thờ trong chùa Khmer.
Tục ”Đắp núi cát” cũng là một nghi thức không thể thiếu trong Tết Chôl Chnăm Thmây của người Khmer. Cát sạch được đổ thành từng đống quanh đền thờ Phật, chung quanh sân chính điện. Đắp những núi cát nhỏ theo tám hướng, núi thứ chín ở giữa là trung tâm trái đất (tức núi Sômêru). Sau đó vị Achar (một người am hiểu nghi lễ đạo Phật) hướng dẫn mọi người làm lễ quy y cho các núi. Nghi lễ này gọi là Anisâng Pun Phnôm Khsách. ”Phúc duyên đắp cát” là một phong tục nhằm tích phước, tích đức vào dịp Tết Chôl Chnăm Thmây của người Khmer Nam Bộ.
Các sự tích, truyền thuyết như trên trong Tết cổ truyền của đồng bào Khmer Nam Bộ là những bài học về cách sống, lối sống cho người Khmer theo triết lý đạo Phật. Tết Chôl Chnăm Thmây là dịp để bà con phật tử thể hiện tâm niệm của mình với Đức Phật, với ông bà cha mẹ mình.
Và, theo phong tục của người Khmer, tất cả những người quá cố trong gia đình đều được hỏa thiêu và gửi cốt trong chùa, chính vì thế mà trong ba ngày Tết ”mình ăn gì thì ông bà mình có cái đó”. Những vật dâng cúng không thể thiếu là cặp bánh tét, trái cây vườn nhà, một sấp vải trắng để cầu siêu gửi cho ông bà, cha mẹ dùng. Qua ba ngày Tết ở chùa mọi người mới về làm lễ tắm tượng Phật ở nhà, mời ông bà, cha mẹ đến chúc mừng, tạ lỗi và đem bánh trái tạ ơn ông bà, cha mẹ hoặc tắm cho ông bà, cha mẹ gọi là để trả hiếu.
Quốc Anh