Bước đột phá ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất trồng trọt
Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 11:04, 16/03/2020
Từ năm 2015 đến nay, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã chuyển giao 610 thử nghiệm kỹ thuật mới, hạn chế tối đa sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Đây được coi là bước đột phá trong ứng dụng công nghệ sinh học đối với hoạt động sản xuất trồng trọt.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, thực hiện chủ trương ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất trồng trọt, đến nay, Thành phố đã tiến hành cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP) trong sản xuất trên tổng diện tích 5.044ha; 521,6ha rau VietGAP và khoảng 50ha rau hữu cơ. Trong đó, hầu hết diện tích gieo trồng rau, hoa đều sử dụng các loại phân bón sinh học, phân bón vi sinh, phân hữu cơ vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học.
Hơn 60 HTX sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn TP. Hà Nội
Đáng chú ý, từ năm 2015 đến nay, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã triển khai thực hiện thử nghiệm và chuyển giao 610 thử nghiệm kỹ thuật mới hạn chế tối đa sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (trong đó có 91 thử nghiệm sử dụng bẫy bả chua ngọt trừ sâu khoang, sâu đục quả cà chua; 157 thử nghiệm bón phân hữu cơ cải tạo đất; thử nghiệm và ứng dụng bẫy Pheromone trong phòng trừ một số đối tượng sâu hại trên rau, hoa; 30 thử nghiệm sử dụng màng phủ không dệt hạn chế sâu bệnh trên rau ăn lá…) triển khai tại 116 xã, nhân rộng với diện tích 1.150,2ha.
Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn sản xuất các mô hình sản xuất VietGAP đối với cây ăn quả, chè, qua đó, nâng cao nhận thức của người sản xuất, như: Không dùng phân tươi, nước ô nhiễm để bón và tưới cho cây trồng; các loại thuốc bảo vệ thực vật có độ độc cao, thời gian cách ly dài trước đây nông dân thường sử dụng được thay thế bằng các loại thuốc bảo vệ thực vật thế hệ mới có độ độc thấp, thời gian phân hủy nhanh; phun thuốc tuân thủ nghiêm thời gian cách ly…, góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, nâng cao giá trị thương mại, bảo đảm chất lượng ATTP theo quy định, tạo lòng tin đối với người tiêu dùng.
Cùng với đó, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã thực hiện ứng dụng công nghệ sinh học trong việc nghiên cứu, đánh giá đa dạng di truyền và đăng ký bản quyền một số nguồn gen cây trồng nông nghiệp đặc sản của thành phố. Trong đó, cây ăn quả đã đánh giá đa dạng di truyền của quần thể cam Canh, bưởi Diễn bằng chỉ thị phân tử. Cây hoa, đã giải trình tự và khuếch đại thành công gen MatK và đăng ký thành công trên ngân hàng gen thế giới (NCBI) cho 07 giống địa lan. Đối với cây rau, đã bảo tồn cây húng Láng, trong đó, đã thực hiện thành công nội dung xác định dấu chuẩn phân tử (fingerprinting) đặc trưng cho giống húng Láng Hà Nội phục vụ cho công tác bảo tồn, khai thác sử dụng và đã đăng ký bản quyền ở ngân hàng gen thế giới.
Triển khai thực hiện Chỉ thị 50-CT/TW, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan tập trung ứng dụng công nghệ cao sản xuất, bước đầu tạo những hiệu ứng tích cực. Đáng chú ý, nhiều đề tài, dự án nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học trong trồng trọt đã đen lại kết quả vượt trội.
Đơn cử như đề tài nghiên cứu hoàn thiện quy trình gieo thẳng lúa theo hàng bằng công cụ kéo tay trên các chân đất và mùa vụ trên địa bàn thành phố. Đề tài này đã xác định được thời gian ngâm ủ giống, mật độ gieo phù hợp, biện pháp tưới nước, bón phân, làm cỏ… tối ưu cho sản xuất. Kết quả nghiên cứu đã được chuyển giao và áp dụng trên diện tích trên 10.000ha gieo cấy tại 200 hợp tác xã của 17 huyện, thị xã có cấy lúa của Hà Nội. Hay đề tài nghiên cứu kỹ thuật trồng hoa Cát tường (Eustoma grandiflorum Raf.shinn) đã thử nghiệm sản xuất, xác định được quy trình trồng, chăm sóc và áp dụng thành công tại ở phường Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm) với lợi nhuận đạt được gần 125,3 triệu đồng/1.000m2/năm.
Ngoài ra, nhiều đề tài nghiên cứu đem lại kết quả vượt trội như: Nghiên cứu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến một số sâu hại chính trên cây trồng chủ yếu tại Hà Nội và đề xuất định hướng giải pháp thích ứng; mở rộng sản xuất các giống lại chất lượng cao; ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô tế bào trong sản xuất, phát triển giống cây trồng chất lượng cao; ứng dụng công nghệ sinh học trong bảo tồn đa dạng sinh học; ứng dụng công nghệ sinh học trong bảo vệ môi trường nông nghiệp đều được đánh giá cao, ứng dụng hiệu quả sản xuất trong thực tiễn.
Hồng Minh (T/h)