Trung Quốc đã thực sự đánh mất niềm tin
Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 09:30, 13/04/2020
Hơn một tuần qua kể từ khi tàu hải cảnh của Trung Quốc đâm chìm tàu cá Quảng Ngãi của Việt Nam trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam, những nước lớn trên thế giới như Mỹ đã bày tỏ quan điểm “phẫn nộ”. Ngay cả nước Philippines – một thời được coi là “thắt chặt” với Trung Quốc cũng đã lên án thẳng thừng “Trung Quốc đánh mất hoàn toàn niềm tin” nhắc lại “sự cố đau thương” hồi cuối năm 2019 khi tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá Philippines làm 8 ngư dân chới với giữa biển và được tàu Việt Nam cứu vớt.
Giữa lúc toàn thế giới đang gồng mình chống dịch Corona (Covid 19), thì chính quyền Bắc Kinh đã điều tàu hải cảnh đâm chìm tàu cá Việt Nam. Đây được coi là “hành động trắng trợn”. Nói cách khác là hành động “cướp biển”-một trang mạng lên tiếng.
Các tàu hải cảnh Trung Quốc bị cáo buộc tham gia hoạt động đe dọa, bắt nạt tàu thuyền các nước khác ở biển Đông. Ảnh minh họa: XINHUA
Cụ thể là, Báo Los Angeles Times (Mỹ) đã có bài xã luận tựa đề “Điều mà virus Corona vẫn chưa thể ngăn lại đó là hoạt động xây dựng lực lượng (trái phép) của Bắc Kinh ở biển Đông”. Bài viết xuất hiện sau khi tàu hải cảnh Trung Quốc (TQ) đâm chìm một tàu cá của Việt Nam ở Hoàng Sa vào ngày 2-4. Trong khi đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã phát động “cuộc chiến tranh toàn dân” chống đại dịch COVID-19 thì ở một mặt trận khác, các tàu chiến của TQ vẫn dã tâm “đâm va, đâm chìm” tàu cá Việt Nam. Từ vệ tinh thu được, Bắc Kinh điều nhiều tàu hải cảnh, hải giám tràn xuống vùng biển Trường Sa (khu vực đảo Chữ Thập, đảo Gạc Ma) tăng cường hoạt động quân sự, diễn tập nhỏ tại đây.
Trong khi đó, ở một hướng khác, Bắc Kinh điều nhóm tàu hải cảnh có trang bị vũ trang tiếp tục quấy rối các tàu cá, tàu quân sự và các hoạt động khai thác kinh tế hợp pháp của các quốc gia khác ở Đông Nam Á. Đây là “kế độc” “cây cải bắp” của Trung Quốc. Những nơi tàu hải cảnh của Trung Quốc hoạt động, nằm trong cái gọi là “đường lưỡi bò” của Trung hoa yêu sách.
Cũng theo Theo Los Angeles Times, tháng trước hải quân TQ tiến hành cuộc tập trận với một hạm đội tàu ngầm chiến đấu cơ và các tàu tên lửa tấn công nhanh. Cuộc tập trận diễn ra khi một tàu sân bay của Mỹ đang cách xa Guam (một cứ điểm quan trọng của chiến lược quân sự Mỹ ở Thái Bình Dương) hàng ngàn dặm. Đây cũng gọi là động thái “lợi dụng tàu sân bay của Mỹ ở xa căn cứ, Trung Quốc đã tổ chức tập trận để làm gì?”- tờ báo này nêu câu hỏi.
Từ hành động của Trung Quốc đã thực sự làm mất lòng tin với thế giới, đặc biệt là Mỹ và các nước láng giềng Đông Á
Cụ thể là Tổng thống Mỹ Trump chỉ trích “Bắc Kinh lợi dụng dịch bằng cách một mặt tỏ ra giúp đỡ các nước chống dịch nhưng cùng lúc triển khai quân đội siết chặt vòng vây, chiếm đóng trái phép ở biển Đông, gia tăng áp lực và sự bắt nạt bất chấp quy định luật pháp quốc tế và yêu sách chính đáng của nước khác”- Chính quyền Mỹ “phản pháo”.
Tàu hải quân Việt Nam tuần tra trên biển, ảnh Lê Đình
Trong khi đó ông Collin Koh- một chuyên gia Chương trình An ninh hàng hải, ĐH Nanyan Mỹ nhận định: “Trong bối cảnh dịch bệnh ngày càng phức tạp, một số quốc gia Đông Nam Á có thể hoan nghênh sự giúp đỡ từ Trung Hoa. Nhưng chính phủ các nước này cũng nhận thức được ý đồ của Bắc Kinh là tiếp tục gia tăng áp lực trên biển khi các nước đang bận rộn chống dịch”. Có thể nói rõ hơn, Chính quyền Trung Quốc chưa bao giờ giúp đỡ không công chính phủ nước khác mà không đặt “lợi ích” của họ lên trên. Rất tiếc, lợi ích của Trung Quốc bị thế giới “bóc mẽ” lên án, phản đối. “Chính quyền Bắc Kinh sẽ phải có những nước cờ rất thận trọng nếu không muốn thấy những thành quả “ngoại giao dịch COVID-19” bị hủy hoại bởi những gì nước này đang làm ở biển Đông” – chuyên gia Collin Koh nhận định.
Như vậy, sau hai tuần kể từ ngày Trung Quốc cho tàu hải cảnh đâm chìm tàu cá Việt Nam, chính quyền Bắc Kinh đã bị thế giới lên án. Không phải bây giờ Bắc Kinh mới “ngỗ ngược” cho tàu đâm chìm tàu cá Việt Nam, mà hành động ấy đã lập đi lập lại nhiều lần làm cho thế giới “chờn”. Thêm một lần nữa, Trung Quốc đánh mất niềm tin với thế giới.
Lê Đình