Gia Lai: Dịch bệnh gây hại cây trồng
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 06:00, 03/02/2020
Nguyên nhân chủ yếu gây nên tình trạng dịch bệnh trên cây nông nghiệp ngắn ngày như ngô, sắn, bí đỏ… là do biến đổi khí hậu và khó khăn trong việc quản lý giống cây trồng.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai, trong năm 2019, dịch bệnh hại trên các loại cây trồng chủ lực của Gia Lai như lúa, ngô, cà phê, tiêu, mía, sắn có diện tích trên 35.000 ha; trong đó, sâu keo mùa thu gây hại trên cây ngô chiếm hơn 5.800 ha, trên cây khảm lá sắn khoảng 4.000 ha. Đầu năm 2020, tại huyện KBang tiếp tục xuất hiện bệnh khảm lá và phấn trắng trên cây bí đỏ, gây hại trên diện tích 110 ha, khiến bà con nông dân gặp nhiều khó khăn.
Sâu keo ăn hại cây bắp (ngô) của người dân địa phương.
Trong khi đó, Ia Pa là địa phương có diện tích sắn nhiễm bệnh khảm lá nhiều nhất tỉnh Gia Lai với gần 2.500 ha bị bệnh. Ông Rơ Lan Kem, xã Ia Mrơn chia sẻ, năm 2018 gia đình ông trồng 3 ha sắn, trừ chi phí thu được 50 triệu đồng. Ở vụ Hè Thu năm 2019, do thiếu giống, ông phải mua từ những người bán giống trôi nổi trên thị trường mà không biết nguồn gốc, xuất xứ. Vì vậy, diện tích sắn của gia đình ông đã bị nhiễm bệnh khảm lá và lây lan với tốc độ nhanh, nên thu nhập chắc chắn sẽ bị giảm nhiều so với năm trước.
Để bảo đảm vụ mùa cho người dân, hạn chế đến mức thấp nhất sự lây lan nguồn dịch bệnh, giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất, ổn định cuộc sống cho bà con, UBND tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương phối hợp triển khai thực hiện quyết liệt, nghiêm túc, hiệu quả công tác phòng, chống dịch sâu bệnh gây hại.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan chuyên môn thường xuyên tổ chức điều tra, theo dõi, nắm bắt chặt chẽ diễn biến của các loại sâu, bệnh gây dịch hại trên từng loại cây trồng; nguồn gốc dịch bệnh, hướng dẫn nông dân kịp thời triển khai các biện pháp phòng trừ, không để lây lan ra diện rộng gây thiệt hại đến sản xuất.
Bên cạnh đó, hướng dẫn người dân sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, chú trọng sử dụng các loại thuốc có nguồn gốc sinh học; điều tra, xác định các giống bắp có khả năng kháng, chống chịu với sâu gây hại; đánh giá mức độ nhiễm bệnh của các giống mỳ, kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc giống mỳ sạch bệnh và thông tin cho nông dân biết để trồng.
Cấp ủy, chính quyền của 17 huyện, thị, thành phố tăng cường cán bộ bám sát đồng ruộng, hướng dẫn chỉ đạo nông dân biện pháp phòng, trừ dịch bệnh.
Minh Anh (t/h)