Trung Quốc không có quần đảo Nam Sa, Tây Sa nào hết!
Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 08:30, 20/04/2020
Việt Nam và Trung Quốc luôn được coi là hai nước anh em có từ lịch sử truyền thống lâu đời. Trong cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc Việt Nam, giữa Việt Nam và Trung Hoa luôn có mối quan hệ “bang giao” “núi liền núi, sông liền sông”, “anh em một bầu trời”, hoặc “môi hở răng lạnh”. Đối với Việt Nam, một khi đã xác lập quan hệ ngoại giao, láng giềng hữu nghị thì chưa bao giờ “trở mặt”, ngược lại càng vun đắp cho tình hữu nghị truyền thống ngày thêm tốt đẹp. Điều đó được chứng minh rất rõ qua nhiều năm lịch sử trong quan hệ đối ngoại Việt Nam – Lào, Việt Nam – Campuchia, Việt Nam – Trung Quốc.
Đường đi của tàu Hải Dương 8 đang xâm phạm chủ quyền ngoài biển Tư Chính Việt Nam
Nhìn lại lịch sử chiến tranh vệ quốc của dân tộc Việt Nam ở thế kỷ 20, Việt Nam đã trải qua 23 cuộc chiến tranh lớn nhỏ qua các thời đại, trong đó chính quyền Bắc Kinh dã tâm xâm lược Việt Nam 21 lần. Sự xâm lăng đó được chính sử Việt Nam ghi lại và mãi không mờ phai. Vấn đề là ở chỗ, Việt Nam chưa bao giờ lấy quá khứ đau thương thù hận để làm nền móng cho ngoại giao tương lai, chưa bao giờ lấy “bánh xe lịch sử” để thiết lập mối quan hệ trong hòa bình kiến tạo đất nước.
Đảo đá Chữ Thập thuộc chủ quyền Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc đánh chiếm trái phép, nhìn từ vệ tinh
Về vấn đề mưu đồ lấn chiếm, đánh chiếm Biển Đông, trong đó có quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam không phải bây giờ chính quyền Trung Hoa mới “lộ đuôi cáo”; mà ngay từ năm 1954, tức là sau khi Việt Nam hòa bình lập lại, Trung Quốc đã đưa ra yêu sách về chủ quyền ở vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam. Cuối năm 1974, trong khi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân Việt Nam đang dốc sức dốc lực lượng cho cuộc cách mạng giải phóng dân tộc thống nhất đất nước, thì chính quyền Bắc Kinh đưa lực lượng quân sự ra đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa. Quần đảo Hoàng Sa lúc này đang được bảo hộ dưới chế độ ngụy quyền Sài Gòn Gia Định. Khi Việt Nam lên tiếng thì Trung Quốc lờ đi và cho rằng “giữ hộ”.
Đảo Chữ Thập của Việt Nam đang được Trung Quốc hiện đại hóa. ảnh Thanh Hải
Sự việc chiếm hoàn toàn quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam chưa nguôi ngoai, thì ngày 17-2-1979, Trung Quốc đem 60 vạn quân ồ ạt đánh chiếm 6 tỉnh biên giới phía Bắc nước ta. Các tỉnh Lai Châu, Hà Giang, Tuyên Quang, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng máu chảy thành sông, người chất thành núi. Trước dã man bành trướng của Trung Quốc, toàn Đảng toàn quân, toàn dân ta đã nhất tề đứng dậy “bẻ gãy” từng “gọng kìm” của Trung Quốc. Chỉ trong vòng chưa tới 2 tháng, quân và dân Việt Nam đã đánh đuổi 6 vạn binh lính Trung Quốc ra khỏi biên giới. Song thực tế mãi đến năm 1992 tiếng súng mới chấm dứt trên biên cương.
Mưu đồ của Trung Quốc càng bành chướng hơn vào thời gian trước khi cho hải quân sang tàn sát 64 cán bộ chiến sĩ ở rạn đá Gạc Ma thuộc Cụm đảo Sinh Tồn (quần đảo Trường Sa của Việt Nam). Ngày 22.1.1988, chính quyền Bắc Kinh đã rải hàng chục tàu chiến hạm, binh lính, tàu tuần dương, đổ bộ đánh chiếm đảo Chữ Thập của Việt Nam. Ít ngày sau đó, sớm ngày 14-3-1988, Trung Quốc cho lính hải quân đổ bộ từ hạm trục, tàn sát 64 cán bộ chiến sĩ Hải quân Việt Nam thuộc Trung đoàn 83 Hải quân Vùng 4 khi các chiến sĩ đang thực hiện bảo vệ chủ quyền mảnh đất của Tổ quốc mình. Tiếp theo, Trung Quốc đánh chiếm đảo Vành Khăn năm 1995- một trong những ranh đá nằm trong Cụm Bình Nguyên thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Tất cả những sự việc này, được chính sử ghi lại. Ghi lại không phải để hận thù hoặc “bới móc”, mà để thấy rằng, dã tâm của Trung Quốc luôn bành chướng và chưa bao giờ dừng lại với kế sách “đường lưỡi bò 9 khúc”.
Đấu tranh không khoan nhượng với tàu Hải Dương 8 của Bắc Kinh xâm phạm chủ quyền lãnh hải Việt Nam
Từ năm 2014 đến nay, Trung Quốc càng trắng trợn hơn thực hiện những yêu sách ở Biển Đông. Từ vụ cho tàu Hải Dương 981 ra quần thảo ở vùng biển Nam Tri Tôn tháng 5-2014, đến vụ điều nhóm tàu Hải Dương 8 đến vùng biển Tư Chính trong thềm lục địa của Việt Nam hồi quí 3 năm 2019. Và bây giờ, chính quyền Bắc Kinh lại điều tàu Hải Dương 8 xuống vùng biển Tư Chính – nơi có cán bộ chiến sĩ các nhà giàn DK1 đang làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam từ hướng biển.
Sự việc càng như “đổ dầu vào lửa” khi chính quyền Trung Quốc phát đi công bố thành lập huyện đảo Tây Sa (Hoàng Sa của Việt Nam) và Nam Sa (Trường Sa của Việt Nam). Thực ra, Trung Quốc chưa có một quần đảo nào gọi là Nam Sa, và Tây Sa. Cái mà Trung Quốc đang thực hiện thực chất là xâm chiếm trái phép. Nói cách khác là “hành động ăn cướp” chủ quyền của Việt Nam.
Nhà nghiên cứu, Tiến sĩ Trần Công Trục – Nguyên Trưởng ban biên giới Chính phủ mỗi lần “biển Đông dậy sóng”, là một lần trái tim ông “dậy sóng” theo. Ông đã nhiều lần nói trước báo giới về hành động “vừa ăn cướp vừa la làng” của Trung Quốc. Vậy tại sao Trung Quốc lại đưa tàu Hải Dương đến vùng biển DK1 của Việt Nam?
Thứ nhất: Đây là vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam có trữ lượng tài nguyên lớn. Mặc dù biết vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, song Trung Quốc thực hiện chiến lược “biến vùng không có tranh chấp thành có tranh chấp”.
Thứ hai: Trung Quốc điều tàu xuống vùng biển DK1 ngoài mục đích thăm dò, nghiên cứu, biến “không có tranh chấp thành có tranh chấp” còn để tạo nên “cơ hội truyền thống”. Khi Việt Nam phản đối, thế giới lên án thì Trung Quốc “lật bài” “gác tranh chấp cùng khai thác”.
Thứ ba: Trung Quốc đưa tàu xuống vùng biển DK1 để “trêu ngươi” và chờ cơ hội khi Việt Nam có hành động nổ súng, thì Trung Quốc tạo cớ xung đột, lúc đó chắc chắn DK1 sẽ trở thành điểm nóng về quân sự chính trường.
Trước động thái và mưu đồ của Trung Quốc, Việt Nam vẫn giữ vững ý chí đấu tranh. Các lực lượng trên biển vẫn duy trì bám sát động thái của Trung Quốc, nắm chắc đối sách trên biển, đấu tranh bằng phương pháp hòa bình, quyết không nổ súng, không mắc mưu địch.
Mai Thắng