Nhọc nhằn nghề thu gom rác biển
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 07:50, 24/04/2020
Vài năm gần đây, việc nuôi trồng thủy hải sản trên Vịnh Hạ Long bị cấm thì số cư dân nuôi trồng thủy, hải sản lại kéo nhau về Tp. Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Không chỉ những người dân sở tại nuôi trồng mà có cả cư dân tứ xứ kéo về, từ Thủy Nguyên – Hải Phòng đến thị xã Quảng Yên cũng tập trung tại đây. Không biết có phải khí hậu ở đây tốt hay vùng biển nơi đây giàu tiềm năng. Nuôi đủ các loại cá đến các loại nhuyễn thể, việc nuôi trồng thủy, hải sản này cũng đã mang lại một nguồn lợi đáng kể cho thành phố. Tuy nhiên, lượng rác thải sinh hoạt cũng theo đó mà ngày một nhiều. Biết được điều này, thành phố đã quy hoạch các khu nuôi trồng riêng cho từng loại nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Cùng với việc quy hoạch các khu nuôi trồng, thành phố cũng giao nhiệm vụ cho Công ty cổ phần Môi trường đô thị Cẩm Phả thu gom, vớt rác thải trên toàn tuyến biển. Đội vận chuyển của Công ty với 30 người có trách niệm vận hành các thiết bị, thu gom rác thải trên toàn bộ địa bàn của Tp. Cẩm Phả và thu gom rác thải trên mặt biển, các nhà lồng, bè nuôi trồng thủy, hải sản với diện tích hàng trăm Km2 về nơi xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường biển và môi trường thành phố.
Với tôi, mong muốn được “mục sở thị” những người công nhân đang làm nhiệm vụ thu, vớt rác trên biển, giữ sạch môi trường. Và rồi ngày ấy cũng đến, trên chiếc xuồng nhỏ gắn máy 50 của hãng HonDa, do Trưởng phòng Giám sát chất lượng công ích thuộc Công ty cổ phần Môi trường đô thị Nguyễn Hữu Quảng tự tay cầm lái đưa tôi đi khắp khu vực mà đơn vị được phân công thu gom rác.
Đội tàu thu gom rác thải tại khu vực hòn Cặp Vọ.
Dự báo, có áp thấp nhiệt đới mạnh, kèm theo mưa dông nên những con tầu vó đèn, tầu đuổi cá nhâm, tầu đánh ghẹ, tầu chã cào… về đây tránh bão, đỗ chật kín khu vực Bến Do không có hàng lối, trật tự nào cả. Gió mỗi lúc một to, đội tàu thu gom rác của Công ty phải luồn lách giữa những con tầu khá vất vả. Lòng vòng trong khu vực hòn Cặp Vọ mất gần 2 tiếng đồng hồ, len lỏi giữa các hộ nuôi cá lại sang chỗ các hộ nuôi hàu. Theo đó, đủ các loại rác từ hộp xốp, túi ni lông, vỏ chai nhựa, túi mỳ ăn liền, vỏ bao thức ăn cho cá..v.v…Nước vỗ vào mạn xuồng, bắn tung tóe khiến chúng tôi ướt hết cả đầu tóc. Anh Quảng bảo “Ở trong này còn lặng gió, lát nữa anh em mình di chuyển từ đây ra ngoài đảo Ông Cụ, khoảng trống lớn, sóng còn to nữ!”. “Sau đó anh em mình còn đi đâu nữa” – tôi hỏi. Trong tiếng máy xuồng chạy ù ù anh Quảng nói “từ hòn Ông Cụ chúng ta lại về khu vực Vũng Bầu”.
Càng ra xa sóng càng mạnh hơn, 12 con người được biên chế ở 02 tầu tất bật làm việc. Đội trưởng đội vận chuyển Đặng Xuân Dũng đang chỉ đạo anh em công nhân luồn lách vào từng nhà bè nuôi cá để thu rác thải. Những con chó nuôi trên bè bị chồn chân vì không được chạy nhảy như trên bờ, thấy người lạ đến, chúng đồng loạt lao ra dữ dằn, xông thẳng đến những người dám tự ý bước xuống bè thu rác. Trong tay mỗi người đều có những chiếc vợt cán dài là dụng cụ để vớt rác và cũng là vũ khí để chống lại mấy con chó dữ.
Anh Dũng cho biết, thông thường thì một tầu chuyên làm nhiệm vụ thu rác thải của các khu vực, cứ sáng thì thu rác tại khu vực hòn Ông Cụ, chiều về thu rác tại khu vực hòn Cặp Vọ và khu vực Vũng Bầu. Còn một tầu chuyên đi vớt rác từ khu vực ven biển phường Cẩm Đông đến ven biển phường Cẩm Thạch. Hôm nay cả hai tầu đều phải làm nhiệm vụ trong khu vực Bến Do trước vì hôm nay tầu về trú tránh bão đông, lượng rác thải nhiều. Vậy mỗi ngày đội của anh thu gom được bao nhiêu rác? Bình quân mỗi ngày chúng tôi thu gom khoảng trên 3 tấn, vận chuyển vào bờ, đưa lên ô tô chở vào khu xử lý rác thải rắn tại Hoành Bồ. Ngoài nhiệm vụ thu gom rác thải sinh hoạt trên biển các anh có còn nhiệm vụ khác không? Nhiều khi chúng tôi còn phải kéo cả những bè nuôi hầu bị hỏng do người dân bỏ đi, để lại thì nó trôi nổi trên mặt biển, phải kéo đi xử lý.
Đoàn Trần Quỳnh một công nhân trong đội, vừa thoăn thoát đưa cây móc rác từ góc bè nuôi cá lên vừa nói: Nghề thu gom rác biển này nhọc nhằn và vất vả lắm anh ạ, mùa hè thì nóng nực, chúng tôi vẫn phải phơi mình dưới cái nắng gắt để thu gom rác. Mùa đông rét mướt, nhất là những hôm mưa phùn gió bấc, dù đã mặc quần áo mưa để tránh bị ướt nhưng những ngón tay vẫn tê cứng vì nước mưa, nước biển, gió lạnh…Nhiều hôm về đến nhà, người mệt lả, ngón chân, ngón tay lạnh buốt, tím thâm cả lại…thế thôi chứ vẫn phải thu gom hết rác, làm sạch mặt biển.
Thu gom rác thải tại khu vực hòn Ông Cụ.
Vào mùa mưa, khủng khiếp nhất là những hôm mưa to, gió lớn. Ngoài lượng rác thải của các hộ nuôi trồng thủy, hải sản trên biển thì rác từ trong đất liển theo các khe suối, cống nước đổ ra dữ dội, không thiếu một loại rác gì, thượng vàng, hạ cám, nhiều khi có cả những khúc gỗ to tướng từ trong cống lao ra với tốc độ nhanh theo dòng nước, ba bốn người mới kéo nổi nó lên tàu.
Thứ bảy, chủ nhật có được nghỉ không? – Tôi hỏi. Anh Nguyễn Văn Ngoan vẫn bình tĩnh vớt từng cái vỏ gói mỳ tôm, chai nhựa trả lời: Thông thường chúng tôi không dám nghỉ. Anh thấy đấy, nếu nghỉ một ngày thì lượng rác ngày mai lại ùn lên rất nhiều sẽ vất vả hơn. Thà rằng ngày nào cũng đi làm, vừa sạch rác, vừa đỡ vất vả cho những ngày sau. Công việc vất vả như thế này chắc tiền lương cao? Cũng chỉ bình thường thôi anh ạ, lương bình quân của chúng tôi từ 5,5 triệu đồng đến 6 triệu đồng/tháng – anh Ngoan cho biết.
Theo chân Đội trưởng Đặng Xuân Dũng lên một nhà bè nuôi cá ở khu vực hòn Ông Cụ, chủ bè là đôi vợ chồng còn khá trẻ. Người chồng tên là Nguyễn Văn Thạc, dáng người cao, hơi gầy, nước da sạm đen do nắng gió của biển hun đúc. Chủ nhà khá nhanh miệng, mời anh em lên bè uống nước. Tôi hỏi chủ nhà: Từ ngày có công nhân môi trường ra thu gom rác, anh thấy thế nào? Khuôn mặt anh sáng lên: Quá tốt bác ạ, mặt biển sạch sẽ, không còn rác trôi vào các bè nuôi cá nữa, nguồn nước chảy được tự nhiên không còn vật cản nữa nên cung cấp ô xy trong nước cũng tốt hơn nhiều, cá không còn bị bệnh như trước nữa. Những hộ nuôi cá chúng em ở khu vực hòn Ông Cụ này vận động nhau, rác thải của từng nhà, thu gom thành từng túi để góc các bè thuận tiện cho đội thu gom dễ cập tầu, thu nhặt. Bẩy mươi mốt hộ nuôi cá lồng bè ở khu vực này cam kết không xả rác xuống biển, nhưng chúng em vẫn phải vớt rác ở mặt biển để gọn trên bè nhà mình. Anh có biết vì sao không? Mỗi ngày có đến vài trăm chiếc tầu lớn, nhỏ đi đánh cá về bến bán rồi mua đồ lại xa khơi đánh bắt. Đồ ăn thức uống, rác thải đủ loại họ đổ bừa xuống biển, trôi vào bè thì bọn em lại phải vớt. Nói chung, mấy anh nhà tầu ý thức rất kém…
Rời hòn Ông Cụ, theo đội tầu vớt rác, chúng tôi lại về khu vực Vũng Bầu. Đến đâu cũng có rác thải, đủ kiểu, đủ loại và công việc của 12 công nhân vẫn là vớt, xúc, thu, gom rác về tầu của mình. Chiều về đến Bến Do, xe ô tô chuyển rác đã chờ sẵn.
Chia tay những người làm nghề thu gom rác trên biển trong lúc họ đang chuyển rác vào xe ô tô. Anh Nguyễn Hữu Quảng nói: Đây là một mảng công việc của đội thu gom, vận chuyển trong rất nhiều mảng công việc. Khép lại quy trình công việc của một ngày, ngày mai họ lại thực hiện quy trình như thế này và 30/30 ngày trong tháng vẫn thế.
Băng Sơn