Chất lượng không khí được cải thiện tại các quốc gia bị phong tỏa do dịch Covid-19
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 13:26, 04/04/2020
Hình ảnh vệ tinh từ Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) cho thấy dịch Covid-19 đang đóng cửa các hoạt động công nghiệp và tạm thời làm giảm mức độ ô nhiễm không khí trên toàn thế giới. Một chuyên gia cho biết thay đổi bất ngờ này cho thấy “một trải nghiệm ở quy mô lớn nhất từng có” về việc giảm phát thải từ các ngành công nghiệp. Những hình ảnh từ vệ tinh Sentinel-5P của ESA chỉ ra rằng trong hai tháng qua, mức độ nitơ điôxít (NO2) trong các thành phố và các cụm công nghiệp tại Châu Á và Châu Âu thấp hơn hẳn cùng kỳ năm trước.
Hình ảnh vệ tinh của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) và ESA đều cho thấy rõ ràng rằng ô nhiễm không khí tại Trung Quốc đã giảm xuống kể từ khi vi-rút cô-rô-na bùng phát. Tại thời điểm tháng hai, nồng độ khí NO2 giảm đáng kể tại Vũ Hán, trung tâm dịch Covid-19, chỉ số chuyển từ màu đỏ/cam sang xanh da trời. NO2 chủ yếu được sinh ra từ các phương tiện giao thông, các điểm công nghiệp và nhà máy nhiệt điện. Tuy nhiên, Trung Quốc đã đi qua đỉnh của cuộc khủng hoảng và hình ảnh hiện nay từ ESA cho thấy lại xuất hiện trở lại phát thải NO2.
Mức độ NO2 cũng giảm tại Hàn Quốc, nơi đang phải chống chọi lâu dài với lượng phát thải cao từ hàng loạt các nhà máy điện cũng như do gần các cơ sở công nghiệp tại Trung Quốc. Tại Ấn Độ, trong suốt ba tuần đầu tháng ba, mức độ NO2 bình quân đã giảm từ 40 – 50% trong các thành phố Mumbai, Pune và Ahmedabad, so với cùng kỳ năm 2018 và 2019, ông Gufran Beig, nhà khoa học của Cơ quan Hệ thống chất lượng không khí và Nghiên cứu, dự báo thời tiết thuộc Bộ Khoa học Trái đất cho biết.
Tại Việt Nam, nhiều hoạt động kinh doanh, sản xuất tạm ngừng, lượng phương tiện giao thông giảm quá nửa vì dịch Covid-19, tình trạng ô nhiễm không khí tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội cũng giảm đáng kể. Căn cứ trên ứng dụng đo chất lượng không khí AirVisual, sáng ngày 31 tháng 3 năm 2019, hiển thị chỉ số AQI (chỉ số chất lượng không khí) ở Thành phố Hồ Chí Minh trung bình là 65, màu vàng – mức vừa phải. Trong khí đó, chỉ số AQI trung bình ở Hà Nội bằng 47 – mức tốt cho sức khỏe con người.
Giảm phát thải NO2 cũng được ESA quan sát được tại miền Bắc I-ta-li-a, nơi đang bị đóng cửa để chống lại sự lan rộng của vi-rút cô-ra-na mới gây ra dịch Covid-19. Cơ quan Môi trường Châu Âu (EEA) cũng báo cáo về thay đổi tương tự tại Barcelona và Madrid khi chính quyền Tây Ban Nha ban bố lệnh hạn chế đi lại vào giữa tháng ba.
Mặc dù Vương quốc Anh bị bùng phát dịch sau I-ta-li-a hơn một tuần và biện pháp của Chính phủ là hạn chế người điều khiển phương tiện trên đường thực sự đã cho thấy mức giảm ô nhiễm đáng kể tại các điểm nóng như Marylebone tại London.
“Giảm mạnh ô nhiễm không khí”
Ông Vincent-Henri Peuch đến từ Chương trình Điều tra Trái đất Copernicus của Liên minh Châu Âu (EU) cho biết “NO2 là chất ô nhiễm tồn tại trong thời gian ngắn, có thể sống trong bầu khí quyển khoảng một ngày”. Ông phát biểu trên Tạp chí AFP của Pháp rằng “Theo đó, chất ô nhiễm này ở gần các nguồn phát thải và được sử dụng như tiêu chí đánh giá mức độ ô nhiễm trong các lĩnh vực khác nhau”.
Ông Fei Liu, nhà nghiên cứu về chất lượng không khí tại Trung tâm Bay không gian Goddard của NASA lưu ý về thay đổi tại Trung Quốc “Đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến sự suy giảm mạnh mẽ tại một khu vực rộng lớn trong một sự kiện cụ thể”. Thậm chí trong cuộc khủng hoảng kinh tế hơn một thập kỷ trước, mức giảm NO2 “không được như lúc này”, theo chuyên gia chất lượng không khí EEA Alberto Gonzalez Ortiz. Ông Peuch thì nhấn mạnh “Tại miền Bắc I-ta-li-a, nồng độ NO2 trung bình gần như giảm một nửa”. Chất ô nhiễm này có thể gây sưng viêm hệ hô hấp nghiêm trọng.
Phơi nhiễm lâu dài
Do nhiều quốc gia hoặc khu vực khác yêu cầu người dân duy trì cách ly tại nhà, điển hình như Ác-hen-ti-na, Bang Bavaria (Đức), Bỉ, Ca-li-phóc-ni-a (Hoa Kỳ), Pháp và Tuy-ni-di, các nhà khoa học đang nghiên cứu số liệu để theo dõi xem xu hướng trên có diễn ra tương tự hay không. Tuy nhiên, NO2 giảm không có nghĩa không khí trong lành hơn. Trạm Quan sát Trái đất của NASA báo cáo Bắc Kinh đã trải qua tình trạng ô nhiễm không khí do các chất gây ô nhiễm không khí khác vào tháng hai.
Không khí tại Paris cũng được đánh giá vẫn ô nhiễm như thông thường do sự hiện diện của các chất gây ô nhiễm không khí và NO2, thậm chí mặc dù người dân thực sự cách ly tại nhà trong ba ngày. Ông Peuch lý giải rằng nồng độ của các chất gây ô nhiễm có thể thay đổi theo thời tiết. “Một số nguồn phát thải, như sản xuất năng lượng và tiêu thụ năng lượng trong sinh hoạt chắc chắn không giảm nhiều khi nhiều người phải ở nhà,” ông lưu ý. Ông Peuch cũng cho biết rằng nồng độ của bụi mịn PM2.5 và PM10 và cácbon mônôxít (CO) “cũng được dự đoán sẽ giảm theo thời gian”. Có cả hỗn hợp của bụi cứng nhỏ và các giọt chất lỏng hiện diện trong khí quyển với đường kính từ 2,5 đến 10 micrômét.
Do đó, chúng ta cần phải suy nghĩ về việc làm thế nào để nâng cao sức khỏe, giả sử rằng ô nhiễm không khí sẽ khiến khoảng 8,8 triệu người trưởng thành tử vong mỗi năm theo một nghiên cứu gần đây? Các hạt bụi mịn sẽ xâm nhập vào mắt, họng và gây khó thở. Trong những tình huống nguy cấp, người già và những người bị bệnh hen suyễn sẽ có nguy cơ tử vong nếu không được điều trị đúng cách. Về lâu dài, ô nhiễm không khí có thể gây ra các vấn đề kinh niên về hô hấp và tuần hoàn hoặc gây ung thư phổi. “Càng hạn chế ô nhiễm càng tốt”, ông Gonzalez Ortiz lưu ý.
Các biện pháp cách ly bảo vệ con người theo hai cách, giảm rủi ro lây nhiễm Covid-19 và giảm ô nhiễm từ giao thông đường bộ, theo một nhóm bác sỹ người Pháp của Viện Air-Sante-Climat. Tuy nhiên, thật khó để biết được những lợi ích mà người dân trên thế giới thực sự có được bởi vì theo các chuyên gia y tế, “những gì sẽ tác động hơn nữa chính là sự phơi nhiễm lâu dài”.
Ngọc Ánh