Năm 2100: Sông băng ở Himalaya tan hết vì biến đổi khí hậu

Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 03:30, 13/08/2020

Moitruong.net.vn – Toàn bộ sông băng trên dãy Himalaya có thể tan hết vào năm 2100, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thực phẩm và nguồn nước, gây nên sự di cư ồ ạt ở khu vực.

Vào năm 2100 có ba trường hợp sẽ xảy ra với số băng trên dãy Himalaya, nơi có những ngọn núi cao nhất thế giới. Trường hợp đầu tiên và là trường hợp lạc quan nhất, nếu các cột mốc đầy tham vọng chống biến đổi khí hậu được thực hiện, một phần ba sông băng ở dãy Himalaya sẽ tan chảy.

Trường hợp thứ hai, khi chúng ta không đạt được những mục tiêu chống biến đổi khí hậu đã đặt ra, và sự nóng lên toàn cầu và gia tăng khí nhà kính giữ ở mức độ hiện tại, dãy Himalaya sẽ mất hai phần ba sông băng vào năm 2100.

Sông băng Khumbu gần đỉnh Everest là một trong những dòng sông băng dài nhất thế giới.

Trường hợp cuối cùng cũng là trường hợp xấu xí nhất, khi trái đất nóng lên nhanh hơn, nhiệt độ trên dãy Himalaya có thể tăng thêm 4,4 độ C vào năm 2100 và khiến toàn bộ sông băng ở đây tan chảy. Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chuỗi thức ăn và nguồn nước, dẫn tới sự di cư ồ ạt ở khu vực.

Khả năng tiếp cận với các nguồn nước cũng đang là vấn đề nan giải. Mùa xuân năm ngoái, tình trạng thiếu nước trầm trọng đã diễn ra ở thành phố Shimla của Ấn Độ trên dãy Himalaya. Mọi thứ tệ đến nỗi các cư dân đã phải yêu cầu khách du lịch ngừng tham quan để họ có đủ nước sinh hoạt.

Một báo cáo của chính phủ Ấn Độ vào năm ngoái cho thấy nước này đang phải trải qua cuộc khủng hoảng nước tồi tệ nhất lịch sử. Một nửa dân số Ấn Độ, khoảng 600 triệu người, đang phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nguồn nước, với 200.000 người chết mỗi năm do không được tiếp cận với nước sạch. Theo ước tính, nhu cầu nước của người dân Ấn Độ sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030.

Tại quốc gia láng giềng Nepal, nhiệt độ tăng cao đã khiến những người dân cảm thấy bi quan. Lớp phủ tuyết đang mỏng dần ở các ngôi làng miền núi và mưa thì càng ngày càng không thể dự đoán được. Những khu vực đất đai màu mỡ từng được sử dụng để trồng rau giờ đã trở nên cằn cỗi.

Pasang Tshering Gurung, một nông dân từ làng Samjong, cao 13.000 mét so với mức nước biển, cho biết các nguồn nước đã bắt đầu cạn kiệt.

Minh Anh

   

Minh Anh