Kiên Giang: Đảm bảo các điều kiện sẵn sàng phòng cháy, chữa cháy rừng
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 03:23, 28/02/2020
Kiên Giang hiện có tổng cộng 41.147ha rừng ở các vùng trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy cao nằm trên địa bàn các huyện Phú Quốc, Kiên Hải, Giang Thành, Kiên Lương, Hòn Đất, An Minh, U Minh Thượng và thành phố Hà Tiên. Tại các vùng này, các lực lượng đã bố trí sẵn phương tiện, trang thiết bị và tổ chức ứng trực 24/24 theo phương châm “4 tại chỗ”.
Ban Chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ các cấp, tổ đội phòng cháy, chữa cháy rừng cơ sở đã được kiện toàn. Duy trì thực hiện chặt chẽ quy chế phối hợp bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng giữa các lực lượng kiểm lâm, công an, quân đội.
Các đơn vị chủ rừng đã triển khai thực hiện các phương án phòng cháy, chữa cháy rừng theo phương án đã được phê duyệt. Vườn quốc gia Phú Quốc đã trục cỏ diện tích hơn 168ha tại các khu vực đồng tràm Bãi Thơm thuộc xã Bãi Thơm, đồng tràm Đồng Bà thuộc xã Cửa Cạn; cày đường băng trắng trên diện tích hơn 464ha tại các khu vực đồng tràm, rừng phòng hộ; gia cố, nạo vét 68 giếng trữ nước; bố trí 40 bồn chứa nước, 55 người trực 24/24 ở các vùng trọng điểm.
Vườn quốc gia U Minh Thượng gia cố, sửa chữa 6 cống điều tiết nước, đắp 2 đập giữ nước, nạo vét 5 hồ trữ nước trong rừng; bơm hơn 1,5 triệu mét khối nước bổ sung vào rừng; lắp đặt 3 bảng dự báo cấp cháy rừng. Vườn quốc gia U Minh Thượng đã phát dọn 25 đường tuyến (500-800m/tuyến) để cơ động lực lượng tiếp cận khi có cháy rừng xảy ra; phát dọn thực bì mặt kênh được 60/70km; đảm bảo vỏ máy tuần tra và bố trí 40 điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao.
Tiếp đến Ban Quản lý dự án Lâm trường 422-Sư đoàn 4 đã gia cố, đắp 7 đập nước; phát dọn đường băng cản lửa dài 7km; đốt xử lý thực bì 14ha; bơm 1 triệu mét khối nước vào rừng; bố trí 90 người trực tại các vùng trọng điểm.
Các địa phương có rừng như: An Minh, Hòn Đất, Kiên Hải, Kiên Lương, thành phố Hà Tiên, Giang Thành cũng bố trí lực lượng ứng trực tại các vùng trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao, đồng thời tiến hành gia cố và đắp đập giữ nước, phát dọn đường băng cản lựa để phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Lực lượng kiểm lâm tỉnh hỗ trợ máy bơm phao, vòi chữa cháy và một số trang thiết bị, dụng cụ chữa cháy khác cho các đơn vị chủ rừng.
Biển báo hiệu cấp cháy rừng
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, từ nay đến hết mùa khô năm 2020, thời tiết tiếp tục nắng nóng, khô, hanh, mực nước trong các khu rừng xuống thấp, cấp dự báo cháy rừng luôn ở cấp V, cấp cực kỳ nguy hiểm, rất dễ xảy ra cháy rừng.
Do đó, Ban Chỉ đạo phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ các cấp trong tỉnh sẽ tổ chức triển khai và thực hiện nghiêm túc các văn bản của Trung ương, của tỉnh về công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, thông tin cảnh báo nguy cơ xảy ra cháy rừng ở các địa phương đến các cơ quan, đơn vị liên quan và người dân biết để chủ động hơn trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Chỉ huy, huy động lực lượng triển khai các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng theo phương châm “4 tại chỗ”.
Cùng với đó, Ban Chỉ đạo phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ các cấp trong tỉnh sẽ tăng cường kiểm tra, đôn đốc các địa phương, chủ rừng trong tổ chức thực hiện biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng ở vùng trọng điểm; tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chủ rừng xây dựng kế hoạch tác chiến cụ thể, tăng cường lực lượng tuần tra và cắm chốt trực 24/24 đến hết mùa khô năm. Kiên quyết xử lý những chủ rừng không thực hiện các điều kiện đảm bảo an toàn về phòng cháy, chữa cháy rừng, không bố trí trực theo phương châm “4 tại chỗ” tại các vùng trọng điểm. Chỉ đạo thực hiện quy chế phối hợp bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng giữa các lực lượng ứng cứu, khống chế, dập tắt các vụ cháy khi mới phát sinh, không để xảy ra cháy lan, cháy lớn.
Ban Chỉ đạo phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ các huyện, thành phố và chủ rừng cần tăng cường kiểm tra việc thực hiện các phương án phòng cháy, chữa cháy rừng, bố trí lực lượng trực, canh phòng để phát hiện ngay khi có cháy để xử lý kịp thời; thường xuyên kiểm tra các trang thiết bị chữa cháy rừng để đảm bảo không bị hư hao và sử dụng được ngay khi có cháy xảy ra.
Đồng thời, thường xuyên rà soát các khu vực trọng điểm có nguy cơ cháy cao để bổ sung phương án chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy rừng, đảm bảo các điều kiện sẵn sàng theo phương châm “4 tại chỗ”.
Quốc Tuấn