Thu tiền rác theo khối lượng thực tế thay vì tính phí theo đầu người
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 10:00, 04/06/2020
Theo báo cáo của Tổng cục Môi trường, trung bình mỗi năm tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt cả nước là 25 triệu tấn. Trong đó, chỉ có 30% được xử lý đốt hoặc sản xuất phân hữu cơ, hơn 70% chôn lấp trực tiếp.
Riêng TP Hà Nội mỗi ngày phát sinh 6.000 tấn rác, tỷ lệ chôn lấp tới 90%, TP.HCM tỷ lệ chôn lấp cũng lên tới 69%. Tỷ lệ chôn lấp trực tiếp gây ra nhiều vấn đề môi trường và xã hội phức tạp. Việt Nam cũng chưa phân loại được rác tại nguồn nhằm thúc đẩy quá trình tái chế, tái sử dụng.
Ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, cho biết công tác quản lý về chất thải rắn sinh hoạt còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Đặc biệt là vấn đề chất thải rắn sinh hoạt trở thành điểm nóng về an ninh, chính trị tại một số địa phương.
Ông Nguyễn Thượng Hiền – phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường
Mặt khác, chất thải hầu hết chưa được phân loại tại nguồn; chưa có các cơ chế chính sách thúc đẩy hoạt động phân loại, dẫn đến khối lượng phát sinh ngày một nhiều.
“Luật hiện hành chưa quy định theo nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền dẫn đến không khuyến khích được việc giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng chất thải phát sinh và phân loại chất thải” – ông Hiền nói.
Để khắc phục những hạn chế trên, dự thảo luật đã đưa ra các quy định mới về quản lý rác thải sinh hoạt tại đô thị. Theo đó, việc thu gom xử lý rác thải sinh hoạt phải tuân thủ các nguyên tắc như rác thải phải được phân loại trước khi thu gom xử lý, hộ không phân loại hoặc xả nhiều rác sẽ phải trả nhiều tiền hơn các hộ khác.
Dự thảo luật đưa ra quy định khuyến khích người dân phân loại chất thải rắn tại nguồn thành 5 loại: Chất thải rắn có khả năng tái chế; chất thải thực phẩm, chất thải hữu cơ dễ phân hủy; chất thải nguy hại; chất thải cồng kềnh và chất thải rắn sinh hoạt thông thường khác.
Rác thải sinh hoạt phân loại sẽ được đựng trong các túi chứa rác riêng biệt do chính quyền địa phương quy định giá bán. Người dân sẽ trả tiền thu gom, xử lý rác bằng hình thức mua các túi đựng rác này.
Đối với loại rác thải có thể tái chế được, người dân có thể sử dụng các loại túi chứa rác bất kỳ, không phải trả tiền, thu gom xử lý. Tiền bán túi chứa rác theo dự tính có thể bù đắp từ 30-50% chi phí thu gom, xử lý rác tại các đô thị
“Việc này sẽ thúc đẩy người dân giảm thiểu lượng chất thải phát sinh vì rõ ràng việc phát sinh ít chất thải hơn đồng nghĩa với việc phải trả ít tiền hơn”-ông Hiền nói.
Trung bình mỗi năm, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) cả nước là 25 triệu tấn
Để tăng tính khả thi, dự luật cũng đưa ra quy định về sự tham gia giám sát của các tổ chức chính trị xã hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cấp Hội, tổ dân phố, cộng đồng dân cư đối với việc tổ chức thực hiện và giám sát việc phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Đại diện Tổng cục môi trường cho biết các quy định quản lý rác sinh hoạt như trên đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Tại Hàn Quốc, khi đưa ra quy định này phải mất 5 năm mới thành công. Do vậy tại Việt Nam, các quy đinh trên nếu được Quốc hội thông qua cũng sẽ phải xây dựng lộ trình thực hiện trong thời gian dài.
Thúc đẩy cơ sở xử lý chất thải nguy hại quy mô lớn
Đối với quản lý chất thải nguy hại (CTNH), dự thảo Luật BVMT sửa đổi cũng đã đưa ra các quy định mới. Cụ thể, giao Bộ TN&MT ban hành danh mục CTNH, chất thải công nghiệp phải kiểm soát và chất thải rắn công nghiệp thông thường để giải quyết bất cập trong việc phân định CTNH (theo quy định hiện nay chủ nguồn thải phát sinh chất thải phải lấy mẫu để phân định dẫn đến tốn kém không cần thiết).
Dự thảo quy định không khuyến khích đầu tư cơ sở xử lý CTNH có phạm vi phục vụ trên địa bàn một tỉnh (khoản 3 điều 87); UBND cấp tỉnh không hạn chế việc thu gom CTNH phát sinh trên địa bàn các tỉnh khác về xử lý tại cơ sở xử lý CTNH thuộc địa bàn quản lý của tỉnh (khoản 6 Điều 87).
Đây là điều rất cần thiết để thúc đẩy xây dựng các cơ sở xử lý CTNH tập trung, quy mô lớn. Ngoài ra, quy định tại khoản 2 Điều 87 về việc Nhà nước khuyến khích và có chính sách ưu đãi cho tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư và cung cấp dịch vụ xử lý CTNH; Khuyến khích việc đầu tư các cơ sở xử lý CTNH quy mô cấp vùng.
Mặt khác, dự thảo quy định yêu cầu CTNH phát sinh trong sinh hoạt phải được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân thực hiện thu hồi, xử lý theo quy định về trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu hoặc đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển CTRSH hoặc CTNH, sẽ góp phần giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường gây ra do CTNH trong sinh hoạt gây ra, tuy nhiên cần phải có chính sách giám sát khả thi và phù hợp.
Dự thảo cũng bỏ quy định cấp sổ đăng ký chủ nguồn thải CTNH mà thay bằng hình thức khai báo trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường qua đó giúp cải cách thủ tục hành chính mà vẫn đảm bảo yêu cầu về quản lý. Đồng thời cũng đưa ra quy định mới về các đơn vị được phép vận chuyển CTNH đến cơ sở xử lý: Ngoài tổ chức có giấy phép môi trường phù hợp với loại chất thải cần xử lý thì chủ nguồn thải CTNH có phương tiện, thiết bị phù hợp bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường cũng được phép vận chuyển CTNH…
Minh Anh