Hà Nội: Giám đốc Sở TT&TT mong muốn xử lý triệt để tin nhắn, cuộc gọi “rác”

Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 15:05, 06/10/2020

Moitruong.net.vn – Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội Nguyễn Thanh Liêm rất mong muốn người dân trên địa bàn  thành phố khi phát hiện tin nhắn, cuộc gọi rác cần báo ngay cho sở để xử lý triệt để tình trạng này.

Chiều 6/10, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, Cục Viễn thông và Cục Bưu điện Trung ương (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã tổ chức Lễ ký kết “Chương trình phối hợp trong việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về Bưu chính, Viễn thông và hạ tầng số giai đoạn 2020 – 2025”.

Tham dự buổi lễ có Cục trưởng Cục Viễn thông Hoàng Minh Cường; Cục trưởng Cục Bưu điện Trung ương Trần Duy Ninh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Hà Nội Nguyễn Thanh Liêm. Đây là hoạt động nhằm cụ thể hóa Biên bản ghi nhớ giữa Bộ TT&TT và UBND TP Hà Nội về hợp tác phát triển thông tin và truyền thông, ký ngày 10/01/2020.

Toàn cảnh lễ kí kết

Về kết quả triển khai Nghị định số 91/2020/NĐ-CP ngày 14/8/2020 của Chính phủ về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác, từ năm 2010 đến nay, Sở TT&TT đã đề nghị các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông tạm ngừng cung cấp dịch vụ đối với 17.580 số điện thoại quảng cáo rao vặt sai quy định, 973 số điện thoại phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo.

Được biết, tin nhắn rác trước đây được định nghĩa là tin nhắn được gửi đến người nhận mà người đó không mong muốn. Định nghĩa này gây ra sự hiểu lầm và chưa rõ ràng, chặt chẽ. Có thể có những người không thích và không mong muốn nhận được tin nhắn này, như vậy theo định nghĩa đây là tin nhắn rác. Thậm chí, tin nhắn thông báo lũ lụt hay kêu gọi ủng hộ từ thiện cũng bị xếp vào là tin nhắn rác nên có thể bị chặn để tránh làm phiền khách hàng.

Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội Nguyễn Thanh Liêm phát biểu tại lễ ký kết.

Đồng thời, tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông di động, các đại lý, điểm bán SIM thuê bao di động trả trước, tịch thu 9.247 SIM đã kích hoạt và đăng ký thông tin không chính xác.

Theo số liệu của Cục Viễn thông, trong tháng 7 – 8/2020, đã ngăn chặn được 18.329 số thuê bao phát tán cuộc gọi rác, quấy rối người tiêu dùng. Tuy nhiên, công tác quản lý thông tin thuê bao, tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác vẫn chưa đáp ứng yêu cầu theo chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông gây bức xúc cho người sử dụng dịch vụ.

“Sở TT&TT Hà Nội rất mong muốn người dân trên địa bàn khi phát hiện tin nhắn, cuộc gọi rác cần báo ngay cho sở để xử lý triệt để tình trạng này” – Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội Nguyễn Thanh Liêm nhấn mạnh.

Tại buổi lễ này, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận và thống nhất nội dung Chương trình phối hợp giữa Cục Viễn thông, Cục Bưu điện Trung ương với Sở TT&TT Hà Nội về nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về Bưu chính, Viễn thông và hạ tầng số giai đoạn 2020-2025.

Lãnh đạo Cục Viễn thông, Cục Bưu điện Trung ương (Bộ TT&TT) và Sở TT&TT Hà Nội thực hiện lễ ký kết.

Cụ thể, Cục Viễn thông và Sở TT&TT Hà Nội ký kết chương trình phối hợp về việc nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước và phát triển hạ tầng số giai đoạn 2020-2025, với những nội dung trọng tâm như: xây dựng chính sách phát triển lĩnh vực cho thành phố Hà Nội; chủ động, tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực quản lý trên địa bàn Thành phố.

Cục Bưu điện Trung ương và Sở TT&TT Hà Nội cũng ký kết chương trình phối hợp về thúc đẩy phát triển lĩnh vực bưu chính và viễn thông phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2020 – 2025, với các nội dung trọng tâm như: Phối hợp trong công tác tham mưu, thúc đẩy dịch vụ bưu chính phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước trên địa bàn thành phố Hà Nội; Phối hợp trong công tác tham mưu xây dựng, quản lý mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước.

Tại lễ ký kết, Sở TT&TT Hà Nội đã kiến nghị Cục Viễn thông sớm tham mưu Lãnh đạo Bộ TT&TT báo cáo Chính phủ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về việc xây dựng, lắp đặt các trạm viễn thông và cột ăng ten của các doanh nghiệp xây dựng, lắp đặt trên đất công, trụ sở công, công trình công, địa điểm công trên địa bàn Thành phố.

Việc phối hợp giữa 3 cơ quan nhằm cụ thể hóa Biên bản ghi nhớ giữa Bộ TT&TT và UBND TP Hà Nội về hợp tác phát triển thông tin và truyền thông.

Liên quan đến lĩnh vực của Cục Bưu điện Trung ương, Sở TT&TT cũng kiến nghị Cục phối hợp để đánh giá hiện trạng mạng WAN của Thành phố và xây dựng mô hình mạng tổng thể phương án kết nối nhằm đảm bảo công tác giám sát an toàn, an ninh thông tin cũng như hiệu quả đầu tư.

Trước đó, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cũng đề nghị Công an thành phố Hà Nội chỉ đạo các quận, huyện, thị xã phối hợp với các cơ quan liên quan tuyên truyền, khuyến cáo người dân nêu cao cảnh giác, khi phát hiện thủ đoạn lừa đảo qua điện thoại, nhanh chóng báo Công an nơi gần nhất để kịp thời xử lý và tổ chức tiếp nhận thông tin tố giác lừa đảo của người dân để điều tra, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, dịch vụ Internet cần thông tin, hướng dẫn người sử dụng dịch vụ về cách thức chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác; các công cụ, ứng dụng để phản ánh tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác bằng các hình thức sau: Cung cấp thông tin tại các điểm cung cấp dịch vụ, nhắn tin thông báo đến người sử dụng dịch vụ, thông tin trên trang thông tin điện tử của đơn vị, trên tờ rơi quảng cáo, trên hóa đơn thông báo cước,…

Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cũng đề nghị các cơ quan báo chí Hà Nội; các báo, đài Trung ương ký Chương trình phối hợp công tác với thành phố Hà Nội đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về các nội dung cơ bản của Nghị định số 91/2020/NĐ-CP nhằm ngăn chặn hành vi phát tán cuộc gọi rác, tin nhắn rác với mục đích lừa đảo, quấy rối người tiêu dùng và bảo vệ quyền lợi của người sử dụng dịch vụ viễn thông trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Minh Châu

   

Minh Châu