Người dân Đà Nẵng hối hả chằng chống nhà cửa “đón” bão số 9

Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 11:00, 27/10/2020

Moitruong.net.vn – Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 9, người dân TP Đà Nẵng hối hả chằng chống nhà cửa, khách sạn, ra biển chở cát về gia cố đường ngõ, đưa tàu thuyền lên bờ, tránh trú nơi an toàn…

Cơn bão số 9 (Molave) được dự báo mạnh cấp 12-13, giật cấp 15, gây mưa lớn nên người dân Đà Nẵng đã khẩn trương chở cát, chằng chồng nhà cửa trước khi bão đổ bộ.

Nhiều người dân hỗ trợ nhau chằng chống nhà cửa, sử dụng dây níu mái nhà. Những ngày qua, khi nước lũ rút cũng là lúc người dân bận rộn với công việc dọn dẹp lại nhà cửa, sửa chữa các vật dụng trong nhà. Còn chưa đâu vào đâu, người dân nơi đây lại phải tiếp tục hứng chịu thiên tai khi cơn bão được dự đoán là “siêu bão” đang hình thành trên biển sẽ hướng về miền Trung những ngày sắp tới.

Người dân hối hả chằng chống nhà “đón” bão

Anh Nguyễn Văn Thuận (32 tuổi, trú xã Hòa Tiến, H.Hòa Vang) cho biết, trước những thiệt hại nặng nề của thiên tai gây ra ở các tỉnh Thừa Thiên – Huế, Quảng Bình, Quảng Tri… , anh Thuận cùng hàng xóm hỗ trợ lẫn nhau .

“Nhận được thông tin liên quan đến bão số 9, hôm nay (26.10) chúng tôi vẫn đi làm bình thường nên chỉ tranh thủ chống bão sau giờ đi làm về. Tôi cùng hàng xóm đã thuê xe đi mua cát và xúc cát vào bao tại bãi để tiết kiệm thời gian. Rất may trời không mưa nên làm nhanh chóng”, anh Thuận nói.

Theo anh Thuận cho biết, vào giữa tháng 10 vừa qua, thời tiết Đà Nẵng có mưa lớn kéo dài khiến khu vực H.Hòa Vang, TP.Đà Nẵng bị ngập lụt, nhiều nhà dân bị ngập từ 1-2m. Sau khi nước rút, người dân vừa ổn định lại cuộc sống không lâu, ghe thuyền còn để trước trước hiên nhà thì phải khẩn trương chống bão số 9.

Ông Nguyễn Hà Nam – Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho biết, hiện tại trên toàn địa bàn các xã đang lập danh sách hộ dân phải sơ tán. Trong chiều nay việc sơn tán người dân sẽ hoàn thành.

Cùng ngày, ông Huỳnh Đức Thơ – Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã ký công văn triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 9.

Theo đó, Chủ tịch Đà Nẵng yêu cầu các lực lượng chức năng tuyệt đối không để người ở lại trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản, trên tàu, thuyền neo đậu, trong các lán trại công trình đang xây dựng bắt đầu từ 18 giờ ngày 27/10.

Yêu cầu người dân rời khỏi các khu vực có nguy cơ cao về sạt lở đất, đá. Ai không chấp hành thì tiến hành cưỡng chế và xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.

Chủ tịch UBND các quận, huyện thành lập các đoàn kiểm tra công tác ứng phó với bão số 9 ở từng phường, xã. Yêu cầu người dân không ra khỏi nhà bắt đầu từ 20 giờ ngày 27/10 cho đến khi có thông báo mới.

Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (kể cả trong khu công nghiệp, công nghệ cao) nghỉ làm việc trong ngày 28/10, trừ các lực lượng làm nhiệm vụ và các trường hợp đặc biệt.

Phương án sơ tán hộ dân, sinh viên, công nhân sống trong nhà trọ, nhà tạm, nhà không kiên cố, khu vực ven biển, nguy cơ sạt lở phải hoàn thành trước 15h ngày 27/10. Hiện Đà Nẵng đã sơ tán hơn 35.000/140.868 người dân.

Theo Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, dự báo từ trưa ngày 27/10, vùng biển từ Đà Nẵng đến Phú Yên có gió cấp 9-11, sau tăng lên cấp 12-13, giật cấp 15; biển động dữ hội; sóng biển cao từ 6-8m.

Sáng sớm ngày 28/10, đất liền ven biển từ Đà Nẵng đến Bình Định có gió cấp 11-12, giật cấp 15; các tỉnh Thừa Thiên Thuế, Phú Yên gió cấp 8-9, giật cấp 11; KonTum, Gia Lai gió cấp 7-8, giật cấp 10; các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Bắc Khánh Hoà gió cấp 6-7, giật cấp 10.

Ngọc Mai

   

Ngọc Mai