Seoul công bố mục tiêu đưa phát thải khí nhà kính về 0 vào năm 2050
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 06:25, 09/07/2020
Thị trưởng thành phố Seoul Park Won-soon ngày 8/7 công bố kế hoạch nhằm đưa mức khí thải carbon tại thủ đô của Hàn Quốc về 0 vào năm 2050, với các biện pháp như cấm xe chạy bằng động cơ đốt trong và giới hạn khí thải tại các tòa nhà lớn.
Kế hoạch này là một phần trong các nỗ lực của thủ đô Seoul để thành phố trở nên xanh hơn.
Seoul đặt mục tiêu cắt giảm khí nhà kính 40% vào năm 2030, giảm 70% vào năm 2040 và đến năm 2050 khí phát thải bằng 0 và các biện pháp nhằm thực hiện mục tiêu này, như đưa ra giá carbon cho giao thông và các tòa nhà vào năm tới.
Phát biểu với báo giới, Thị trưởng Park cho biết: “Chúng ta sẽ cùng lúc thúc đẩy 5 chương trình tại các khu vực các tòa nhà, giao thông vận tải, rừng, sử dụng tài nguyên và năng lượng, với khoản đầu tư 2.600 tỷ won (2,2 tỷ USD) từ nay đến năm 2022.”
Kế hoạch này tập trung vào việc cắt giảm khí thải nhà kính từ các tòa nhà, giao thông vận tải và rác thải, tổng cộng chiếm khoảng 94% tổng khí thải của thủ đô Seoul.
Tuyến đường ở thành phố Seoul
Theo kế hoạch này, thành phố Seoul đề xuất Chính phủ chỉ cho phép đăng ký các xe ôtô chạy bằng điện và hydro và bắt đầu cấm các loại xe khác chạy trong “các vùng giao thông xanh” của thành phố vào năm 2035.
Bắt đầu từ năm 2021, Seoul cũng có kế hoạch thực hiện một chương trình thí điểm giới hạn khí thải tại các tòa nhà công với diện tích sàn 1.000m2 trở lên và mở rộng áp dụng với các tòa nhà tư nhân vào năm 2022.
Chính quyền thủ đô cho biết sẽ tham vấn Bộ Môi trường và các cơ quan khác để thúc đẩy những thay đổi về luật để những ý tưởng đề xuất có thể thực hiện được.
Trước đó, trong báo cáo Khoảng cách phát thải 2019 của Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) cảnh báo rằng mức mà các quốc gia cam kết hạn chế khủng hoảng khí hậu chưa đủ sức ngăn chặn nhiệt độ tiếp tục tăng kỷ lục.
Ở tốc độ hiện tại, nhiệt độ dự kiến sẽ tăng 3,2 độ C vào năm 2100. Để đưa Trái đất trở lại đúng mục tiêu 1,5 độ, lượng khí thải nhà kính toàn cầu phải giảm ít nhất 7,6% mỗi năm. Báo cáo kết luận: “Giảm khí thải, đặc biệt là từ giao thông vận tải và chuyển đổi nhanh hơn sang năng lượng xanh là rất quan trọng để kiểm soát khí thải và cứu hàng ngàn mạng sống khỏi ô nhiễm”.
Ngọc Ánh (t/h)