Quốc hội Đức thông qua quyết định loại bỏ nhiệt điện than vào năm 2038
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 00:30, 08/07/2020
Lưỡng viện quốc hội Đức ngày 3/7 đã thông qua dự luật đến năm 2038 đóng cửa nhà máy năng lượng than đá cuối cùng và chi 40 tỉ euro (45 tỉ USD) để hỗ trợ những khu vực bị ảnh hưởng về chuyển đổi này.
Đức đã đóng cửa mỏ than đá cuối cùng của nước này trong năm 2018 nhưng vẫn nhập khẩu hoặc khai thác từ nguồn dự trữ than nâu có rất nhiều ở khu vực phía Đông và Tây nước này. Đức đã lên kế hoạch để biến những mỏ than nâu rộng lớn thành khu bảo tồn thiên nhiên hoặc khu nghỉ dưỡng ven hồ.
Theo Viện Fraunhofer, 55,7% điện sản xuất từ đầu năm đến nay tại Đức cho mục đích sử dụng công cộng bắt nguồn từ năng lượng tái tạo. Năng lượng than đá chiếm khoảng 20%, sau đó là năng lượng hạt nhân và năng lượng khí gas đều ở mức 12%.
Theo truyền thông Đức, quyết định loại bỏ than nhằm hướng tới mục tiêu chống biến đổi khí hậu.
Nhà máy nhiệt điện than tại Đức
Việc chấm dứt sản xuất điện than được kỳ vọng giúp Đức đạt được mục tiêu khí hậu vào năm 2030. Theo đó, ngành năng lượng phải giảm phát khí thải nhà kính khoảng 62% so với năm 1990.
Ngoài ra, Quốc hội Đức cũng phê duyệt đạo luật tăng cường tái cấu trúc các vùng than với khoản đầu tư lên tới 40 tỷ Euro.
Các nhà máy điện than sẽ nhận được hàng tỷ Euro tiền bồi thường cho việc đóng cửa sớm nhà máy của họ ở những vùng khai thác than như Nordrhein – Westfalen, Sachsen – Anhalt, Sachsen và Brandenburg.
Đầu năm 2019, một ủy ban do Chính phủ liên bang Đức thành lập đã đề xuất loại bỏ than muộn nhất vào năm 2038.
Các nhà máy nhiệt điện than đang dần dần được đưa ra khỏi lưới điện nhưng các mục tiêu khí hậu đòi hỏi việc này phải được đẩy nhanh hơn.
Và trên thực tế, việc kết thúc sản xuất điện than sẽ chỉ kết thúc vào cuối những năm 40.
Bộ trưởng Kinh tế Peter Altmaier đánh giá rằng, việc loại bỏ than là một “Dự án Thế hệ” lịch sử.
Phát biểu tại Quốc hội liên bang, Bộ trưởng Altmaier cho biết, sản xuất điện từ than sẽ được đảm bảo về mặt pháp lý, hợp lý về mặt kinh tế và sẽ được kết thúc vào năm 2038.
Ông nhấn mạnh “Với quyết định này, thời đại hóa thạch ở Đức đi đến hồi kết là không thể chối bỏ”.
Ngọc Linh (t/h)