Hà Tĩnh: Nông dân chủ động chống rét cho mạ và lúa xuân
Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 09:30, 10/01/2021
Theo số liệu tổng hợp của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh, đến chiều ngày 8/1, toàn tỉnh đã bắc mạ được 258,5 ha, tương ứng diện tích cấy 3.790 ha. Các địa phương có diện tích bắc mạ lớn là: Đức Thọ (120 ha), Lộc Hà (65 ha), Nghi Xuân (61 ha)…. tập trung chủ yếu ở các giống IR1820, chiêm nếp, NX30, Xi23, XT 28.
Ảnh minh họa
Tuy nhiên, những ngày này, thời tiết chuyển rét đậm rét hại, ảnh hưởng tới sự sinh trưởng, phát triển của cây trồng nói chung và mạ xuân nói riêng. Thực hiện khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, nông dân các địa phương đã chủ động nhiều biện pháp nhằm chống rét cho cây mạ như che phủ nilon, duy trì độ ẩm, bổ sung tro bếp…
Ông Nguyễn Trí Hà – Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh cho biết, vụ xuân 2021, các địa phương đã xuống giống cơ bản đúng lịch thời vụ. Về diễn biến thời tiết cũng đã sát với kịch bản dự báo từ đầu vụ. Đợt không khí lạnh mạnh này sẽ gây ra một đợt rét đậm, có ngày rét hại kéo dài đến hết ngày 12/1 với nhiệt độ thấp nhất khả năng xuống mức 7-10C. Vì vậy, bà con phải tuyệt đối tuân thủ đúng kỹ thuật ngâm ủ giống cũng như phóng chống rét cho diện tích mạ đã bắc.
Theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, trong thời gian che nilon cho mạ, nếu nhiệt độ ngoài trời tăng dần > 15 độ C và có nắng vào buổi trưa, cần phải mở hai đầu ni lông vào ban ngày để thoát hơi nước, giúp cây quang hợp tốt hơn. Nếu đêm giá lạnh lại tiếp tục đậy nilon.
Ngoài ra, cần bổ sung cho mạ một lượng phân chuồng mục, tro bếp hoặc lượng nhỏ kali, lân để giúp cây ấm chân và cứng cáp, chống rét tốt hơn. Đồng thời, ruộng mạ cũng cần cho nước ở mức 2 cm để giữ ấm. Tuyệt đối không được bón đạm urê hoặc phân bón lá giàu đạm cho mạ trong những ngày này.
Minh Châu