Chia sẻ kinh nghiệm của Hoa Kỳ về kiểm soát chất lượng không khí

Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 10:02, 26/01/2021

Moitruong.net.vn – Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Kritenbrink cho biết tình trạng ô nhiễm không khí của Việt Nam rất nghiêm trọng và cam kết hỗ trợ Việt Nam giải quyết.

Những ngày gần đây, chất lượng không khí ở Hà Nội ở mức “rất xấu”. Trong ngày 25/1, 5 điểm quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội ở Hoàn Kiếm, Bắc Từ Liêm, Sóc Sơn ghi nhận chỉ số chất lượng không khí AQI trên 200. Hơn 30 điểm quan trắc của Hà Nội không có điểm nào AQI trung bình, đa phần là xấu ( tập trung ở nội thành) và kém (ở ngoại thành).

“Chỉ số chất lượng không khí của Việt Nam thường ở mức không tốt cho sức khỏe và đây là vấn đề đáng lo ngại”. Đây là khẳng định của Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Kritenbrink trong buổi tọa đàm Giải quyết vấn đề Khủng hoảng Chất lượng Không khí: Từ Hoa Kỳ đến Việt Nam” tại Hà Nội chiều 25/1.

Chất lượng không khí Hà Nội những ngày này thường xuyên ở mức đáng báo động

Theo đó, ông Kritenbrink cho rằng tình trạng ô nhiễm ở Hà Nội đặc biệt nghiêm trọng vào mùa đông, mà một trong những nguyên nhân là do gió, thời tiết, đốt chất thải hoặc rơm rạ, khí thải từ phương tiện giao thông và sản xuất điện.

Đại sứ cũng cho biết phái đoàn Mỹ đã thiết lập những hệ thống giám sát chất lượng không khí ở hai thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh, nhằm cung cấp các chỉ số chất lượng không khí cho nhân viên, công dân Mỹ ở Việt Nam cũng như tất cả ai quan tâm.

“Chúng tôi là một trong những cơ quan đầu tiên công bố dữ liệu về chất lượng không khí trực tuyến cho Việt Nam và hy vọng nỗ lực này sẽ cổ vũ các cơ quan khác làm điều tương tự”, ông Kritenbrink nói.

Đại sứ Daniel Kritenbrink phát biểu tại tọa đàm về chất lượng không khí tại trụ sở Trung tâm Mỹ ở Hà Nội chiều 25/1. Ảnh: Đại sứ quán Mỹ

Mỹ được biết đến là quốc gia đã có nhiều kinh nghiệm trong việc giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí hàng chục năm qua và mong muốn được chia sẻ điều đó với Việt Nam.

Tiến sỹ Lý Bích Thủy, giảng viên Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội nhấn mạnh hoạt động con người và các quá trình tự nhiên có thể dẫn đến ô nhiễm không khí trong nhà, giảm chất lượng không khí đô thị, được coi là 2 nhân tố quan trọng trong số những ô nhiễm độc hại.

Tác động bất lợi của ô nhiễm không khí đến sức khỏe và cuộc sống nhân loại đã trở thành vấn đề “nóng” luôn nhận được sự quan tâm rộng lớn của cộng đồng xã hội, cần chung tay tìm ra những biện pháp thích hợp nhất để cải thiện tình trạng này.

Theo bà Lê Thanh Thủy, Trưởng phòng Quản lý dự án và truyền thông, Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội), thời gian qua, trước những thách thức về môi trường, thành phố Hà Nội đã tăng cường đầu tư cho công tác kiểm soát, kiểm kê các nguồn thải và xử lý ô nhiễm.

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Chỉ thị 15/CT-UBND về việc tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động gây ô nhiễm môi trường…

Chia sẻ kinh nghiệm kiểm soát ô nhiễm, ông Eric Wolvovsky, chuyên gia tại Cục Quản lý năng lượng Đại dương (Hoa Kỳ) cho biết Hoa Kỳ là một trong những quốc gia ý thức vấn đề kiểm soát ô nhiễm từ rất sớm nên hệ thống chính sách pháp luật tương đối đầy đủ và chặt chẽ. Trong số đó, có thể kể đến Luật về ô nhiễm không khí của bang California vào năm 1947, việc thành lập Cơ quan Bảo vệ môi trường Hoa Kỳ, Luật Không khí sạch năm 1970…

Luật Không khí sạch là luật liên bang toàn diện quy định lượng khí thải từ các nguồn cố định và di động.

Luật này cho phép Cục Bảo vệ môi trường Hoa Kỳ (EPA) thiết lập Tiêu chuẩn chất lượng không khí xung quanh quốc gia (NAAQS) để bảo vệ sức khỏe, phúc lợi công cộng và điều chỉnh lượng khí thải gây ô nhiễm không khí nguy hiểm.

Nguyên tắc cơ bản của hoạt động quản lý môi trường, kiểm soát ô nhiễm của Hoa Kỳ nói chung và các bang nói riêng là ai gây ô nhiễm, người đó phải trả tiền, phải khắc phục ô nhiễm.

Tuy nhiên, trong những trường hợp cụ thể vì lý do khách quan hoặc bất khả kháng (ví dụ: đất bị ô nhiễm tồn lưu, môi trường ô nhiễm do thiên tai…), chính quyền sẽ có các chính sách cụ thể để hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trực tiếp cải tạo tình trạng ô nhiễm như miễn, giảm thuế; hỗ trợ công nghệ xử lý…

Tại tọa đàm, các chuyên gia đã thảo luận và chia sẻ những kinh nghiệm, giải pháp kiểm soát ô nhiễm không khí và giới thiệu các chương trình quản lý chất lượng không khí mới nhất của USAID.

Ngọc Mai

   

Ngọc Mai