Nâng cao hiệu quả quản lý đê điều tại Hà Nội
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 08:30, 07/09/2020
Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, 13 quận, huyện của thành phố để xảy ra 39 vụ vi phạm pháp luật đê điều. Trong đó, Ứng Hòa 17 vụ; Ba Vì, Phúc Thọ, Thường Tín, mỗi huyện để xảy ra 3 vụ; Gia Lâm, Mê Linh, Thanh Oai, Hoài Đức, mỗi huyện để xảy ra 2 vụ… Để bảo đảm an toàn công trình phòng, chống thiên tai, thực hiện nghiêm quy định của pháp luật, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành 8 văn bản; Sở NN& PTNT Hà Nội ban hành 45 văn bản; Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão Hà Nội đã ban hành 60 văn bản đôn đốc, chỉ đạo các cấp chính quyền xử lý vi phạm. Song, từ đầu năm đến nay, các địa phương mới xử lý triệt để 4 vụ, tồn đọng 35 vụ…
Ảnh minh họa
Hiện nay, điểm nổi bật trong công tác củng cố đê điều trên địa bàn TP thời gian qua đó là việc thể chế hóa các văn bản chỉ đạo của TP đi vào cuộc sống. Cùng với đó, cơ quan chuyên quản về lĩnh vực này đã xây dựng các chương trình công tác, phối hợp với cơ quan liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã tập huấn, tuyên truyền rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng; đôn đốc các địa phương xây dựng kế hoạch thu, nộp Quỹ phòng, chống thiên tai; theo dõi, cập nhật, tổng hợp đầy đủ số liệu và tham mưu kịp thời các biện pháp phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác xử lý vi phạm pháp luật đê điều, ngày 13-8 vừa qua, UBND thành phố Hà Nội đã có Quyết định số 15/2020/QĐ-UBND ban hành Quy chế phối hợp trong công tác phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật đê điều trên địa bàn thành phố. Quyết định có hiệu lực từ ngày 1-9-2020, trong đó quy định rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan đến công tác phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật đê điều.
TP cũng chỉ đạo các cấp, các ngành đánh giá, cập nhật đầy đủ các rủi ro thiên tai tại địa phương, khu dân cư; nâng cao hiệu quả phòng, chống thiên tai, áp dụng công nghệ tiên tiến kết hợp với nâng cao năng lực phòng chống của cộng đồng, đẩy mạnh biện pháp phi công trình. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Cùng với đó, phát huy nội lực và nâng cao vai trò chủ thể của người dân trên cơ sở đẩy mạnh xã hội hóa, huy động sự tham gia của các thành phần kinh tế trong đầu tư, xây dựng và quản lý khai thác hiệu quả các công trình phòng chống thiên tai.
Mục tiêu trong công tác quản lý đê điều cũng được xác định rõ là nâng cao năng lực, chủ động phòng chống thiên tai thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu tổn thất về người và tài sản của nhân dân và Nhà nước. Công trình phòng, chống thiên tai được quy hoạch, đầu tư nâng cấp đồng bộ, đa mục tiêu nhằm đáp ứng công tác phòng, chống thiên tai, tạo điều kiện cho phát triển bền vững, góp phần bảo đảm quốc phòng – an ninh và từng bước xây dựng cộng đồng, xã hội an toàn trước thiên tai trên địa bàn Thủ đô.
Minh Anh