Nghệ An: Triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiểm soát phòng chống bệnh Cúm gia cầm và các chủng vi rút cúm lây sang người
Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 12:33, 28/02/2021
Nhận định thời gian tới, nguy cơ dịch CGC tiếp tục lây lan xảy ra trên phạm vi rộng là rất cao, do trên địa bàn tỉnh Nghệ An có tổng đàn gia cầm lớn, hầu hết gia cầm chăn nuôi nông hộ chưa tiêm phòng vắc xin CGC; sau Tết Nguyên đán nhiều trang trại, nông hộ tái đàn, việc giao thương buôn bán, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm lớn, thời tiết thay đổi bất lợi, sức đề kháng của vật nuôi giảm, tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh tồn tại, phát tán và dịch bệnh.
Để khẩn trương kiểm soát dịch bệnh CGC, kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại cho ngành chăn nuôi và đảm bảo sức khỏe cho người dân. Ngày 25 tháng 02, năm 2021, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã có công điện khẩn yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện thành phố, thị xã; Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ngành cấp tỉnh có liên quan tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Công điện số 09/CĐ-UBND tỉnh Nghệ An về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiểm soát phòng, chống bệnh Cúm gia cầm và các chủng vi rút cúm gia cầm lây sang người
Đặc biệt là UBND các huyện, thành phố thị xã, cần khẩn trương bố trí kinh phí, nguồn lực tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp kiểm soát, phòng chống bệnh cúm gia cầm lây lan diện rông.
Cụ thể là xây dựng kế hoạch tiêm phòng gia súc, gia cầm năm 2021 (vụ Xuân và vụ Thu) theo chỉ đạo của UBND tỉnh về việc tập trung chỉ đạo thực hiện công tác tiêm phòng triệt để Cúm gia cầm đạt 100% diện phải tiêm.
Chỉ đạo Phòng Nông nghiệp, Phòng Kinh tế, Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp cấp huyện, UBND cấp xã cử cán bộ tăng cường xuống cơ sở để nắm bắt tình hình dịch bệnh. Khi nhận được thông tin có gia cầm mắc bệnh, nghi mắc bệnh cần tiến hành ngay điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm, ký cam kết với các chủ hộ không vứt xác động vật chết ra môi trường. Không vận chuyển, bán chạy, giêt mổ gia cầm ốm, chết, triển khai các biện pháp phòng chống, khống chế ổ dịch trong diện hẹp, sử dụng vắc xin CGC phù hợp với chủng vi rút hiện đang lưu hành trên địa bàn để tiêm phòng theo hướng dẫn của Chi cục Chăn nuôi và Thú y.
Tích cực thông tin , tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức về nguy cơ, tác hại và các biện pháp phòng chống dịch bệnh CGC; thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, con giống đảm bảo nguồn gốc, rõ ràng, được kiểm soát của cơ quan thú y. Thường xuyên vệ sinh tiêu độc môi trường chăn nuôi, không sử dụng sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch, không ăn tiết canh gia cầm.
Tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát chặt chẽ và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm trong vận chuyển buôn bán gia cầm trên địa bàn, hướng dẫn, chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh và tiêm phòng gia súc gia cầm vụ Xuân năm 2021.
Đối với UBND cấp xã cần rà soát, thống kê các hộ chăn nuôi, tổng đàn chăn nuôi trên địa bàn. Tăng cường công tác giám sát dịch bệnh để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi có dịch bệnh mới được phát hiện. Xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, không báo cáo, tự ý giết mổ tiêu thụ gia cầm bệnh, vứt xác gia cầm ra môi trường dẫn đến dịch lây lan rộng.
Xây dựng kế hoạch và tổ chức tiêm phòng đầy đủ các loại văc xin cho gia súc, gia cầm theo quy định tại Thông tư số 07/2016/TT – BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quy định về phòng chống dịch bệnh động vật trên cạn đảm bảo đạt 100% trong diện phải tiêm phòng.
Tổ chức phát động nhân dân vệ sinh tiêu độc môi trường, phát quang bụi rậm, quét dọn chuồng trại, thu gom chất thải , rải vôi bột, phun hóa chất để diệt mầm bệnh.
Tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi chủ động thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng dịch, chăn nuôi an toán sinh học, báo cáo ngay các trường hợp gia cầm có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh CGC cho chính quyền địa phương.
Đối với UBND huyện Diễn Châu (địa phương đang có dịch CGC); Ngoài các nhiệm vụ trên cần tập trung mọi nguồn lực và áp dụng đồng bộ các giải pháp để kiểm soát, xử lý dứt điểm ổ dịch CGC trong diện hẹp, không để lây lan và phát sinh ổ dịch mới, tổ chức vệ sinh sát trùng tiêu độc chuồng trại, hàng ngày báo cáo nhanh diễn biến tình hình bệnh và công tác phòng chống dịch cho Sở Nông nghiệp và PTNT (qua Chi Cục Chăn nuôi và Thú y).
Kế Hùng