Bà Rịa – Vũng Tàu: Hiệu quả từ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng
Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 08:30, 15/03/2021
Được biết, hiện nay nông dân tại các địa phương như: Tân Hải (Tân Thành), Long Hương (thị xã Bà Rịa), Phước Thuận (Xuyên Mộc), Đá Bạc (Châu Đức) đã có một cuộc sống khá hơn đó là nhờ chuyển đổi đất trồng kém hiệu quả sang chuyên canh rau màu, cây ăn trái có giá trị kinh tế cao.
Cây nha đam lần đầu tiên được đưa về trồng tại huyện Châu Đức. Đây là cây trồng có vốn đầu tư ít nhưng cho hiệu quả kinh tế cao. Nha Đam là loại cây trồng được người dân chọn để chuyển đổi từ các loại cây kém hiệu quả sang trồng. Sau gần 3 năm bén rễ trên vùng đất Châu Đức, cây nha đam đã đem lại hiệu quả kinh tế khá ổn định cho bà con nông dân.
Nông dân huyện Châu Đức mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng tiêu kém hiệu quả sang trồng cây nha đam.
Nhận thấy hiệu quả kinh tế của cây nha đam, thời gian qua, Hội Nông dân huyện Châu Đức đã khuyến khích hội viên mở rộng thêm diện tích trồng. Từ 6.000m2 ban đầu, hiện diện tích trồng nha đam toàn huyện là trên 10ha, chủ yếu ở địa bàn xã Bình Ba, Suối Nghệ, Kim Long, Sơn Bình, Suối Rao…
Những năm gần đây, giá trái cây ở mức cao và có xu hướng ổn định. Trước đây giá hồ tiêu giảm sâu, giá cà phê, cao su ở mức thấp, nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện đã mạnh dạn chuyển đổi một phần diện tích những loại cây này sang trồng cây ăn quả. Cụ thể, huyện đã chuyển đổi 1.515 ha hồ tiêu sang trồng cây ăn quả và hoa màu khác.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cũng lưu ý bà con nông dân, khi chuyển đổi từ cây trồng kém hiệu quả do năng suất thấp sang các cây trồng khác, cần tìm hiểu thị trường, không nên ồ ạt chuyển đổi sang một loại cây trồng.
Bên cạnh đó, các hộ dân cần cố gắng tìm các doanh nghiệp để ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Cùng với đó, cần hướng tới sản xuất nông sản theo chứng nhận, an toàn bền vững để ổn định đầu ra và không có rào cản khi xuất khẩu theo đường chính ngạch.
Theo lãnh đạo Sở nông nghiệp & Phát triển nông thôn về lâu dài cần xây dựng thương hiệu hàng hóa gắn với chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn GAP. Hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp kỹ thuật canh tác tiết kiệm, hiệu quả, giảm chi phí nhằm hạ giá thành sản phẩm đến mức thấp nhất để nâng cao sức cạnh tranh. Tăng cường hơn nữa công tác thông tin dự báo thị trường và hoạt động xúc tiến thương mại để giúp nông dân định hướng sản xuất, tránh rủi ro.
Châu Anh