Bỏ sổ hộ khẩu, người dân đăng ký cư trú như thế nào?
Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 08:30, 15/04/2021
Bộ Công an cho biết Luật Cư trú 2020 (có hiệu lực từ 1/7) sẽ thay phương pháp quản lý cư trú từ sổ hộ khẩu giấy sang số định danh cá nhân được ghi trên căn cước công dân gắn chip. Khi luật này có hiệu lực, cơ quan chức năng sẽ không cấp mới, cấp lại sổ hộ khẩu và sổ tạm trú.
Theo đại diện Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội của Bộ Công an, sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú đã được cấp vẫn còn giá trị sử dụng đến hết ngày 31/12/2022. Từ ngày 1/7, mọi thông tin về cư trú sẽ được cập nhật, thay đổi trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Ảnh minh họa
Cục Pháp chế và cải cách hành chính tư pháp Bộ Công an (gọi tắt là Cục Pháp chế) cho rằng cùng với việc quản lý cư trú theo phương thức mới “số hóa dữ liệu” sẽ bỏ hoàn toàn 7 thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký cư trú gồm: cấp đổi sổ hộ khẩu, cấp lại sổ hộ khẩu, cấp giấy chuyển hộ khẩu, cấp đổi, cấp lại, điều chỉnh thay đổi trong sổ tạm trú và gia hạn tạm trú.
Công dân không cần mang theo các loại giấy tờ có chứa thông tin cá nhân đã có trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, không phải sao y chứng thực các loại giấy tờ này khi làm thủ tục hành chính hoặc giao dịch dân sự, chỉ cần mang theo thẻ căn cước công dân hoặc cung cấp mã số định danh cá nhân cho cơ quan chức năng. Công dân được giảm chi phí sao y chứng thực, cấp, cấp đổi, cấp lại các giấy tờ có liên quan nếu bị mất, hỏng…
Lãnh đạo Cục Pháp chế cho biết Bộ Công an đã hoàn thành việc thu thập thông tin dân cư, xây dựng cơ sở hạ tầng từ trung ương đến địa phương (cấp xã, phường, thị trấn) và bước đầu triển khai một số dịch vụ tra cứu, khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu. Bộ Công an đang gấp rút kết nối, chia sẻ thông tin giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác, hoàn thiện các phương thức khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Theo đó, từ 1-7, nếu người dân không sử dụng sổ hộ khẩu vẫn có thể khai thác, sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để thực hiện các giao dịch liên quan đến thông tin về cư trú.
Từ ngày 1-7, CSDLQGVDC sẽ sẵn sàng kết nối với tất cả cơ sở dữ liệu chuyên ngành khi cơ sở dữ liệu chuyên ngành đó đủ điều kiện. Hiện tại đã có một số cơ sở dữ liệu chuyên ngành sẵn sàng kết nối như: Văn phòng Chính phủ (Cổng dịch vụ công quốc gia); Bộ Thông tin và truyền thông; Bộ Tài chính (mã số thuế); Bộ Tư pháp (cấp số định danh cá nhân cho trẻ em); Bảo hiểm xã hội Việt Nam và 63 UBND các tỉnh, thành phố.
Trọng Nhân