Bốn nguyên tắc cơ bản trong bầu cử đã được luật hóa

Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 03:07, 09/05/2021

Moitruong.net.vn – Phổ thông, bình đẳng, trực tiếp, bỏ phiếu kín là 4 nguyên tắc cơ bản, đã được luật hóa thành những luật định quan trọng trong quá trình chuẩn bị bầu cử ở nước ta.

Trải qua 14 cuộc tổng tuyển cử, các nguyên tắc bầu cử của nước ta đã được kế thừa, phát huy và hoàn thiện, để phù hợp với chế độ của Nhà nước và đảm bảo tính dân chủ. Những nguyên tắc bầu cử được quy định trong Hiến pháp 2013 và Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 tiếp tục khẳng định: bầu cử ở nước ta gắn mật thiết dân chủ, thông qua cuộc bầu cử tự do và công bằng để đảm bảo cho việc tôn trọng các quyền tự do, dân chủ của người dân.

Kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại nơi niêm yết danh sách cử tri chuẩn bị cho bầu cử tại phường Hàng Bạc (quận Hoàn Kiếm). (Nguồn: Báo Nhân dân)

4 nguyên tắc cơ bản trong bầu cử cụ thể như sau:

Thứ nhất: Nguyên tắc phổ thông, đây là nguyên tắc rất quan trọng được khẳng định tại Điều 7 Hiến pháp năm 2013. Theo đó, công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Nguyên tắc này nhằm đảm bảo cho tất cả công dân không bị phân biệt dựa trên căn cứ thành phần dân tộc, tín ngưỡng, địa vị xã hội, giới tính.

Vậy nội dung nguyên tắc phổ thông đầu phiếu là gì? Đó là mọi công dân đủ 18 tuổi được đi bầu cử và từ 21 tuổi trở lên được ứng cử. Mọi công dân không phân biệt nam hay nữ, dân tộc, tôn giáo, không phân biệt địa vị xã hội, ở miền xuôi hay miền ngược, là cư trú dài hạn hay ngắn hạn. Bất cứ công dân nào đều có quyền bầu cử và ứng cử khi đến tuổi 18 và đến tuổi 21. Tất nhiên là trừ những công dân mất trí, hoặc tòa án tước quyền bầu cử.

Nguyên tắc phổ thông đầu phiếu này đòi hỏi Nhà nước hiện hành phải tổ chức cuộc bầu cử thành một ngày hội sinh hoạt chính trị toàn dân. Nhà nước phải có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi nhất để cho mọi công dân thực hiện quyền bầu cử của mình.

Thứ hai: Về nguyên tắc bình đẳng, có nghĩa là mỗi người, mỗi cử tri chỉ được nhận một lá phiếu, chỉ được bầu một nơi chứ không được bầu nhiều nơi. Mọi lá phiếu đều có giá trị như nhau, không phân biệt lá phiếu của người giầu, người nghèo, người già, người trẻ, người có địa vị cao hay địa vị thấp.

Thứ ba: Nguyên tắc trực tiếp, nhằm đảm bảo cho người dân trực tiếp thể hiện ý chí của mình trong lựa chọn người đại biểu. Cụ thể, cử tri được trực tiếp bỏ phiếu vào thùng phiếu mà không qua người trung gian, cử tri cũng trực tiếp lựa chọn người mình bỏ phiếu, không được nhờ người khác bầu hộ, không bầu bằng cách thức gửi thư.

Thực tế, trong một số cuộc bầu cử trên thế giới thì vẫn tồn tại những cuộc bầu cử gián tiếp. Gián tiếp là thế nào? tức là cử tri bầu lên đại cử tri, rồi đại cử tri lại bầu ra những người lãnh đạo các cơ quan lập pháp, các cơ quan tư pháp, hành pháp của đất nước. Còn ở Việt Nam, công dân trực tiếp đi bỏ phiếu bầu lên những người đại diện cho mình trên Quốc hội.

Thứ tư: Nguyên tắc bỏ phiếu kín nhằm đảm bảo tôn trọng quyền tự do thể hiện ý chí của cử tri, tạo điều kiện để quá trình lựa chọn của mỗi cử tri không bị tác động, ảnh hưởng của các cá nhân hoặc tổ chức khác.

Bỏ phiếu giúp cho người bỏ phiếu là được hoàn toàn tự do bỏ phiếu mà không sợ ai biết mình bầu cho ai, cho nên tất cả các nước trên thế giới để thực hiện nguyên tắc bỏ phiếu kín thì đều phải ngăn và che chắn thành các ô để mọi người hoàn toàn tự do khi bỏ phiếu.

Theo các nhà nghiên cứu về bầu cử: Giữa bỏ phiếu công khai và bỏ phiếu kín thì kết quả nó khác nhau. Bởi vì bỏ phiếu công khai có tâm lí đám đông, hoặc là người ta sợ bị trù dập.

Phân tích rõ ràng từng nguyên tắc trong bầu cử ở nước ta có thể thấy, yếu tố tự do, dân chủ được lồng ghép trong tất cả các nguyên tắc và việc đảm bảo bốn nguyên tắc cử: Phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín trong bầu cử là thực hiện chế định dân chủ tiến bộ, văn minh.

Hoài Anh

   

Hoài Anh