Indonesia: Đổi rác thải nhựa lấy kết nối Internet để học trực tuyến
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 03:31, 18/09/2020
Trường học ở nhiều nước vẫn phải đóng cửa do COVID-19. Như tại Indonesia, hàng triệu gia đình vẫn đang phải tiếp tục cho con học trực tuyến. Tuy nhiên, đối với các em ở những vùng xa xôi hẻo lánh, việc học trực tuyến vô cùng khó khăn do khó tiếp cận hoặc không có mạng internet.
Do đó, ở một số địa phương, các nhóm tình nguyện đã cố gắng hỗ trợ cung cấp mạng internet cho các em học sinh để phục vụ học trực tuyến.
Hiện tại, sáng kiến của một nhóm tình nguyện viên tại Indonesia được đưa ra, giúp các em học sinh có thể đổi rác thải nhựa lấy dung lượng Wi-Fi. Theo đó, 1 kg rác nhựa sẽ đổi được 3 tiếng sử dụng Internet.
Học sinh Indonesia thu gom rác thải nhựa bán lấy quyền truy cập Internet để học từ xa
Các tình nguyện viên cho biết, đây là một công đôi việc, vừa giúp dọn dẹp được môi trường, vừa giúp các em học sinh trong học tập. Nhóm tình nguyện này sẽ đưa những xe phát sóng Internet tới những vùng sâu vùng xa để cung cấp kết nối, thậm chí còn tặng cả laptop và smartphone cho các em học sinh.
Anh Iing Solihin đã nảy ra ý tưởng thiết lập “trạm wifi” để giúp học sinh có thể học trực tuyến trong giai đoạn dịch bệnh. Anh bán số rác thải nhựa cho các nhà tái chế và dùng số tiền này mua gói dữ liệu mạng trị giá 340.000 rupiah (23 USD) mỗi tháng.
“Chúng tôi đã gặp phải vấn đề khi gói dữ liệu bị hết vào cuối tháng Tám và chúng tôi không còn đủ tiền để mua thêm. Do đó, trong tuần này, bọn trẻ sẽ chỉ có thể dùng mạng internet 3 lần trong tuần vì tôi lo gói dữ liệu cũng sẽ hết trước thời điểm cuối tháng Chín. Điều này đồng nghĩa với việc bọn trẻ sẽ không thể học trực tuyến được nữa. Tôi hy vọng sẽ có người hỗ trợ giúp chúng tôi có tiền để mua thêm gói dữ liệu cho bọn trẻ học, cũng như giúp có thêm nhiều em nữa được tiếp cận wifi phục vụ học tập”, anh Solihin nói.
Trong khi đó, tại phía nam thủ đô Jakarta, một trạm phát wifi di động đang hỗ trợ các học sinh trong ngôi làng ở Bogor có cơ hội được học trực tuyến. Nhóm tình nguyện còn cung cấp máy tính xách tay và điện thoại di động để các em học sinh có thể học từ xa.
“Chúng tôi đã nghĩ tới việc cung cấp dịch vụ này khi chính phủ yêu cầu các trường học đóng cửa và học sinh phải học trực tuyến. Chúng tôi nhận được tin nhiều em phàn nàn về việc không có mạng internet để học nhất là các em ở vùng xa xôi hẻo lánh. Chúng tôi đã quyết định hỗ trợ các học sinh ở vùng khó khăn bằng cách tạo ra trạm phát wifi di động”, anh Abdul Manaf, chủ nhiệm chương trình nhóm “Tình nguyện học đường” chia sẻ.
Được biết, hàng triệu học sinh Indonesia đã buộc phải học từ xa kể từ khi nhiều trường học đóng cửa vào tháng 3 do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Điều này gây ra thách thức đặc biệt với nhiều hộ gia đình nghèo và những người sống ở vùng sâu vùng xa. Tính đến giữa năm 2019, chỉ khoảng 1/6 trong tổng số 60 triệu hộ gia đình ở Indonesia có kết nối Internet, dữ liệu đưa ra bởi Hiệp hội các nhà cung cấp dịch vụ Internet Indonesia (APJII) thông tin.
Ngọc Linh