110 năm Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 – 5/6/2021): Ngày ấy, Người ra đi
Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 01:30, 05/06/2021
Ngày 5/6/1911, người thanh niên Văn Ba, 21 tuổi, từ bến Nhà Rồng (Sài Gòn), sang Pháp và các nước khác để tìm con đường giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước. Vào thời điểm đó, không ai biết rằng vận mệnh của dân tộc Việt Nam đã gắn liền với quyết định ra đi của một con người mà lịch sử đã chứng tỏ là sáng suốt, phi thường ấy.
Nghĩ đến cuộc hành trình lênh đênh trên biển hàng vạn dặm, anh không khỏi băn khoăn. Anh quyết định bộc lộ tâm trạng của mình với một người bạn “Tôi muốn đi ra ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta. Nhưng nếu đi một mình thật ra cũng có điều mạo hiểm, ví như khi đau ốm…Anh muốn đi với tôi không ?
Nhưng bạn ơi, chúng ta lấy đâu ra tiền để đi? Đây, tiền đây…Chúng ta sẽ làm việc. Chúng ta sẽ làm bất cứ việc gì để sống và để đi.
Nguyễn Tất Thành vừa nói vừa giơ hai bàn tay của mình, một cách tự tin và kiên quyết.” (Xem Trần Dân Tiên: Những mẫu chuyện đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, NXBCTQG, Hn, 2015, trang 15-16).
Thế là, Nguyễn Tất Thành làm phụ bếp trên tàu buôn viễn dương Amiral Latouche Tréville dưới cái tên Văn Ba với số lương ít ỏi: 10 quan một tháng.Người đi hỏi khắp bóng cờ châu Mỹ, châu Phi, đi khắp những đất tự do, những trời nô lệ, những con đường cách mạng…. Đi nhiều nơi, Nguyễn Tất Thành làm nhiều nghề để kiếm sống và học (tự học).
Trong bài thơ “Người đi tìm hình của nước”, Chế Lan Viên đã có những hồi ức, tái hiện những sự kiện từ phút giây Bác rời xa đất nước, đi tìm con đường giải phóng dân tộc, giải phóng nhân dân ra khỏi cuộc sống lầm than đến phút giây Bác trở về hôn lên hòn đất Tổ quốc.
“Đời bồi tàu lênh đênh theo sóng bể
Người đi hỏi khắp bóng cờ châu Mỹ, châu Phi
Những đất tự do, những trời nô lệ
Những con đường cách mạng đang tìm đi”.
(Người đi tìm hình của nước)
Với biết bao thành kính, yêu thương, Chế Lan Viên nói rõ Bác không tìm con đường đó trong nghệ thuật, trong những quốc hồn quốc túy nào, hay trong tôn giáo…Đó là con đường cứu nước, con đường làm cho hai mươi triệu người Việt Nam lúc ấy có thể vịn vào cành hái những bông hoa hạnh phúc.
“Hiểu sao hết “Người đi tìm hình của Nước”
Không phải hình một bài thơ đá tạc nên người
Một góc quê hương nửa đời quen thuộc
Hay một đấng vô hình sương khói xa xôi
Mà hình đất nước hoặc còn hoặc mất
Sắc vàng nghìn xưa, sắc đỏ tương lai
Thế đi đứng của toàn dân tộc
Một cách vin hoa cho hai mươi lăm triệu con người”.
(Người đi tìm hình của nước)
Chế Lan Viên diễn đạt suy nghĩ về tương lai đất nước của Bác rất biến hóa, nhiều màu sắc. Có câu hỏi khái quát ““Ngày mai ta sẽ sống ra sao đây? Có câu hỏi trừu tượng. Sông Hồng tượng trưng cho sức sống, cho dòng lịch sử của dân tộc “Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?”. Có câu hỏi mang màu sắc thần thoại gợi lên sức mạnh của sông núi, của nhân dân một khi thức tỉnh đứng lên làm cách mạng: “Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngũ/Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?”
Sau những câu hỏi lớn là những câu hỏi cụ thể về quốc kỳ, quốc ca…Và nụ cười tượng trưng cho hạnh phúc. Câu thơ dồn dập. quấn quít, có lúc bị ngắt ra từng đoạn lững lơ giúp ta hình tượng thế giới nội tâm của Bác: sôi nổi, thiết tha, khẩn trương…Với biết bao nhiêu câu hỏi đặt ra mà chưa giải quyết hết được.
Nhưng rồi tất cả như lắng lại, như tỏa lan trong niềm vui hạnh phúc tràn về khi nghĩ đến đất nước một ngày sạch bóng quân thù, đó là điều kiện đầu tiên để xây dựng đời hạnh phúc.
“Ơi, độc lập!
Xanh biết mấy là trời xanh Tổ quốc
Khi tự do về chói trên đầu”.
(Người đi tìm hình của nước)
Chế Lan Viên đã diễn tả tinh vi tâm lý qua cái nhìn. Cảnh bát ngát cao đẹp của bầu trời Tổ quốc chỉ có trong tâm hồn người đã thoát khỏi mọi xiềng xích, nô lệ. Ta nhớ trước đó Tố Hữu đã viết:
“Ngẩng đầu lên: trong sáng tuyệt trần
Tháng Tám mùa thu xanh thắm
Mây nhởn nhơ bay hôm nay ngày đẹp lắm
Mây của ta trời thắm của ta
Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa”
(Ta đi tới)
Tiếng súng của chiến hạm Rạng Đông đã báo hiệu buổi bình minh của nhân loại cần lao, có ảnh hưởng quyết định đến việc tìm đường cứu nước của Bác. Chế Lan Viên gợi lại sự kiện vĩ đại ấy bằng lời thơ kỳ vĩ:
“Khi mặt trời Nga mọc ở phương Đông
Cây cay đắng đúng ra mùa quả ngọt
Người cay đắng cũng chia phần hạnh phúc
Sao vàng bay theo liềm búa công nông”.
(Người đi tìm hình của nước)
Ngày đó, Bác Hồ kính yêu trên hành trình gian khổ tìm đường cứu nước, khi được tin Cách mạng Tháng Mười Nga thành công, Bác đã cảm nhận về một đất nước mà nắm chính quyền là những người lao động. Bác đã khẳng định: “Ngọn đuốc của Cách mạng Tháng Mười vì đại soi sáng con đường Cách mạng Việt Nam”.
Thật xúc động khi biết rằng, Báo Nhân Đạo (Pháp) số ra ngày 16- 17/7/1920 có đăng tác phẩm Sơ khảo lần thứ nhất những luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin. Bác rất xúc động, mừng đến phát khóc. “Luận cương đến với Bác Hồ. Và Người đã khóc/ Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lênin” (Người đi tìm hình của nước).
Và trong căn phòng vắng lặng với khóe mắt rưng rưng lệ Bác reo lên: “Cơm áo là đây, hạnh phúc đây rồi./ … phút khóc đầu tiên là phút Bác Hồ cười” (Người đi tìm hình của nước).
Bác Hồ là người đầu tiên mang đến cho dân tộc ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin, đồng thời Bác cũng là người đại diện tiêu biểu và hoàn mỹ nhất cho chân lý chủ nghĩa đó. Tâm trí của Người hiện lên một tương lai dân tộc rạng rỡ trong tự do, độc lập qua những câu thơ rực sáng: “Dân ta bưng bát cơm mồ hôi nước mắt/ Ruộng theo trâu về lại với người cày/ Mỏ thiếc, hầm than, rừng vàng, biển bạc/ Không còn người bỏ xác trên đường ray/ Giặc nước đuổi xong rồi trời xanh tiếng hát/ Điện theo trăng vào phòng ngủ công nhân/ Những kẻ quê mùa đã thành trí thức/ Tăm tối cần lao nay hóa những anh hùng…“(Người đi tìm hình của nước).
Và đúng 30 năm kể từ ngày rời Bến cảng Nhà Rồng, đường đến với Lênin đã đưa Bác Hồ trở về với Tổ quốc vào năm 1941. Bước chân đầu tiên về đất mẹ cũng là giây phút Người lắng nghe sự sống của sinh thể đất nước đang phôi thai. Nhà thơ Chế Lan Viên đã diễn tả lại hình ảnh ấy bằng những câu thơ đầy xúc động:
“Kìa! Bóng Bác đang hôn lên hòn đất.
Lắng nghe trong màu hồng hình đất nước phôi thai”.
(Người đi tìm hình của nước).
Và chỉ bốn năm sau đó, trong nắng thu vàng giữa Ba Đình lịch sử sáng ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính thức công bố bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: “ Hôm nay sáng mùng hai tháng chín /Thủ đô hoa, vàng nắng Ba Đình/Muôn triệu tim chờ… chim cũng nín / Bỗng vang lên tiếng hát ân tình. Hồ Chí Minh! Hồ Chí Minh! (Tố Hữu-Theo chân Bác).
Nguyễn Văn Thanh