TP Hồ Chí Minh: Dịch Covid-19 cơ bản đã được khoanh vùng, khống chế
Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 10:00, 07/06/2021
Sáng 7/6, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TPHCM đã họp triển khai công tác phòng chống dịch.
Báo cáo tại cuộc họp, GS.TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, tính đến ngày 7/6, TPHCM ghi nhận 640 trường hợp mắc COVID-19 phát hiện tại TPHCM được Bộ Y tế công bố.
Đã có 268 trường hợp điều trị khỏi, 371 bệnh nhân đang điều trị, 1 bệnh nhân tử vong.
Bên cạnh đó, hiện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM tiếp nhận và điều trị cho 3 trường hợp bệnh nhân COVID-19 nặng (1 từ Bệnh viện Đa khoa khu vực tỉnh An Giang và 2 người từ Bệnh viện Đa khoa Khu Vực Long An).
Hiện tại, cả ba bệnh nhân đều trong tình trạng rất nặng.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong. Ảnh báo Tuổi trẻ
Theo đó, với các biện pháp quyết liệt, TP Hồ Chí Minh đã tiến hành giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện xét nghiệm tầm soát quy mô toàn thành phố, thần tốc truy vết, khoanh vùng, khống chế các ổ dịch, các chuỗi lây nhiễm.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Thành Phong – chủ tịch UBND TP.HCM cho biết việc thực hiện giãn cách xã hội là quyết định rất khó khăn. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, TP phải chấp nhận hy sinh lợi ích trong ngắn hạn để đảm bảo sự an toàn của người dân.
Theo chủ tịch UBND TP, trong đợt dịch thứ 4 này, TP có 3 chuỗi lây nhiễm, trong đó chùm ca bệnh liên quan nhóm truyền giáo Phục Hưng là nghiêm trọng nhất. Dịch bệnh lây truyền âm thầm trong thời gian dài và lây qua nhiều chu kỳ. Trong đó, chuỗi ca nhiễm liên quan là quán cà phê Trung Nguyên đã lây qua 5 chu kỳ.
Thời gian cao điểm dịch ghi nhận 70 ca bệnh/ngày. Tuy nhiên, nhờ các biện pháp phòng chống dịch quyết liệt, sau 7 ngày áp dụng giãn cách xã hội, số ca bệnh phát hiện hằng ngày đang có dấu hiệu giảm dần. Hiện tại, còn khoảng 20-25 ca trong cộng đồng, còn lại là các ca phát hiện trong khu cách ly hoặc khu phong tỏa.
Từ ngày 31/5, bắt đầu ghi nhận ca bệnh đã được cách ly và đã có ít nhất 1 lần xét nghiệm âm tính. Điều này cho thấy các chuỗi lây nhiễm đã biết tại thành phố đã từng bước được khống chế.
Theo ông Phong, mặc dù có những ca bệnh chưa rõ nguồn gốc phát hiện trong cộng đồng nhưng biện pháp giãn cách xã hội khiến việc tiếp xúc thấp, không phát tán rộng, chỉ lây lan đến 1, 2 thành viên trong gia đình.
Nguồn gốc các ca bệnh này có thể do dịch bệnh đã âm thầm lây lan trong cộng đồng từ trước, do việc tiếp xúc, đi lại nhiều của người dân trong dịp nghỉ lễ. Bên cạnh đó, hiện nay dịch bệnh vẫn đang lây lan trong cộng đồng tại một số tỉnh thành, do đó nhiều người dân có thể có tiếp xúc với ca bệnh hoặc đi qua các địa điểm có ổ dịch trong cả nước.
Chủ tịch UBND TP cho rằng việc tăng cường vận động, yêu cầu người dân thực hiện khai báo y tế nếu có yếu tố nguy cơ là hết sức cần thiết nhằm phát hiện và kiểm soát kịp thời, không để lây lan rộng.
“Bằng việc quyết liệt thực hiện giãn cách xã hội và áp dụng các biện pháp quyết liệt, TP đã khống chế tốc độ lây lan của dịch bệnh, phát hiện sớm và điều trị kịp thời các ca bệnh ngay cả khi chưa có triệu chứng. Cho đến thời điểm hiện nay cơ bản đã khoanh vùng, xác định được những địa điểm liên quan đến dịch”, ông Phong nói.
Chủ tịch UBND TP yêu cầu các địa phương tiếp tục đánh giá tính hiệu quả của biện pháp giãn cách xã hội, nếu cần thiết thì có thể áp dụng các biện pháp mạnh hơn nữa.
Chủ tịch UBND TP chỉ đạo các sở, ngành, quận huyện và TP Thủ Đức siết chặt các quy định phòng chống dịch tại công sở. Thực hiện giãn cách triệt để chợ truyền thống và chợ đầu mối, thiết lập các chốt kiểm dịch tại các chợ này.
Ông Nguyễn Thành Phong yêu cầu ngành y tế huy động tổng lực lượng để hoàn tất việc lấy mẫu xét nghiệm tầm soát tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao.
Các địa phương rà soát lại cơ sở vật chất để bố trí làm cơ sở cách ly tập trung, có kế hoạch cụ thể cho từng tình huống, không để thiếu cơ sở cách ly. Đồng thời, lãnh đạo TP cần triển khai kiểm tra việc chấp hành các quy định phòng chống dịch trong khu cách ly.
Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo phòng chống dịch phải siết chặt việc giãn cách tại các nhà máy, xí nghiệp. Các quận, huyện cần kiểm tra việc thực hiện các cam kết phòng chống dịch tại các cơ sở lao động và kịp thời chấn chỉnh sai phạm.
Giám sát, nhắc nhở các phòng mạch, nhà thuốc tư nhân phối hợp chặt chẽ với trạm y tế khi phát hiện người có dấu hiệu dịch để tầm soát. Cơ sở nào vẫn vi phạm thì áp dụng biện pháp mạnh như rút chứng chỉ hành nghề.
Ban tôn giáo TP cần tăng cường kiểm tra, quản lý các hội, nhóm, điểm hoạt động tôn giáo; vận động, nhắc nhở các tín đồ thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.
Ông Nguyễn Thành Phong kêu gọi người dân TP có dấu hiệu nhiễm bệnh thì nhanh chóng liên hệ với cơ sở y tế, không chần chừ. Những người dân có bệnh mãn tính cần ở nhà toàn thời gian, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết.
Hoàng Anh