Đẩy mạnh hơn nữa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh

Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 04:01, 21/06/2021

Moitruong.net.vn – Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ thiên tài, kiệt xuất của dân tộc, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam. Người “là biểu tượng cao đẹp nhất của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Người là kết tinh rạng ngời của đạo đức, trí tuệ, khí phách, lương tri của dân tộc và thời đại”. Trọn cả cuộc đời, Người dâng hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người. Tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người là tài sản tinh thần vô giá của Đảng và dân tộc ta. Học tập và làm theo Người là nhiệm vụ hết sức quan trọng, không thể thiếu đối với tất cả các tổ chức đảng, đảng viên trong tu dưỡng, rèn luyện, cống hiến và phụng sự đất nước.

Nhìn lại 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị

Trong những năm qua, việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016, của Bộ Chính trị khóa XII, “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” (sau đây gọi tắt là Chỉ thị số 05), gắn với Nghị quyết số 04-NQ/TW, ngày 30-10-2016, của Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” (sau đây gọi tắt là Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII) đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện, thiết thực, với nhiều cách làm mới, sáng tạo, ngày càng đi vào thực chất, chiều sâu, từng bước trở thành nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của mỗi tổ chức đảng và từng cán bộ, đảng viên. Qua đó, phong trào đã tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ, có sức lan tỏa trong Đảng và toàn xã hội, đưa đến những thay đổi tích cực trong toàn hệ thống chính trị, đặc biệt là trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, tạo cơ sở, nền tảng quan trọng cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta ra sức thi đua, tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trong thời gian tới.

Đây là bước kế thừa, tiếp nối và phát huy các thành tựu trong những giai đoạn trước(2), khắc phục được một số hạn chế, khuyết điểm về một số vấn đề, như nhận thức chưa đầy đủ, sâu sắc của không ít cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ chủ chốt về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc học tập và làm theo Bác; trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu và cán bộ, đảng viên chưa cao; xây dựng chuẩn mực đạo đức chậm, còn mang tính hình thức; công tác giáo dục, tuyên truyền chưa thật sinh động, hấp dẫn, chưa tạo sức lan tỏa trong xã hội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh (Ảnh tư liệu)

Một số kết quả nổi bật trong thực hiện Chỉ thị số 05 thời gian qua:

Một là, công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh sau khi Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 05 được thực hiện một cách nghiêm túc, bài bản, chất lượng trong toàn hệ thống chính trị.

Hai là, việc triển khai Chỉ thị số 05 được các cấp ủy, tổ chức đảng xây dựng thành các kế hoạch, chương trình hành động cụ thể, gắn với công tác xây dựng Đảng, nhiệm vụ trọng tâm, các khâu đột phá, các phong trào thi đua, cuộc vận động, để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả. Từ trong thực tiễn, xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, nhiều tập thể, cá nhân điển hình, tiêu biểu.

Ba là, việc tổ chức học tập, quán triệt Chỉ thị số 05, chuyên đề toàn khóa, chuyên đề hằng năm và các nội dung chủ yếu của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được thực hiện nghiêm túc, nền nếp, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên(3), trở thành quyết tâm chính trị cao và hành động quyết liệt trong các cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên.

Bốn là, việc cam kết rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, gắn với trách nhiệm nêu gương được triển khai đồng bộ, sâu rộng, ngày càng trở thành việc làm chủ động, thường xuyên của mỗi cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng(4), góp phần kiềm chế, ngăn chặn tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ(5); xây dựng đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ cấp chiến lược có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, có trách nhiệm và động cơ đúng đắn, tiên phong, gương mẫu; đấu tranh có hiệu quả trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, tạo dấu ấn rõ nét về xây dựng văn hóa Đảng đạo đức, văn minh. Hiệu quả của việc nêu gương mang lại những tác động lớn, góp phần tạo ra những đột phá trong việc thay đổi diện mạo kinh tế – xã hội đất nước nhiệm kỳ vừa qua, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội nổi cộm, gây bức xúc trong nhân dân, khẳng định chủ trương, đường lối đổi mới đúng đắn của Đảng(6).

Năm là, công tác tuyên truyền được thực hiện với nhiều hình thức phong phú, khá nổi bật, thực sự góp phần làm cho việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được quảng bá, lan tỏa sâu rộng, tác động mạnh mẽ, tích cực đến nhận thức, tư tưởng, tình cảm và hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân, được bạn bè quốc tế đánh giá cao, làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người dần trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII, triển khai Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XIII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”

Sáu là, công tác giáo dục lý luận chính trị và các nội dung của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, học sinh, sinh viên được thực hiện nghiêm túc, có sự đổi mới cả về nội dung và phương pháp; tăng cường quản lý, kỷ luật trong giảng dạy, học tập; từng bước khắc phục tình trạng lười học, ngại học lý luận chính trị, góp phần nâng cao trình độ, bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Bảy là, việc sơ kết thực hiện Chỉ thị số 05 đã được các cấp ủy, tổ chức đảng chủ động thực hiện hằng năm, chỉ ra được các ưu điểm, hạn chế, nguyên nhân, rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu, đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, có tính khả thi nhằm nâng cao chất lượng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong những năm tiếp theo.

Tám là, công tác kiểm tra, giám sát được chú trọng, thực hiện nghiêm túc, bài bản; kịp thời phát hiện, làm rõ những vi phạm, khuyết điểm của cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng(7); phát hiện, tôn vinh, biểu dương các tập thể, cá nhân tiên tiến, điển hình; qua đó, có tác dụng cổ vũ, khích lệ mạnh mẽ cán bộ, đảng viên và nhân dân tích cực học tập và làm theo Bác, tự soi, tự sửa, tự điều chỉnh hành vi, rèn luyện đạo đức, lối sống, tác phong công tác.

Nhìn chung, việc thực hiện Chỉ thị số 05 gắn với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã phát huy được sức lan tỏa, thúc đẩy việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trên các mặt của đời sống xã hội, góp phần tạo nên sức mạnh cộng hưởng, sự đồng lòng, quyết tâm của toàn Đảng, toàn xã hội trong thực hiện các nhiệm vụ kinh tế – xã hội, bảo vệ Tổ quốc, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.

Tuy nhiên, việc tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 05 gắn với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII còn bộc lộ những hạn chế, như công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện có nơi, có lúc chưa quyết liệt, chưa thể hiện được vai trò của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị. Việc cam kết tu dưỡng, rèn luyện, nhất là việc thực hiện quy định nêu gương của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa trở thành nền nếp, hiệu quả chưa cao. Việc xác định khâu đột phá có nơi còn lúng túng. Công tác tuyên truyền chưa chú trọng triển khai sâu rộng ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu dân cư. Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch còn bị động, tính chiến đấu chưa cao. Việc đấu tranh với các biểu hiện lệch lạc về đạo đức, lối sống chưa mạnh mẽ. Công tác kiểm tra, giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên ở một số nơi chưa thường xuyên, quyết liệt; phạm vi, đối tượng còn hẹp; hiệu quả cảnh báo, phòng ngừa còn hạn chế; công tác sơ kết còn chậm, chưa được quan tâm đúng mức. Điều này đòi hỏi cần có những giải pháp mạnh mẽ, nhằm đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn mới.

Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới

Trong bài phát biểu tại Hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh sáng ngày 12/6/2021 với chủ đề “Ra sức học tập, nỗ lực phấn đấu và rèn luyện, không ngừng làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, đồng chí Tổng Bí thư đã nhấn mạnh đến việc “nêu gương” của mỗi cán bộ, đảng viên. Đồng chí chỉ rõ, “nêu gương là thực hiện đồng thời, gắn kết việc học tập với làm theo Bác và nêu gương. Phát huy hiệu quả mối quan hệ giữa ba nhiệm vụ này, trong đó đề cao vai trò, trách nhiệm tiền phong, gương mẫu với nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền, cơ quan, đơn vị, mà trước hết là các đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng”(7). Đây là sự cụ thể hóa thêm quan điểm của Đảng ta tại Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25/10/2018 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương và quan điểm của Đại hội XIII về trách nhiệm “nêu gương” của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu.

Trong bài phát biểu, đồng chí Tổng Bí thư cũng chỉ rõ cách thức nêu gương của cán bộ, đảng viên. Đó là: người có chức vụ càng cao, cương vị càng lớn càng phải gương mẫu trong tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, phong cách, tác phong, lề lối công tác để quần chúng, nhân dân noi theo; phải thể hiện được tư tưởng vững vàng, quan điểm đúng đắn, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, hết lòng vì nước, vì dân; có phong cách lãnh đạo khoa học, dân chủ, sâu sát thực tiễn, thật sự là hạt nhân đoàn kết, quy tụ, tạo động lực và phát huy trí tuệ tập thể, theo tinh thần Bác đã dạy: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”.

Có thể nhận thấy, Đảng ta đã kế thừa và phát triển tư tưởng “nêu gương” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bối cảnh hiện nay. Tư tưởng của Người đã trở thành “kim chỉ nam” cho Đảng trong công tác xây dựng Đảng nói chung và xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên nói riêng.

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh và quán triệt quan điểm chỉ đạo của Đảng, của đồng chí Tổng Bí thư, mỗi cán bộ, đảng viên cần phải thấm nhuần quy định về “nêu gương”; thể hiện việc nêu gương toàn diện trên tất cả các mặt chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; không sa vào chủ nghĩa cá nhân, không quan liêu, tham nhũng, lãng phí; không bị lợi ích vật chất cám dỗ, không bị chi phối bởi “lợi ích nhóm”, “tư duy nhiệm kỳ”. Mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện về đạo đức cách mạng; tự giác, gương mẫu trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Việc nêu gương của cán bộ, đảng viên phải theo phương châm “trên trước, dưới sau”, “trong trước, ngoài sau”, “học đi đôi với làm theo”; cấp ủy viên nêu gương cho đảng viên, đảng viên nêu gương cho quần chúng; cán bộ cấp trên nêu gương cho cán bộ cấp dưới; thủ trưởng cơ quan, đơn vị nêu gương cho công chức, viên chức và người lao động đúng như theo tinh thần của Kết luận số 01-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương ngày 18/5/2021: “Trong quá trình tổ chức thực hiện, phải đề cao việc phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, trước hết là các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Việc tự giác nêu gương để khẳng định vai trò lãnh đạo, tính tiên phong, gương mẫu “trên trước, dưới sau”, “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”(8). Từ việc nêu gương của mỗi cán bộ, đảng viên hướng tới việc xây dựng tập thể nêu gương, đơn vị nêu gương để từng bước lan tỏa giá trị của người cán bộ, đảng viên và của tổ chức đến với quần chúng nhân dân.

Tư tưởng và phong cách “nêu gương” của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là “kim chỉ nam”, là những chỉ dẫn rất cần thiết và quý báu cho Đảng ta trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ ở Việt Nam hiện nay. Mỗi cán bộ, đảng viên cần thấm nhuần tư tưởng “nêu gương”, nghiêm túc thực hiện những quy định của Đảng về “nêu gương” để không ngừng tu dưỡng, rèn luyện cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống để xứng đáng là “người đầy tớ trung thành của nhân dân” đúng như lời căn dặn của Bác.

Viên Minh

   

Viên Minh