TP. Hồ Chí Minh: Giảm khai thác nước ngầm để chống sụt lún
Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 03:30, 30/06/2021
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP. HCM, hiện nay, nhu cầu khai thác, sử dụng nước dưới đất trên địa bàn TP. HCM là hơn 700.000 m3/ngày.
Trong đó, hộ dân khai thác 355.859 m3/ngày, khu chế xuất – khu công nghiệp 58.150 m3/ngày, bên ngoài khu chế xuất – khu công nghiệp nhưng không phải hộ gia đình 172.572 m3/ngày, Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (Sawaco) khoảng 100.000 m3/ngày.
Nền đất ở hẻm bên hông toà nhà The Manor (quận Bình Thạnh, TP. HCM) bị lún sụt khá sâu. Ảnh: Minh Quân
Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ – Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. HCM cho biết, tình trạng lún nền đất ở TP. HCM trung bình 40 mm/năm, có nơi nặng nhất 67 mm/năm.
Theo bà Mỹ, một trong những nguyên nhân khiến TP. HCM có dấu hiệu lún trên diện rộng dẫn đến ngập lụt là do khai thác nước ngầm quá mức. Việc khai thác nước ngầm không đúng cách cũng là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước.
“Theo căn cứ khoa học, về lâu dài, nếu việc khai thác nước ngầm không được quản lý và kiểm soát tốt có thể gây ra nguy cơ ô nhiễm nguồn nước dưới đất và lún mặt đất” – bà Mỹ nói.
Do vậy, để ngăn ngừa những nguy cơ trên, UBND TP. HCM đã ban hành kế hoạch giảm khai thác nước dưới đất và trám lấp giếng khai thác nước dưới đất trên địa bàn TP. HCM đến năm 2025.
Theo đó, từ nay đến năm 2025 sẽ giảm lưu lượng khai thác nước dưới đất trên địa bàn TPHCM còn 100.000 m3/ngày. Đồng thời, thực hiện trám lấp các giếng hư hỏng, không sử dụng, giếng không có giấy phép khai thác đúng kỹ thuật nhằm bảo vệ nguồn nước, hạn chế ô nhiễm.
Kế hoạch giảm khai thác nguồn nước ngầm
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP. HCM, năm 2021, TP. HCM sẽ giảm khai thác nước dưới đất 16.650 m3/ngày, trong đó lượng khai thác nước dưới đất hộ gia đình giảm 8.000 m3/ngày; trong khu chế xuất – khu công nghiệp giảm 1.650 m3/ngày; bên ngoài khu chế xuất – khu công nghiệp giảm 3.000 m3/ngày; lượng khai thác nước dưới đất của Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (Sawaco) giảm 4.000 m3/ngày.
Mới đây, UBND TP. HCM cũng đã ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình cung cấp nước sạch và chấm dứt khai thác nước ngầm TPHCM năm 2021.
Theo đó, thành phố đặt mục tiêu giảm tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch dưới 18,93%; 100% hộ dân sử dụng nước sạch; điều chỉnh Quy hoạch cấp nước TP. HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060; cải tạo cấu trúc mạng lưới chuyển tải và phân phối; phát triển hệ thống cấp nước thông minh; lắp đặt thí điểm công trình cung cấp nước uống tại vòi ở các khu vực công cộng như công viên, trường học, bệnh viện…
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, việc giảm khai thác nước ngầm sẽ hướng đến 4 nhóm đối tượng sử dụng nguồn nước dưới đất chính: hộ gia đình; khu chế xuất – khu công nghiệp; nhóm đối tượng sử dụng nguồn nước dưới đất bên ngoài các khu chế xuất – khu công nghiệp không phải hộ gia đình; Sawaco.
Cụ thể, Sở đã đề nghị UBND Thành phố Thủ Đức, các quận, huyện lập kế hoạch giảm khai thác nước ngầm với chỉ tiêu 32% với đối tượng là hộ dân, doanh nghiệp có lượng khai thác dưới 20 m3/ngày do các địa phương quản lý.
Đối với hộ dân, Sở phối hợp cùng với UBND Thành phố Thủ Đức và quận, huyện để tuyên truyền sử dụng nước sạch gắn đồng hồ thay cho nước giếng.
Với nhóm đối tượng là doanh nghiệp, khu chế xuất – khu công nghiệp do Sở Tài nguyên và Môi trường quản lý, sở sẽ báo cáo ngừng cấp giấy phép 151 công trình với tổng lượng khai thác hơn 50.000 m3/ngày.
Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ triển khai song song kế hoạch trám lấp giếng khai thác nước dưới đất, chấm dứt việc khai thác nước ngầm ở khu vực nội thành.
Nhà máy nước trên địa bàn TP. HCM đảm bảo cung cấp đủ nước sạch cho người dân khi chấm dứt khai thác nước ngầm
Kế hoạch nêu rõ, TP. HCM sẽ thực hiện điều chỉnh Quy hoạch tổng thể cấp nước thành phố đảm bảo an toàn và thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, UBND thành phố giao Sawaco nghiên cứu đề xuất áp dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường trong lĩnh vực khai thác, sản xuất cấp nước để định hướng áp dụng công nghệ cho các dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước trên địa bàn thành phố; đề xuất áp dụng các mô hình quản lý cấp nước tiên tiến, hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, nguồn lực.
Đồng thời, có giải pháp phát triển, khai thác nguồn nước an toàn, bền vững, nâng cao năng lực dự phòng và các phương án cấp nước khẩn cấp, sẵn sàng ứng phó với sự biến đổi của nguồn nước, đảm bảo an toàn cấp nước cho thành phố. Bên cạnh đó, nghiên cứu sử dụng nguồn nước mưa, nước tái tạo, nguồn nước mặt lợ, nước dưới đất lợ để đảm bảo nguồn nước cấp trong điều kiện biến đổi khí hậu cho nhu cầu của thành phố trong thời gian tới.
Về lộ trình hạn chế khai thác nước ngầm, UBND TP. HCM giao các đơn vị tính toán việc khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn tài nguyên nước dưới đất gắn với bảo vệ, hạn chế ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước. Trong đó, để giảm khai thác nước ngầm, thành phố thực hiện giải pháp chính sau: giảm khai thác nước dưới đất đối với đối tượng sử dụng nguồn nước ngầm trong các khu chế xuất – công nghiệp và đối tượng sử dụng nguồn nước ngầm bên ngoài các khu chế xuất – công nghiệp không phải hộ gia đình theo chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố.
Mặt khác, TP. HCM sẽ cải tạo cấu trúc mạng lưới chuyển tải và phân phối nước sạch để đảm bảo nhu cầu sử dụng nước của người dân sau khi không khai thác, sử dụng nước ngầm. Bao gồm: nghiên cứu hệ thống cấp nước hiện hữu để phân vùng cấp nước; đầu tư xây dựng mạng lưới cấp nước để phân vùng cấp nước; thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư để xây dựng bể chứa nước sạch; kiểm soát và điều phối áp lực và lưu lượng tại bất cứ khu vực nào trong phạm vi cấp nước.
Để giảm thất thu nước sạch, lãnh đạo thành phố giao các đơn vị giám sát cấp nước tại các khu vực đồng hồ tổng theo dõi nguồn cung nước hàng tuần; đo tốc độ dòng chảy ban đêm nhằm xác định thất thoát nước vật lý hay thương mại; thiết lập khu vực đồng hồ tổng nhằm xác định và giải quyết các điểm có tỷ lệ thất thoát cao; lắp đặt van giảm áp để điều tiết áp lực; thay thế đường ống bị rò rỉ, không đảm bảo yêu cầu.
UBND TP. HCM cũng giao Sawaco và các doanh nghiệp nước sạch khác nghiên cứu, lựa chọn công nghệ xử lý bùn cho các nhà máy nước trên địa bàn như: Tân Hiệp 1, Tân Hiệp 2, Kênh Đông, BOO Thủ Đức, Thủ Đức… để duy trì sự vận hành và cung cấp nước sạch cho thành phố.
Tuấn Phong