Quảng Ninh: Đảm bảo môi trường trong các khu công nghiệp, khu kinh tế
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 08:33, 28/10/2020
Theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 11 khu công nghiệp (KCN), 6 cụm công nghiệp (CCN). Công tác môi trường tại các KCN, CCN này luôn được chú trọng.
Trạm xử lý nước thải tập trung tại KCN Việt Hưng (TP Hạ Long).
Trong số 11 KCN được phê duyệt, đến nay đã có 5 khu đi vào hoạt động, gồm: KCN Cái Lân (tổng diện tích là 301,58ha), KCN Việt Hưng (tổng diện tích là 151,89ha), KCN Hải Yên (tổng diện tích là 182,42ha), KCN Đông Mai (tổng diện tích theo quy hoạch là 167,86ha), KCN Texhong Hải Hà thuộc KCN – Cảng biển Hải Hà (tổng diện tích là 660ha). Còn trong 6 CCN được thành lập với tổng diện tích 382,24ha, thì hiện có 4 CCN đã đi vào hoạt động (CCN Hà Khánh, CCN Kim Sen, CCN Nam Sơn, CCN Cẩm Thịnh).
Theo kết quả báo cáo công tác bảo vệ môi trường trong khu kinh tế, khu công nghiệp, hàng năm, khối lượng chất thải rắn công nghiệp thông thường phát sinh là 48.957,06 tấn. Thời gian qua, tỉnh và các địa phương luôn chú trọng việc chỉ đạo, kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường tại các KCN, CCN; yêu cầu các doanh nghiệp chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật liên quan đến môi trường.
Được biết, đến nay, tất cả các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đi vào hoạt động đều đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải với công nghệ hiện đại, thân thiết với môi trường. Công suất của các trạm này từ 300 đến 10.000m3/ngày, đêm. Nhờ đó, việc xử lý nước thải trong các khu công nghiệp đã đảm bảo quy chuẩn đề ra.
Về chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp và chất thải nguy hại, khí thải trong các KCN được thu gom, xử lý cơ bản đúng quy định. Cả 5 KCN đều hoàn thành việc lắp đặt trạm quan trắc tự động nước thải công nghiệp; kết nối, truyền dữ liệu trực tiếp, liên tục về Sở Tài nguyên và Môi trường. Riêng KCN Texhong Hải Hà, KCN Đông Mai đã có hệ thống hồ sinh thái để ứng phó và khắc phục sự cố của hệ thống xử lý nước thải tập trung của KCN.
Mặc dù công tác bảo vệ môi trường tại các KCN trên địa bàn tỉnh tương đối tốt góp phần nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của các doanh nghiệp, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với các KCN. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế, bất cập trong công tác tuân thủ pháp luật bảo vệ môi trường của một số doanh nghiệp hoạt động trong KCN cũng như công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường.
Do đó, các cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự chuyển biến đồng bộ về nhận thức và hành động về bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp trong KCN góp phần nâng cao công tác quản lý, bảo vệ môi trường trong thời kỳ CNH-HĐH.
Minh Châu