Thụy Sĩ giải quyết vấn đề lãng phí thực phẩm bằng công nghệ nano
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 06:00, 14/10/2020
Theo Theo dự thảo tóm tắt báo cáo của IPCC, thế giới lãng phí khoảng 1,3 tỷ tấn thực phẩm mỗi năm, tương đương 25-30% số thực phẩm được sản xuất cho con người, tăng 40% kể từ năm 1970.
Theo tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO), người tiêu dùng ở những nước giàu vứt bỏ 222 triệu tấn thực phẩm mỗi năm, gần bằng tổng sản lượng thực phẩm 230 triệu tấn/ năm ở khu vực Nam sa mạc Sahara ở châu Phi. Ngoài ra, mỗi người dân ở châu Âu và Bắc Mỹ vứt đi trung bình 95-115 kg thực phẩm mỗi năm, trong khi con số này ở khu vực Nam sa mạc Sahara châu Phi và châu Á là 6-11kg/năm.
Theo thống kê tại Thụy Sĩ, hàng năm, trung bình mỗi người dân vứt đi gần 300 kg đồ ăn, trong đó bánh mì chiếm 43%, rau, hoa quả (34%) và thịt (19%). Với số liệu tổng kết này, Thụy Sĩ là một trong những quốc gia lãng phí thực phẩm hàng đầu châu Âu.
Các nhà nghiên cứu Thụy Sĩ đang cố gắng giải quyết thách thức lãng phí thực phẩm bằng công nghệ nano trong bối cảnh mỗi năm nước này có tới 190 kg thực phẩm/đầu người bị lãng phí.
Thế giới đang có khoảng 1/3 tổng số thực phẩm sản xuất cho tiêu dùng
Theo Tiến sĩ Niloufar Sharif, người đang thực hiện dự án, công nghệ đóng gói thông minh có thể xác định chính xác sản phẩm nào bị hư hỏng cũng như tìm ra một loại cảm biến có khả năng giám sát thời gian sử dụng của sản phẩm hết sức hữu ích. Nó có thể phát hiện các dấu hiệu thực phẩm hỏng hoặc hết hạn. Những cảm biến siêu nhỏ này được tích hợp vào bao bì thực phẩm, phản ứng khi thực phẩm hỏng. Sau đó, một hệ thống sẽ diễn giải dữ liệu và chuyển nó thành một dấu hiệu mà mọi người có thể đọc được ở bên ngoài gói thực phẩm.
Các loại thực phẩm khác nhau sẽ phân hủy theo những cách không giống nhau, với tỷ lệ khác nhau và trong các điều kiện khác nhau, chẳng hạn như ánh sáng và độ ẩm. Tiến sĩ Sharif tin rằng các cảm biến mà nhóm của bà đang nghiên cứu có thể phản ứng với một số loại khí trong quá trình vi khuẩn hoặc nấm hoạt động trên thực phẩm.
Một trong những phương pháp có thể sử dụng là theo dõi nồng độ pH để biết liệu thứ gì đó có tính axit, trung tính hay kiềm và có thể chỉ ra sự phân hủy thực phẩm. Nếu độ pH di chuyển vào vùng không an toàn, một cảm biến trên nhãn sẽ cảnh báo cho người quản lý thực phẩm hoặc người mua hàng rằng thực phẩm không còn an toàn để sử dụng.
Dự án của bà Sharif được chọn là một phần của “Sáng kiến lương thực tương lai” – chương trình khoa học – công nghiệp của Thụy Sĩ nhằm mở rộng nghiên cứu và giáo dục trong lĩnh vực thực phẩm và dinh dưỡng.
Hiện bà Sharif đang thiết lập phòng thí nghiệm cho giai đoạn đầu tiên trong 3 giai đoạn của dự án: thử nghiệm cảm biến với các loại khí khác nhau, tích hợp cảm biến vào vật liệu đóng gói và thử nghiệm trên thực phẩm thực tế.
Trúc Anh