Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Nhà báo của Nhân dân
Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 00:30, 25/08/2021
Dấn thân đồng hành cùng sự nghiệp báo chí cách mạng
Cũng giống như lãnh tụ Hồ Chí Minh và các vị lão thành cách mạng tiền bối, Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm báo là để làm cách mạng. Lấy báo chí là phương tiện để truyền bá tư tưởng cách mạng tiến bộ, định hướng dư luận và phục vụ những nhiệm vụ cách mạng của nhân dân trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết báo, làm báo từ rất sớm trên con đường cách mạng của mình. Đại tướng đã sử dụng báo chí như một vũ khí sắc bén, hiệu quả trong mỗi giai đoạn hoạt động cách mạng của mình với bút danh như: Vân Đình, Hải Thanh, Hồng Nam, Chính Nghĩa…
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là nhà báo xuất sắc của Nhân dân
Năm 1929, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi đó chỉ là một chàng thanh niên bắt đầu làm việc tại Nhà xuất bản Quan Hải Tùng Thư do đồng chí Đào Duy Anh sáng lập; và tham gia viết báo Tiếng Dân của nhà yêu nước Huỳnh Thúc Kháng tại Huế. Đồng chí Võ Nguyên Giáp viết nhiều bài chính luận về chính luận, xã hội, khoa học…
Sau khởi nghĩa Xô viết Nghệ Tĩnh 1930, thực dân Pháp tiến hành khủng bố trắng. Tháng 10.1930, Đại tướng Võ Nguyên Giáp bị mật thám bắt ở nhà in báo Tiếng Dân trong vụ “cứu tế Nghệ An Đỏ” bị tuyên án 2 năm tù, giam tại nhà lao Thừa Phủ (Huế). Cuối năm 1931, do có Hội Cứu tế Đỏ Pháp đấu tranh, đồng chí và một số người khác được trả tự do và đưa về quản thúc ở quê nhà Quảng Bình cho đủ hạn 2 năm theo án tù đã tuyên.
Năm 1936, đồng chí Võ Nguyên Giáp bước vào công việc làm báo cách mạng trong phong trào Mặt trận Dân chủ và cuộc vận động Đông Dương Đại hội sôi nổi những năm 1936-1939. Trong những năm 1936-1939, nghề chính của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là dạy học ở trường Thăng Long. Đại tướng vừa dạy Lịch sử vừa dạy Địa lý, đồng thời tiếp tục học trường Luật, nhưng phần lớn thời gian của Đại tướng Võ Nguyên Giáp lại dành cho hoạt động báo chí.
Năm 1936, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng bạn bè ra tờ báo bằng tiếng Pháp với tên gọi Le Travaill (Lao Động) ra số đầu tiên. Đồng chí Võ Nguyên Giáp trở thành một biên tập viên chính, được phân công viết khá nhiều đề tài như cổ vũ Đông Dương đại hội, Mặt trận Dân chủ, thời sự quốc tế, đời sống nông dân…
Giai đoạn 1941 – 1945, đồng chí Võ Nguyên Giáp hoạt động cách mạng và lấy báo chí là công cụ phục vụ nhiệm vụ chính trị. Đồng chí Võ Nguyên Giáp đã thấy được tác dụng to lớn của Báo Việt Nam Độc Lập, tuy đơn giản nhưng dễ đọc, dễ hiểu, có một sức hấp dẫn đặc biệt thúc đẩy mạnh mẽ quần chúng tiến lên con đường đấu tranh.
Học theo phong cách làm báo của Bác, đồng chí Võ Nguyên Giáp viết những bài tại Báo Việt Nam Độc Lập chữ to để đồng bào dễ đọc, bài viết ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ. Đồng chí Võ Nguyên Giáp và các cán bộ Việt Minh dựa vào nội dung tờ báo có thể dễ dàng truyền đạt những chủ trương, đường lối cách mạng đến quần chúng.
Đồng chí Võ Nguyên Giáp rất hiểu vai trò của báo chí cách mạng trong công tác vận động chính trị, giáo dục lòng yêu nước, tuyên truyền rộng rãi về chủ nghĩa cộng sản, về Đảng, về Liên Xô cho đồng bào, đồng chí. Từ đó, đồng bào đã hiểu Đảng Cộng sản là Đảng lãnh đạo cách mạng, Đảng sẽ giành lại độc lập tự do cho nước nhà, đem lại ấm no hạnh phúc cho quần chúng công nông lao khổ cho toàn thể các dân tộc.
Cũng thời gian này, đồng chí Võ Nguyên Giáp được Đảng Cộng sản Đông Dương và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giao nhiệm vụ chuẩn bị lực lượng vũ trang cho cuộc Tổng khởi nghĩa đang đến gần. Ngay sau chiến thắng đầu tiên của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã cho ra đời tờ báo viết tay với tên gọi là Tiếng súng reo.
Sau này, ông viết nhiều tác phẩm ở tầm tư tưởng chỉ đạo cho báo Việt Nam Độc Lập của Mặt trận Việt Minh. Ông còn làm chủ bút, chỉ đạo biên tập 5 số đầu tiên (từ 20/6 đến 5/8/1945) của báo Nước Nam mới của Khu Giải phóng. Ngoài ra, ông còn cho ra đời tờ Quân Giải phóng của Việt Nam Giải phóng quân. Số 1 của Quân Giải phóng ra đời ngày 5/8/1945, trên báo có bài quan trọng của Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp với bút danh là Trí Dũng.
Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, lập nên nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ngày 2/9/1945, đồng chí Võ Nguyên Giáp được Đảng giao đảm trách nhiều nhiệm vụ quan trọng trong quân đội. Thời gian này, ông vẫn tham gia hoạt động báo chí với những bài viết quan trọng, chủ yếu là chỉ đạo các vấn đề về lĩnh vực quân sự, quốc phòng, xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng từng bước phát triển vững mạnh.
Trong công việc báo chí, sở trường của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là viết chính luận, phân tích, bình luận tình hình thời sự – chính trị quốc tế, phê phán kinh tế chính trị học. Công tác thực tế thể hiện nhà báo Võ Nguyên Giáp đã trải qua hầu hết các khâu của nghề báo, từ viết xã luận, thời đàm nghị luận, điều tra, phóng sự, biên tập, duyệt bài, sắp xếp nội dung, cho tới bố cục, lên trang, trình bày, đưa nhà in, sửa morrasse và không ít khi cả việc phát hành báo…
Năm 1991, Hội Nhà báo Việt Nam tặng Huy hiệu dành cho những người đã từng có từ 25 năm làm báo trở lên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đón nhận phần thưởng này với ít nhiều những tự hào.
Một nhà báo Võ Nguyên Giáp
Nhiều ý kiến chia sẻ về nghề báo của Đại tướng được đăng trong bài báo “Mười lăm năm làm báo trước Cách mạng Tháng Tám” trên tạp chí Nhà báo và Công luận số tháng 8/1991 như: “Nghề báo là một nghệ thuật đầy hứng thú. Sau này, khi chuyển qua công tác quân sự, tôi thấy làm một số báo cũng giống như tổ chức một trận đánh hiệp đồng. Đó là một công việc luôn luôn khẩn trương, phải phát hiện kịp thời mưu đồ, thủ đoạn của giai cấp thống trị, yêu cầu, tâm lý đa dạng và thường xuyên thay đổi của bạn đọc, nguyện vọng sâu xa của nhân dân, để biết mình phải làm gì. Tính thời gian rất quan trọng. Có được tin sớm để đăng đã khó. Nhưng khó hơn nhiều là nghệ thuật đưa vấn đề đúng lúc, tác dụng sẽ được nhân lên gấp bội. Nội dung đương nhiên cần được bảo đảm chính xác, chặt chẽ, nhưng hiệu quả đối với người đọc thường lại do cách diễn đạt, trình bày quyết định. Bố cục không hợp lý sẽ làm giảm hiệu quả của một số báo có nhiều bài hay. Những bài chính, phụ, ngắn, dài, nặng, nhẹ, phải kết hợp với nhau một cách hữu cơ, tạo nên sự hài hòa như những màu sắc của một tác phẩm hội họa, mới mang lại hứng thú cho người đọc. Đặt tên cho một bài báo rất khó. Tôi thường mất nhiều thời gian cân nhắc tìm những kiểu chữ thích hợp cho đầu đề một bài báo chỉ vài ba dòng. Dòng thứ hai thường quan trọng nhất, nhưng các dòng khác không thể coi nhẹ vì phải góp phần tạo nên một chỉnh thể. Những kiểu chữ lớn, nhỏ, béo, gầy, đứng hoặc nghiêng – đều có vai trò và hiệu lực riêng của nó trên trang báo mà người làm báo không thể không biết tới. Nghề làm báo hao tâm tổn trí, gian khổ, nhưng người làm báo được đền bù xứng đáng là niềm vui khi thấy tác dụng và hiệu quả của tờ báo trong đông đảo bạn đọc”.
Hơn 91 năm đấu tranh cách mạng của nhân dân ta từ ngày có Đảng sẽ mãi mãi được khắc ghi bằng những trang sử vàng chói lọi trong lịch sử đấu tranh oanh liệt hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc, cùng với sự lớn mạnh của báo chí cách mạng Việt Nam, báo chí cách mạng Việt Nam đã sớm ra đời và không ngừng phát triển đóng góp xứng đáng vào việc cổ vũ cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân hăng hái thi đua hưởng ứng các phong trào hành động cách mạng, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thực hiện mục tiêu xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Ôn lại lịch sử Đại tướng Võ Nguyên Giáp với báo chí cách mạng Việt Nam, để thấy được những chặng đường phát triển và là những bài học kinh nghiệm quý báu trong hoạt động thực tiễn của từng giai đoạn báo chí cách mạng Việt Nam; giúp cho cán bộ, đảng viên, phóng viên, biên tập viên, nhân viên và đội ngũ những người làm báo chân chính, nhân dân trên cả nước hiểu, nhận thức đúng đắn về vai trò và tình cảm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đối với quê hương cội nguồn cách mạng.
Đồng thời đáp ứng nhu cầu giáo dục, củng cố niềm tin, nâng cao lòng tự hào của các thế hệ cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân, tiếp tục phát huy mạnh mẽ truyền thống tốt đẹp, tích cực học tập, rèn luyện không ngừng, đổi mới góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Đông Dương