Đội ngũ trí thức KH&CN Việt Nam triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng
Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 03:00, 16/09/2021
Hội nghị có 140 đại biểu tham dự trực tiếp tại điểm cầu Hà Nội và khoảng 2.000 đại biểu tham dự trực tuyến. Tham dự tại điểm cầu Bắc Ninh có các đồng chí: Nguyễn Hương Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Ngô Tân Phượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, các Sở, ngành liên quan.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Đảng, Nhà nước luôn đánh giá cao sự nỗ lực và những kết quả của đội ngũ trí thức KHCN Việt Nam
Tại Hội nghị, đại diện Liên hiệp Hội KH&KT Việt Nam đã báo cáo kết quả nổi bật thời gian qua. Từ năm 2015-2020, toàn hệ thống chủ động thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội VII của Liên hiệp Hội Việt Nam và đạt được những kết quả tích cực. Cụ thể, có hơn 7.000 công trình, đề tài, giải pháp kỹ thuật tham dự với gần 1.500 công trình đạt giải thưởng của Quỹ VIFOTEC; hơn 400 trí thức được tôn vinh và trao biểu trưng Trí thức KH&CN tiêu biểu. Các hội thành viên của Liên hiệp Hội thực hiện hơn 3.000 nhiệm vụ tư vấn, phản biện xã hội liên quan đến các chủ trương, chính sách, các dự thảo văn kiện của Đảng và Nhà nước, dự án đầu tư; đẩy mạnh hoạt động truyền thông, phổ biến kiến thức KH&CN; thúc đẩy các hoạt động xã hội hóa nghiên cứu, chuyển giao khoa học về bảo vệ môi trường, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, chăm sóc sức khỏe nhân dân…
Hiện Liên hiệp Hội là nơi tập hợp đội ngũ trí thức KH&CN với 153 hội thành viên, quy tụ khoảng 3,7 triệu hội viên, chiếm 32,4% trí thức KH&CN cả nước. Trong thời gian tới, Liên hiệp Hội phấn đấu củng cố sức mạnh, giữ vai trò nòng cốt trong tập hợp, đoàn kết, phát huy trí tuệ sáng tạo của đội ngũ trí thức KH&CN, xứng đáng đại diện cho ý chí và nguyện vọng của đội ngũ trí thức KH&CN Việt Nam. Đồng thời, tiếp tục xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII với 5 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm; đa dạng hóa các hình thức hợp tác và nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác quốc tế, hình thành diễn đàn phù hợp nhằm tạo cơ chế thu hút trí thức KH&CN người Việt Nam ở nước ngoài tham gia vào các hoạt động của Liên hiệp Hội Việt Nam phục vụ phát triển đất nước…
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, Liên hiệp Hội Việt Nam đã phát huy tối đa vai trò hạt nhân tập hợp, đoàn kết, phát huy sức mạnh, có nhiều tư vấn với chiến lược phát triển kinh tế xã hội và các dự án đầu tư trọng điểm trong nước, thu hút đông đảo đội ngũ trí thức người Việt Nam, người nước ngoài tham gia công cuộc phát triển đất nước, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, mở rộng quan hệ hữu nghị giữa đội ngũ trí thức KHCN Việt Nam với đội ngũ trí thức trên thế giới, góp phần nâng cao hình ảnh, uy tín của Việt Nam.
Liên hiệp Hội Việt Nam và các tổ chức thành viên ngày càng chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, triển khai sâu rộng và nâng cao chất lượng hoạt động. Liên hiệp Hội Việt Nam cũng có nhiều cố gắng, nỗ lực đổi mới và đa dạng hoá các hình thức tập hợp trí thức, tham mưu,tư vấn, phản biện và giám định xã hội; tham gia xây dựng pháp luật, góp ý đối với các dự thảo Văn kiện Đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng; đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng KHCN, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Đồng thời, là một trong những cái nôi ươm mầm KHCN hiệu quả, môi trường thuận lợi để tập hợp đội ngũ trí thức KHCN trong và ngoài nước phát huy tinh thần yêu nước, trách nhiệm công dân của đội ngũ trí thức, nơi để các trí thức KHCN thể hiện trí tuệ, sức sáng tạo và có những đóng góp tích cực cho đất nước. Đảng, Nhà nước luôn đánh giá cao sự nỗ lực và những kết quả của đội ngũ trí thức KHCN Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính gợi mở đặt hàng các nhà khoa học, các cơ quan nghiên cứu một số vấn đề mang tính chiến lược của đất nước như: tổ chức tổng kết thực tiễn, bổ sung lý luận về “xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa”, “xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”, “xây dựng nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa”; vấn đề khai thác nguồn lực từ sức mạnh đoàn kết dân tộc, lịch sử văn hóa; vấn đề biến đổi khí hậu, an ninh phi truyền thống; các vấn đề về già hóa dân số, phát triển nền kinh tế tri thức, phát triển bền vững, thích ứng với bối cảnh dịch bệnh; vấn đề chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số… Đặc biệt là những vấn đề cấp bách, bất ngờ trước mắt như phòng, chống COVID-19, phát triển vắc xin, công nghiệp dược…
Đề nghị các địa phương cần quan tâm tới công tác nghiên cứu khoa học, các công trình khoa học, khiêm tốn, cầu thị, lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học đối với các vấn đề phát triển kinh tế – xã hội của địa phương; thực hiện tốt nhiệm vụ huy động hợp tác công tư trong nghiên cứu khoa học, lấy nguồn lực Nhà nước kích hoạt nguộc lực của tư nhân, nguồn lực của xã hội; đẩy mạnh tuyên truyền thành tựu, ứng dụng KH&CN làm sao cho “dân biết, dân tin, dân hiểu, dân làm”, góp phần đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững.
Hoàng Dương