Ô nhiễm môi trường từ khai thác khoáng sản (Bài 3): Giải pháp nào hiệu quả?
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 13:00, 05/12/2020
Theo các nhà khoa học và chuyên gia về ngành khai khoáng, để quyết định đưa một mỏ vào khai thác cần phải xem xét thận trọng giữa lợi ích trước mắt cũng như lợi ích lâu dài, bảo đảm các yêu cầu phát triển bền vững.
Ô nhiễm môi trường từ hoạt động khai thác than
Trước hết, nên khai thác mỏ ít chất thải. Bởi một thách thức lớn phải giải quyết trong quá trình khai thác mỏ là quản lý chất thải rắn trong mỏ. Ngành công nghiệp khai thác mỏ hàng năm tạo ra một khối lượng đất đá thải rất lớn do phải bóc lớp đất phủ và quặng nghèo không đáp ứng yêu cầu chế biến trong khai thác lộ thiên. Trong đất đá thải chứa nhiều tạp chất khác nhau nên phải được quản lý theo một quy trình nghiêm ngặt để ngăn ngừa ô nhiễm nước mặt và nước ngầm.
Việc chuyển đổi từ khai thác lộ thiên sang hầm lò sẽ hạn chế và giảm thiểu tác động đến môi trường, khắc phục tình trạng ô nhiễm nước mặt cũng như nước ngầm do đất đá thải gây ra. Tài nguyên khoáng sản ở độ sâu vừa phải được khai thác bằng phương pháp lộ thiên ở giai đoạn trước, nay đã cạn kiệt nên phải khai thác tài nguyên khoáng sản ở độ sâu lớn nằm trong lòng đất bằng phương pháp hầm lò.
Hiện nay, các mỏ than Quảng Ninh đang phải lựa chọn phương pháp khai thác hầm lò hoặc phương pháp kết hợp lộ thiên và hầm lò để khai thác than trong điều kiện than ở độ sâu không lớn đang cạn kiệt và đáp ứng nhu cầu tăng sản lượng hàng năm.
Khai thác mỏ cần được tối ưu hóa, vì nước phải được tiêu thụ, sử dụng có hiệu quả, đồng thời áp dụng công nghệ tái sử dụng nước một cách tối đa. Các thiết bị sử dụng trong mỏ phải bảo đảm yêu cầu tiêu hao năng lượng thấp, mạnh dạn thay thế thiết bị cũ, lạc hậu không bảo đảm yêu cầu tiết kiệm năng lượng và thải ít chất thải ra môi trường xung quanh.
Các doanh nghiệp sau khi khai thác có nghĩa vụ đóng cửa mỏ, bảo đảm mục đích loại bỏ những tác động lâu dài đến môi trường, phục hồi lại đất đai để có thể đáp ứng yêu cầu trồng trọt, canh tác hoặc các mục đích phù hợp khác, bảo đảm việc sử dụng đất được phê duyệt, bảo đảm cảnh quan được trở lại trạng thái ban đầu trước khi khai thác.
Hiện nay, công nghiệp khai khoáng đang đối mặt với nhiều thách thức, phải giải quyết. Trong đó, các doanh nghiệp cần chủ động đổi mới công nghệ, hướng tới công nghệ sạch, đó là giải pháp quan trọng nhằm đạt mục tiêu phát triển bền vững. Ngoài ra, các cơ sở sản xuất sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản phải hướng tới công nghệ sử dụng tiết kiệm tài nguyên, làm giảm áp lực gia tăng lượng khoáng sản.
Đồng thời, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật và đưa ra các sáng kiến, giải pháp phù hợp trong quá trình khai thác mỏ, bảo đảm phát triển bền vững ngành khai khoáng trong quá trình CNH-HĐH đất nước.
Trọng Nhân