Bế mạc Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 10:30, 07/10/2021
Tại Hội nghị, các đồng chí ủy viên Trung ương và các đồng chí tham dự Hội nghị đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, phát huy dân chủ, trí tuệ, thẳng thắn thảo luận sôi nổi, đóng góp nhiều ý kiến rất tâm huyết và quan trọng vào các báo cáo và đề án do Bộ Chính trị và Ban Cán sự Đảng Chính phủ trình Trung ương.
Bộ Chính trị đã tiếp thu những ý kiến xác đáng và giải trình những vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất cao thông qua các nghị quyết, kết luận của Trung ương.
Phát biểu bế mạc, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chia sẻ dự báo trong năm 2022, tình hình dịch bệnh trên thế giới và ở Việt Nam còn diễn biến phức tạp, khó lường; có thể còn bùng phát các đợt dịch mới với những biến chủng mới, lây lan nhanh hơn và nguy hiểm hơn.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII – Ảnh: VGP
Thế giới khó có thể kiểm soát dịch bệnh một cách tuyệt đối; do đó cần phải có chính sách, biện pháp phù hợp để phòng, chống, “thích ứng an toàn, linh hoạt” hoặc “sống chung” với dịch.
Tổng bí thư cho biết, hội nghị đặc biệt nhấn mạnh từ bài học kinh nghiệm trong nước và quốc tế đúc rút được thời gian qua, cần phải đổi mới tư duy, nhận thức đúng đắn hơn về phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh gắn với duy trì, phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh để xây dựng các phương án, kịch bản phù hợp.
Các phương án, kịch bản này sẽ được đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, tài chính – ngân sách nhà nước, đầu tư công năm 2022 sao cho sát hợp, khả thi nhất có thể.
Quang cảnh phiên bế mạc Hội nghị.
Về tình hình kinh tế – xã hội, Tổng bí thư nói đất nước đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức lớn, có thể còn tiếp tục kéo dài trong những tháng cuối năm 2021 và năm 2022.
Trong 9 tháng qua, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ tăng 1,82% so với cùng kỳ… Tuy nhiên, do hậu quả nặng nề bởi đợt bùng phát dịch lần thứ 4, kinh tế quý III tăng trưởng âm 6,17% so với cùng kỳ năm 2020, làm cho tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm chỉ đạt 1,42%, là mức thấp nhất từ năm 2000 đến nay; dự báo cả năm chỉ đạt khoảng 3%, thấp xa so với mục tiêu Quốc hội đề ra (6%).
Các hoạt động sản xuất kinh doanh, việc học tập, nhất là học trực tuyến của học sinh, sinh viên và đời sống của người lao động trên hầu hết các lĩnh vực gặp nhiều khó khăn; không ít doanh nghiệp phải dừng hoạt động, thậm chí bị giải thể, phá sản. Nợ xấu ngân hàng có khả năng tăng cao; tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với thị trường tài chính – tiền tệ, thị trường lao động, ổn định kinh tế vĩ mô, môi trường đầu tư kinh doanh.
Đời sống của nhân dân, sức chống chịu của người lao động ở vùng dịch bị ảnh hưởng rất nặng nề; nẩy sinh nhiều vấn đề phức tạp về tâm lý, tâm trạng xã hội, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
“Dự báo không hoàn thành được nhiều mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu đã đề ra cho năm 2021”, Tổng bí thư nói.
Phân tích nguyên nhân, Tổng bí thư nêu bên cạnh tác động của dịch bệnh là chủ yếu, cũng có nguyên nhân chủ quan trong phòng, chống dịch bệnh; có lúc, có nơi còn lơ là, chủ quan, bị động, lúng túng hoặc cứng nhắc, thiếu thống nhất, đồng bộ trong lãnh đạo, chỉ đạo xử lý các tình huống cụ thể, đột xuất.
Ông cũng nêu rõ còn hạn chế, bất cập trong dự báo, phân tích tình hình để xây dựng và triển khai thực hiện có bài bản các phương án ngắn hạn cũng như dài hạn, vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế – xã hội.
Lãnh đạo Đảng yêu cầu trong những tháng cuối năm 2021, cần phải khẩn trương xây dựng và tổ chức thực hiện các phương án, kịch bản cụ thể, sát hợp hơn với thực tế tình hình hiện nay và có tính khả thi cao. “Phấn đấu kiểm soát về cơ bản được dịch bệnh trên phạm vi toàn quốc trong thời gian sớm nhất có thể để khôi phục, phát triển kinh tế – xã hội”, ông nói.
Trên cơ sở kế hoạch kinh tế – xã hội năm 2022 và chủ trương, định hướng phòng, chống dịch trong tình hình mới, Tổng bí thư nêu rõ việc cơ cấu lại một số ngành, lĩnh vực quan trọng và DN đang bị tác động trực tiếp bởi dịch Covid-19 như: thương mại, dịch vụ, hàng không, du lịch…
Các cơ quan cần có giải pháp bảo vệ các doanh nghiệp trong các lĩnh vực chủ đạo của nền kinh tế, cũng như tránh sự đổ vỡ của các tập đoàn kinh tế lớn (cả nhà nước và tư nhân), có thể dẫn đến sự đổ vỡ dây chuyền trong nền kinh tế; không để nền kinh tế bị lỡ nhịp trong xu hướng hồi phục kinh tế thế giới cũng như quá trình tái cấu trúc chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Tổng bí thư nhấn mạnh việc sớm nghiên cứu, xây dựng kịch bản tăng trưởng mới cho thời kỳ “hậu Covid-19”, các giải pháp tổng thể kích thích nền kinh tế, hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động, không để suy giảm các động lực tăng trưởng trong dài hạn.
Tại hội nghị, Trung ương đồng tình về cơ bản với mục tiêu tổng quát và những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cho năm 2022 do Ban cán sự đảng Chính phủ đề xuất, trong đó có việc lùi thời điểm thực hiện lộ trình cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết Trung ương 7 (khoá XII).
Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) khai mạc sáng ngày 4/10, cho ý kiến về công tác phòng, chống dịch Covid-19; tình hình kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước.
Hội nghị cũng cho ý kiến về tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ; sửa đổi, bổ sung quy định về những điều đảng viên không được làm…
Hoàng Anh