Xử lý chất thải nhựa ở khu vực biển Đông Á
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 05:00, 27/11/2020
Hội nghị các giải pháp về chất thải nhựa khu vực các Biển Đông Á năm 2020 (SEA of Solutions) đã diễn ra diễn ra bằng hình thức trực tuyến và trực tiếp từ ngày 24 -26.11. Hội nghị là sự kiện thường niên do Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) và Cơ quan Điều phối các Biển Đông Á (COBSEA) phối hợp với các quốc gia tổ chức luân phiên tại Đông Nam Á nhằm trở thành nền tảng trao đổi các giải pháp và hợp tác nhằm giải quyết vấn nạn ô nhiễm nhựa.
Thứ trưởng Lê Minh Ngân phát biểu tại hội nghị
Tại Hội nghị, lãnh đạo Việt Nam và đại diện một số lãnh đạo Chính phủ các nước ASEAN+3 đến từ Indonesia, Malaysia, Mianma, Nhật Bản, Hàn Quốc… và các tổ chức trong nước và quốc tế đã chia sẻ nguy cơ ô nhiễm chất thải nhựa và rác thải nhựa đại dương cũng như tầm quan trọng của những nỗ lực quốc gia và hợp tác quốc tế trên cơ sở tiếp cận có hệ thống đối với các nguồn ô nhiễm khác nhau, cả trên đất liền và từ biển. Các đại biểu cũng nhấn mạnh việc cần có sự phối hợp hiệu quả giữa các lĩnh vực khác nhau và ở các cấp độ khác nhau, các khu vực kinh tế-xã hội khác nhau (bao gồm các khu vực công, khu vực tư nhân, xã hội dân sự, các tổ chức của người dân) để cùng thực hiện các hành động cụ thể nhằm giải quyết thách thức ô nhiễm nhựa và rác thải nhựa đại dương.
Phát biểu tại điểm cầu Hà Nội vào chiều 26/11, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân bày tỏ niềm vinh dự khi Việt Nam được cùng với Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc, Cơ quan điều phối các biển Đông Á tổ chức Hội nghị. Đây cũng là một trong những sự kiện quan trọng trong chuỗi các sự kiện Việt Nam đăng cai tổ chức trong năm đảm nhiệm Chủ tịch ASEAN.
Theo Thứ trưởng Lê Minh Ngân, việc sản xuất, tiêu dùng sản phẩm nhựa không bền vững đã trở thành một mối đe dọa to lớn đối với hệ sinh thái và môi trường trên đất liền, ven biển cũng như đại dương. Để vượt qua thách thức này, tất cả các bên, bao gồm những nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý, các doanh nhân, người tiêu dùng phải cùng chung tay thay đổi một cách hệ thống cách thức sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nhựa.
Từ những nỗ lực của Việt Nam để ứng phó với ô nhiễm nhựa, đặc biệt là khi Việt Nam đã có những thành tích nổi bật được thế giới công nhận trong việc kiềm chế, ngăn chặn đại dịch COVID-19, Thứ trưởng Lê Minh Ngân hy vọng thời gian tới, các quốc gia và tổ chức quốc tế sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong công cuộc phòng ngừa, giảm thiểu rác thải nhựa. Qua đó, đóng góp cho nỗ lực toàn cầu để ứng phó với một trong những thách thức lớn nhất trong của thời đại chúng ta, vì một thế giới phát triển bền vững.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Minh Ngân và đại diện Chính phủ các nước ASEAN+3, các tổ chức trong nước và quốc tế đã chia sẻ với nhau về nguy cơ ô nhiễm chất thải nhựa và rác thải nhựa đại dương cũng như tầm quan trọng của những nỗ lực quốc gia và hợp tác quốc tế trên cơ sở tiếp cận có hệ thống đối với các nguồn ô nhiễm khác nhau, cả trên đất liền và từ biển. Các đại biểu nhấn mạnh việc cần thiết phải có sự phối hợp hiệu quả giữa các lĩnh vực ở các cấp độ khác nhau (bao gồm các khu vực công, khu vực tư nhân, xã hội dân sự, các tổ chức của người dân) để cùng thực hiện các hành động cụ thể nhằm giải quyết thách thức ô nhiễm nhựa và rác thải nhựa đại dương.
Hội nghị các Giải pháp về xử lý chất thải nhựa khu vực các biển Đông Á năm 2020 được tổ chức trong ba ngày, từ ngày 24 đến ngày 26/11, bao gồm 4 phiên toàn thể và 10 phiên chuyên đề liên quan đến các giải pháp nhằm giảm lãng phí nhựa, ngăn ngừa việc xả thải gây ô nhiễm biển.
Trọng Nhân