Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc
Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 03:30, 18/11/2021
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta giành thắng lợi, buộc Pháp phải ký vào Hiệp định Giơnevơ năm 1954, tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất vào toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam. Hiệp định Giơnevơ ký chưa ráo mực, Mỹ nhảy vào miền Nam Việt Nam dựng lên chính quyền tay sai, hòng biến nước ta thành thuộc địa kiểu mới, chia cắt lâu dài đất nước ta. Với đặc điểm đất nước tạm thời chia cắt làm hai miền với hai chế độ chính trị khác nhau, Đảng Lao động Việt Nam đã đề ra đường lối tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng: Cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, thực hiện một mục tiêu chung là độc lập, thống nhất nước nhà.
Ngày 10/9/1955, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ra đời với mục đích “đoàn kết mọi lực lượng dân tộc và dân chủ, đấu tranh đánh bại đế quốc Mỹ xâm lược và tay sai, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”. Phát biểu tại Đại hội thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Lịch sử trong những năm qua đã tỏ rõ lực lượng đoàn kết của nhân dân là vô địch và Mặt trận dân tộc thống nhất đã nhiều lần thắng lợi”.
Đại hội Mặt trận Dân tộc thống nhất toàn quốc diễn ra từ ngày 5-10/9/1955 tại Hà Nội, quyết định thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Trong ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại phiên khai mạc Đại hội, ngày 5/9/1955. (Nguồn: Tư liệu TTXVN)
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là một hình thức tổ chức của Mặt trận dân tộc thống nhất, kế tục sự nghiệp đoàn kết toàn dân của các hình thức tổ chức trước đó. Ngày 18/11/1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra Chỉ thị thành lập Hội phản đế đồng minh – hình thức đầu tiên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Trải qua các thời kỳ cách mạng với những hình thức tổ chức và tên gọi khác nhau (Hội Phản đế đồng minh, Mặt trận Dân chủ Đông Dương, Mặt trận Dân tộc Thống nhất Phản đế Đông Dương, Mặt trận Việt Minh, Mặt trận Liên Việt…), Mặt trận Tổ quốc Việt Nam không ngừng lớn mạnh và có những đóng góp to lớn với dân tộc, trở thành một trong những nhân tố quan trọng trong mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Ngày 8/1/1962, phát biểu tại lớp bồi dưỡng cán bộ về công tác Mặt trận, Người còn chỉ rõ: “Chính sách Mặt trận là một chính sách rất quan trọng. Công tác Mặt trận là một công tác rất quan trọng trong toàn bộ công tác cách mạng… Trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân cũng như trong cách mạng xã hội chủ nghĩa, Mặt trận Dân tộc thống nhất vẫn là một trong những lực lượng to lớn của cách mạng Việt Nam”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chung vui ngày hội đại đoàn kết với bà con xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phát huy tác dụng to lớn của mình trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước cũng như trong sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Mặt trận Tổ quốc Việt nam đã động viên đồng bào và chiến sĩ nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng đánh thắng chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ và hết lòng hết sức đáp ứng các yêu cầu của cuộc đấu tranh yêu nước của đồng bào miền Nam. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tích cực tham gia cải tạo Xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp nhỏ và giúp đỡ các nhà tư sản dân tộc thông suốt chính sách làm cho cuộc cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh tiến hành thuận lợi, đạt kết quả. Mặt trận đã tích cực góp phần phát huy quyền làm chủ của nhân dân, ra sức động viên nhân dân tham gia bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, xây dựng chính quyền cách mạng, phát triển sản xuất, xây dựng kinh tế, thực hiện nếp sống mới, xây dựng con người mới.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các hình thức tổ chức của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở miền Bắc cùng Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng Dân tộc Dân chủ và Hòa bình Việt Nam ở miền Nam đã đoàn kết sức mạnh của mọi người dân Việt Nam thành sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn kết dân, đánh bại đế quốc Mỹ xâm lược, thu non sông liền một dải, Bắc – Nam sum họp một nhà.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với đồng bào các dân tộc xã Ba, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam. (Ảnh: TTXVN)
Sau khi cả nước được độc lập, sự thống nhất và toàn vẹn Tổ quốc đòi hỏi hợp nhất 3 tổ chức mặt trận. Nhằm đáp ứng yêu cầu của giai đoạn cách mạng mới, Đại hội Mặt trận Dân tộc thống nhất họp từ 31/1 đến 4/2/1977 tại thành phố Hồ Chí Minh đã thống nhất ba tổ chức Mặt trận ở hai miền Nam Bắc nước ta thành một tổ chức Mặt trận Dân tộc thống nhất duy nhất lấy tên là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bao gồm các đoàn thể thành viên: Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu Chiến binh Việt Nam… có vai trò rất quan trọng trong việc củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, tạo nên sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong nhân dân, thắt chặt mật thiết giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước để thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới.
Điều 9 của Hiến pháp nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2013) quy định: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo và người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Từ khi đất nước thống nhất, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giữ vai trò quan trọng trong việc củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ cách mạng mới. Sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta là một quá trình lâu dài, trải qua nhiều chặng đường và tồn tại nhiều thành phần kinh tế, đại diện cho mỗi thành phần kinh tế là một bộ phận trong nhân dân, một lực lượng xã hội. Cùng với sự phát triển kinh tế là sự phân hóa giàu nghèo; nhiều tổ chức xã hội, nghề nghiệp ra đời; sự phát triển của khoa học kỹ thuật, công nghệ; sự giao lưu văn hóa tác động đến lối sống và cách nghĩ của mỗi người và của mọi tầng lớp trong xã hội; âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch… Do vậy, việc nâng cao vai trò của Mặt trận trong hệ thống chính trị và đời sống xã hội là một yêu cầu của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Vì vậy, ngày 9/6/2015, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII đã thông qua Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Trong điều 1, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã khẳng định: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong thời kỳ cả nước xây dựng chủ nghĩa xã hội và tiến hành công cuộc đổi mới, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã không ngừng được củng cố, hoàn thiện về tổ chức, đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động, tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong mọi mặt đời sống kinh tế – chính trị – xã hội. Thực hiện dân chủ, đại diện, bảo vệ quyên và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; giám sát và phản biện xã hội, tham gia phòng, chống tham nhũng, lãng phí, góp phần xây dụng Đảng, chính quyền trong sạch vũng mạnh. Triển khai nhiều hoạt động rộng rãi và thiết thực, đóng góp to lớn vào việc giải quyết những vấn đề quốc kế dân sinh, tháo gỡ các bức xúc trong nhân dân, phát huy mạnh mẽ dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội, tích cực tham gia xây dựng Ðảng và hệ thống chính trị, phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh, đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế. Năm 2020 và 2021, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tổ chức Mặt trận các cấp đã góp phần to lớn vào việc huy động sức mạnh toàn dân, khơi dậy tinh thần đoàn kết, truyền thống tương thân, tương ái, nhân văn, nghĩa tình của dân tộc ta trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 cũng như trong việc giúp đỡ, ủng hộ đồng bào miền Trung khắc phục, vượt qua nhiều mất mát, đau thương do hậu quả của những đợt bão, lũ lụt liên tiếp xảy ra.
Trải qua chặng đường 91 năm hình thành và phát triển, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu:
Thứ nhất, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với Mặt trận là nhân tố quyết định để tập hợp mọi lực lượng, xây dựng thành công khối đại đoàn kết dân tộc.
Thứ hai, lấy “dân là gốc”, mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng Mặt trận Dân tộc thống nhất trên cơ sở thực hiện mục tiêu và đường lối chính trị đúng đắn của Ðảng.
Thứ ba, thường xuyên đổi mới các hình thức, phương thức tập hợp quần chúng nhân dân phù hợp với điều kiện, yêu cầu, mục tiêu và nhiệm vụ cách mạng của từng thời kỳ lịch sử; luôn lắng nghe tâm tư, thấu hiểu nguyện vọng của quần chúng nhân dân, sát hợp với đặc thù của các giai tầng trong xã hội.
Thứ tư, kiên quyết đấu tranh chống sự chia rẽ dân tộc của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị, tuyên truyền, gieo rắc hoài nghi về tính chính nghĩa của các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, phủ định những thành tựu của cách mạng và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, xuyên tạc chủ nghĩa Mác-Lê-nin, chủ trương, đường lối của Ðảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã góp phần to lớn làm nên những thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp cách mạng của Ðảng và dân tộc; bằng việc khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, đại đoàn kết toàn dân tộc, ý chí tự cường và khát vọng phát triển, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chúng ta sẽ có những động lực và nguồn lực to lớn để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam thân yêu trong giai đoạn mới.
Hoàng Anh