Hội nghị Ngoại giao 31: Thủ tướng nêu phương châm 14 chữ cho ngành ngoại giao

Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 09:48, 15/12/2021

Moitruong.net.vn – Bất chấp ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 trong thời gian qua, ngành ngoại giao Việt Nam vẫn hoàn thành các nhiệm vụ trong các tổ chức hợp tác quốc tế, nắm chắc tình hình dự báo chiến lược, tham mưu cho Đảng và Nhà nước về các công tác đối nội và đối ngoại.

Đó là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31 sáng 15/12, tại Hà Nội. Trong đó, Thủ tướng đánh giá cao chiến lược ngoại giao vaccine thời gian qua, đã đóng góp lớn giúp Việt Nam chuyển sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả đại dịch.

Ngoại giao vaccine đạt hiệu quả lớn

Cụ thể, trong bài phát biểu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thông tin, cho đến nay Việt Nam đã triển khai tiêm vaccine Covid-19 mũi 1 gần 97%, mũi 2 gần 80%, tiêm cho học sinh 12-17 tuổi được tương đối, và đang báo cáo các cấp có thẩm quyền để chuẩn bị tiêm vaccine cho trẻ từ 5 tuổi trở lên. Đồng thời Thủ tướng khẳng định ngành ngoại giao đã đóng góp rất lớn trong vận động các nguồn vaccine từ quốc tế.

“Hiện nay vaccine vẫn đang về cấp tập. Có những nước sẵn sàng viện trợ cho ta gần chục triệu liều vaccine trong tháng 12/2021 và tháng 1/2022. Với tinh thần nhượng vaccine, viện trợ vaccine và vay vaccine, hay nói tóm lại là tất cả những gì làm được về mặt ngoại giao thì các đồng chí đều làm. Chúng tôi đánh giá rất cao về chiến lược ngoại giao vaccine và trang thiết bị y tế của ta rất hiệu quả”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng đánh giá chiến lược hiệu quả trong ngoại giao vaccine góp phần giúp Việt Nam từng bước tự tin tiến hành thay đổi trạng thái từ Zero-Covid sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả đại dịch. “Ngành ngoại gia đóng góp lớn về hình thành triết lý chống dịch bao gồm cách ly, xét nghiệm và điều trị”, Thủ tướng cho biết. Từ đó, Việt Nam đã xây dựng công thức chống dịch 5K + vaccine, thuốc điều trị, các biện pháp điều trị, công nghệ…

Bên cạnh đó, bất chấp có thời điểm đứt gãy chuỗi cung ứng và thị trường lao động do dịch bệnh, niềm tin tưởng, quý trọng của cộng đồng doanh nghiệp quốc tế đối với Việt Nam vẫn thể hiện rõ tại các sự kiện quốc tế. Thủ tướng cho biết, tại Hội nghị COP26 ở Anh vừa qua, nhiều tập đoàn sử dụng lao động lớn đều đến gặp đoàn Việt Nam để cảm ơn.

14 chữ cho ngành ngoại giao

Cũng tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề cập tới những vấn đề mang tính toàn cầu cũng như các vấn đề trong nước trong giai đoạn mới. Theo đó, để phát huy vai trò hiệu quả của ngoại giao trong bối cảnh này, người đứng đầu Chính phủ nhận định, ngành ngoại giao phục vụ cần coi lợi ích quốc gia dân tộc là tối thượng, đồng thời phải nhân ái và là thành viên có trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao tặng huân chương và bằng khen cho các
cá nhân có thành tích xuất sắc trong ngành ngoại giao.

“Những cái gì cốt lõi, quyền lợi chính đáng cần phải bảo vệ, nhưng cũng cần đóng góp bảo vệ lợi ích chính đáng của người khác. Đến lúc cần họ mới bảo vệ ta”, Thủ tướng lý giải.
Thủ tướng cũng nêu phương châm 14 chữ cho các nhà ngoại giao Việt Nam. Đó là: “Tình cảm, chân thành, tin cậy, bình đẳng, hiệu quả và cùng phát triển”.

Về “tình cảm”, Thủ tướng giải thích con người ai cũng có tình cảm nên các nhà ngoại giao phải “đánh sâu” cái này. Về “chân thành”, theo Thủ tướng, mọi thứ phải xuất phát từ tấm lòng, để có sự chia sẻ, cảm thông.

Thủ tướng cũng kỳ vọng các nhà ngoại giao Việt Nam phải thể hiện sự “tin cậy” để đối tác, các nước có lòng tin tưởng Việt Nam.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh ngoại giao việc “bình đẳng”, “không khúm núm trước nước lớn hay trịch thượng với các nước bé. Bình đẳng và tôn trọng để cùng phát triển”.

Cuối cùng là “hiệu quả và cùng phát triển” để các bên hướng tới sự phát triển hiệu quả chung.
Đề cập đến sự đổi mới tư duy trong ngành ngoại giao, Thủ tướng cho rằng, những vấn đề “dĩ bất biến” như độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, quyền và lợi ích hợp pháp cần sự kiên định, cương quyết; trong khi những điều được coi là “ứng vạn biến” lại cần phải linh hoạt, mềm mại, thích ứng, nhưng cũng phải đề cao tính hiệu quả, khoa học”.

Về 3 trụ cột phát triển ngoại giao, trước tiên là Ngoại giao chính trị, Thủ tướng cho rằng, cần khẳng định đường lối ngoại giao độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, làm bạn tốt, đối tác tin cậy với các nước, là thành viên có trách nhiệm trong cộng động quốc tế, tích cực thể hiện qua những hành động cụ thể.

“Chúng ta phải hành động và khẳng định điều này để có được sự tin tưởng và yêu quý của bạn bè quốc tế”, Thủ tướng cho biết.

Về Ngoại giao Kinh tế, cần góp phần xây dựng thể chế, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực hướng đến đẳng cấp quốc tế, thu hút công nghệ xanh sạch, tài chính xanh, kinh nghiệm quản trị quốc gia, thúc đẩy hệ sinh thái sáng tạo và khởi nghiệp… khôi phục và phát triển kinh tế xã hội.

Cuối cùng, trong Ngoại giao Văn hóa, Thủ tướng kêu gọi các nhà ngoại giao khẳng định với bạn bè quốc tế rằng Việt Nam coi trọng văn hóa cũng như các lĩnh vực quan trọng khác như kinh tế – xã hội.

Hồng Anh

   

Hồng Anh