Thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 00:30, 11/11/2020
Công tác bảo vệ môi trường mà cụ thể là việc thực hiện tiêu chí về môi trường và an toàn thực phẩm trong xây dựng nông thôn mới đã có bước khởi sắc một cách toàn diện. Thành công đó trước hết là nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương các cấp. Hầu hết lãnh đạo các tỉnh, huyện, xã nhận thức được vai trò, ý nghĩa của việc triển khai thực hiện các nội dung về môi trường, không chỉ mang lại bộ mặt nông thôn khang trang, sạch đẹp, mà chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn cũng không ngừng được nâng cao.
Ðường giao thông ở xã nông thôn mới Hải Quang, huyện Hải Hậu (Nam Ðịnh).
Sự gắn kết giữa người dân và người dân, giữa người dân và các tổ chức đoàn thể, giữa người dân và chính quyền ngày càng được cải thiện. Từ sự ổn định về chất lượng cuộc sống và sự củng cố mối quan hệ cộng đồng, các nguồn lực đầu tư cho phát triển nông thôn sẽ không ngừng được tăng cường.
Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, môi trường là một trong những tiêu chí khó, dễ biến động và phụ thuộc nhiều vào thói quen sinh hoạt của người dân địa phương, tập quán canh tác, sản xuất, chăn nuôi… Tiêu chí này bao gồm: Tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn quốc gia; các cơ sở sản xuất – kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường; không có các hoạt động gây suy giảm môi trường và có các hoạt động phát triển môi trường xanh – sạch – đẹp; nghĩa trang được xây dựng theo quy hoạch; chất thải, nước thải được thu gom và xử lý theo quy định.
Ngay từ các xã đều phải chủ động phát huy vai trò của hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm, huy động sự tham gia đóng góp của người dân, doanh nghiệp để từng bước phấn đấu đạt chuẩn các chỉ tiêu về môi trường. Các chi hội, đoàn thể chủ trì các phong trào, hoạt động thi đua giữ gìn đường ngõ xóm sáng, xanh, sạch, đẹp; trồng và chăm sóc tuyến đường hoa, cây xanh; lắp đặt thùng rác công cộng gắn với nền nếp thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải đúng quy định…
Trong chăn nuôi, các hộ gia đình và các chủ trang trại đã lắp đặt, xây dựng hầm biogas hay áp dụng công nghệ xử lý chất thải để sử dụng, góp phần giảm thiểu phần lớn chất thải, rác thải làm suy giảm môi trường. Cả nước cũng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động thường xuyên, liên tục tại cơ sở. Nhất là đối với các địa bàn vùng sâu, vùng xa, bà con còn nhiều thói quen, tập quán lạc hậu (chưa có nhà vệ sinh, chuồng trại gần nhà ở, còn giữ nếp sinh hoạt không gọn gàng, vệ sinh…). Đồng thời, đưa các quy định về bảo vệ môi trường và xây dựng cảnh quan vào các quy ước, hương ước để hình thành nền nếp chung, nghiêm túc cùng thực hiện; phát huy được vai trò giám sát của cộng đồng.
Minh Châu