TS. Hoàng Dương Tùng: Lấy bảo vệ môi trường là trung tâm của sự phát triển
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 11:30, 12/02/2021
Ô nhiễm không khí – Vấn đề nóng bỏng của xã hội
PV: Thưa ông, là một trong những chuyên gia về ô nhiễm không khí ở Việt Nam, TS đánh giá như thế nào về thực trạng không khí của Việt Nam hiện nay?
TS. Hoàng Dương Tùng: Trong những năm qua, vấn đề ô nhiễm không khí cũng nổi lên trở thành vấn đề nóng bỏng của xã hội. Qua các số liệu quan trắc từ các mạng lưới quan trắc thì số ngày ô nhiễm trong năm ngày càng nhiều, thậm chí có ngày AQI màu nâu, màu tím. Đặc biệt là Hà Nội, ô nhiễm không khí do nồng độ khói bụi dày đặc. Trong số đó, các hạt bụi mịn với kích thước nhỏ hơn 2,5 micron (PM 2.5) đáng được bận tâm nhất, vì chúng có khả năng xâm nhập sâu vào phổi, ảnh hưởng đến cả hệ hô hấp và hệ thống mạch máu, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.
Hiện nay, nhận thức của người dân về ô nhiễm không khí cũng tốt hơn. Những thông tin tuyên truyền, hoạt động chống ô nhiễm không khí cũng được nhiều hơn. Điều đó chứng tỏ rằng mọi người cũng đã quan tâm đến vấn đề không khí.
TS. Hoàng Dương Tùng – Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường. Ảnh Thế Đoàn
PV: Thời gian qua chúng ta đã đưa ra các giải pháp để kiểm soát nguồn thải nhưng tại sao không giảm được tình trạng ô nhiễm không khí mà tình hình lại gia tăng trong những năm gần đây, thưa ông?
TS. Hoàng Dương Tùng: Nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí của Hà Nội và các tỉnh là do các nguồn giao thông, xây dựng, công nghiệp và hoạt động dân sinh. Trong điều kiện khí tượng không thuận lợi như lặng gió, khí thải lưu cữu ở tầng thấp không phát tán được, gây ô nhiễm nghiêm trọng như mấy ngày đầu tháng 1 năm 2021. Tuy nhiên, khi như gió lớn chất lượng tốt hơn nhiều. Nói như vậy để thấy điều kiện thời tiết không phải là nguyên nhân gây ô nhiễm mà là yếu tố khách quan làm tăng hay giảm nồng bộ bụi được phát tán từ các hoạt động của con người.
Theo đánh giá của chúng tôi, nguồn gốc phát sinh bụi ở các đô thị là từ phương tiện giao thông như ô tô, xe máy; từ các hoạt động sản xuất công nghiệp tại các nhà máy, các làng nghề; từ các hoạt động xây dựng đô thị và từ đốt rác đốt rơm rạ sau thu hoạch. Tỉ lệ đóng góp của mỗi nguồn là bao nhiêu thì phải qua kiểm kê nguồn thải mới biết chính xác được. Hà Nội hiện có khoảng 6 triệu xe máy, 800 nghìn ôtô, đây là một trong những nguyên nhân chính. Bên cạnh đó, Hà Nội những năm qua đang trong quá trình phát triển “nóng” dẫn đến việc cả thành phố đang như một đại công trường xây dựng, chính vì thế đây cũng là nguồn gốc phát sinh bụi rất lớn.
Hay như việc đốt rác, nhiều địa phương như Thái Bình có hàng trăm lò đốt rác nhỏ, rác sinh hoạt. Đấy chính là những nguồn ô nhiễm khi không có công nghệ xử lý.
Những năm qua chúng ta có triển khai một số biện pháp, có ban hành luật, các nghị định về kiểm soát nguồn thải, rồi Quyết định 985a của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025; trong đó đã đưa ra một số chương trình hành động.
Tuy nhiên việc triển khai các biện pháp để giảm thiểu ô nhiễm không khí còn rất chậm, không mấy hiệu quả. Tôi nói ví dụ kiểm soát khí thải xe máy- là việc mà bất kỳ nước nào cũng phải làm, mặc dù Thủ tướng cũng đã có quyết định từ mấy năm trước nhưng cho đến nay vẫn không thực hiện được. Thanh tra xử phạt nhưng vẫn cho tồn tại, việc thực thi pháp luật không nghiêm. Hay đốt rơm rạ, rác đã nói nhiều nhưng không kiểm soát dù chuyện đó đang diễn ra hàng ngày. Các làng nghề tua tủa xả ống khói, mọi người nhìn thấy cả nhưng tại sao nó vẫn cứ ngang nhiên? Tình trạng đó đòi hỏi chúng ta cần có biện pháp quyết liệt. Đây là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước vì nó ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người dân.
Lấy bảo vệ môi trường là trung tâm của sự phát triển
PV: Ông nhận xét như thế nào về hệ thống quan trắc không khí ở Việt Nam?
TS. Hoàng Dương Tùng: Từ những năm 90 của thế kỷ trước, Việt Nam đã có hệ thống quan trắc tự động kết hợp với quan trắc định kỳ lấy mẫu và phân tích ở phòng thí nghiệm. Như vậy có thể nói việc quan trắc không khí để có số liệu và đánh giá chất lượng không khí từ rất sớm. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, sau nhiều năm xây dựng, hệ thống quan trắc không khí của chúng ta chưa phát triển được theo những gì mong muốn, còn xa mới đáp ứng được yêu cầu mặc dù đã có những quyết sách quan trọng như Quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường được Thủ tướng phê duyệt. Sau bao nhiêu năm phát triển, hiện nay, trạm quan trắc quốc gia của chúng ta vẫn chỉ dừng lại con số 7 trên cả nước.
Hiện nhiều địa phương cũng đã đầu tư để lắp thêm các trạm quan trắc như Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh,….Thế nhưng, việc chia sẻ số liệu quan trắc thì gần như là không có.
Như vậy có thể thấy, mạng lưới quan trắc quốc gia của chúng ta là chưa đủ, chưa có thể cung cấp được đầy đủ và chính xác về tình trạng không khí. Thứ 2 là về các trạm quan trắc địa phương, cũng có nhiều địa phương đã lắp trạm quan trắc nhưng các số liệu chưa được chia sẻ. Tôi nghĩ rằng chúng ta cần thúc đẩy phát triển xây dựng mạng lưới quan trắc nhiều hơn để có thể chia sẻ số liệu đến người dân được nhiều hơn.
PV: Ô nhiễm không khí đã thành vấn đề nóng, cần phải có sự cải thiện để đảm bảo cuộc sống của tất cả mọi người. Vấn đề quan tâm nhất hiện nay là giải pháp nào, công nghệ nào, phải dành nguồn lực ra sao để cải thiện để đảm bảo chất lượng cuộc sống, thưa ông?
TS. Hoàng Dương Tùng: Để giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí, Chính phủ Việt Nam đã có những biện pháp ngắn hạn cũng như dài hạn trong Quyết định 985a của Thủ tướng Chính phủ nhằm giảm thiểu ô nhiễm không khí, xây dựng các quy chuẩn phát thải với các cơ sở sản xuất nhiệt điện than, nhà máy thép, xi măng…, tiến hành các biện pháp thanh tra kiểm tra thường xuyên. Các điểm quan trắc định kỳ cũng được tăng cường ở một số nơi để đo mức độ ô nhiễm và cảnh báo kịp thời đến người dân.
Trên thế giới có nhiều bài học cho chúng ta về các giải pháp công nghệ để kiểm soát các nguồn thải, cải thiện chất lượng không khí, chất lượng cuộc sống. Qua nhiều năm qua, thực tế thành công và thất bại cũng đã làm sáng tỏ nhiều điều. Có thể bài học lớn nhất đó là cần phải có quyết tâm, mà bây giờ hay gọi là quyết tâm chính trị của các nhà quản lý ở cả cấp Trung ương và địa phương. Các giải pháp có rồi, chúng ta phải làm thôi trước khi quá muộn. Ví dụ, phải kiểm soát chặt chẽ khí thải của 25 nhà máy nhiệt điện chạy than hiện nay và các nhà máy nhiệt điện trong tương lai, của khoảng 60 nhà máy xi măng, và cũng khoảng đấy nhà máy sản xuất thép. Tiến hành ngay việc kiểm soát khí thải xe máy, trước hết tại các đô thị lớn. Từng bước tăng cường phương tiện giao thông công cộng. Giải quyết ngay với các làng nghề tái chế giấy, kim loại, nhựa. Nên cương quyết với chuyện đốt rác, không che chắn tại các công trình xây dựng v.v… Mỗi việc một chút, từng bước, mới hy vọng dần dần giải quyết được vấn đề.
PV: Là người theo dõi vấn đề này nhiều năm, ông có đánh giá như thế nào về những động thái của các cơ quan chức năng trong việc giảm thiểu ô nhiễm không khí?
TS. Hoàng Dương Tùng: Vấn đề ô nhiễm không khí được đặc biệt chú ý hơn trong những năm gần đây. Tại thành phố Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đã có một số biện pháp để giảm thiểu ô nhiễm không khí như trồng cây xanh; tăng quy chuẩn lượng ô tô; tăng cường các xe buýt công cộng, kiểm soát các nguồn xả thải sản xuất,… nhưng theo tôi, vẫn chưa có biện pháp quyết liệt, mang tính bền vững để giảm thiểu các nguồn ô nhiễm.
Tôi phải nói rõ thế này, giải quyết ô nhiễm không khí không thể là câu chuyện một sớm, một chiều. Đây là công việc có tính lâu dài. Để cải thiện chất lượng không khí tại Bắc Kinh và một số đô thị như hiện nay, Trung Quốc trong hàng chục năm qua đã dành nguồn lực rất lớn hàng trăm tỉ đô la cho cuộc chiến với ô nhiễm không khí.
Đừng có nghĩ là năm nay ô nhiễm, năm sau có thể giảm ngay được. Nhưng cũng vẫn phải làm bởi có đi thì mới có đến. Nếu chúng ta không có động thái thực sự thì sẽ rất gay. Các cơ quan nhà nước cần phải đưa ra các biện pháp ngắn hạn, dài hạn. Phải tích hợp nhiều giải pháp khác nhau, mỗi giải pháp sẽ giảm thiểu một chút.
PV: Trong khi cơ quan quản lý chưa có những biện pháp tức thời thì người dân phải làm thế nào?
TS. Hoàng Dương Tùng: Trong khi chờ đợi những biện pháp giảm nguồn thải, mỗi người dân nên tự bảo vệ mình bằng theo dõi chất lượng không khí hàng ngày để có những hành động phù hợp, tránh phơi nhiễm tối đa giống như thói quen theo dõi thời tiết. Và những ngày ô nhiễm cao thì chúng ta phải làm thế nào để hạn chế hít thở bụi không khí ô nhiễm. Thứ hai chúng ta phải tham gia tích cực việc bảo vệ bầu không khí. Mỗi người dân trong số 3- 4 triệu người nội đô Hà Nội cần tăng cường đi bộ, sử dụng phương tiện công cộng, ở ngã tư, ngã năm dừng đèn đỏ nên tắt máy…… Đó là những hành động vô cùng thiết thực để góp phần giảm thiểu ô nhiễm không khí.
Luật bảo vệ môi trường sửa đổi phải phù hợp với thách thức mới
PV:Chiều ngày 17.11, dự thảo luật Bảo vệ môi trường sửa đổi được Quốc hội bấm nút thông qua. Ông có thể cho biết những điểm mới trong dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) lần này?
TS. Hoàng Dương Tùng: Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) với 16 chương, 171 điều, được đánh giá là có rất nhiều quy định mới so với Luật Bảo vệ môi trường hiện hành có hiệu lực từ năm 2014. Cụ thể như sau:
Luật bảo vệ môi trường sửa đổi thay đổi phương thức quản lý môi trường đối với dự án đầu tư theo các tiêu chí môi trường; kiểm soát chặt chẽ dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao. Áp dụng đầy đủ các công cụ môi trường để quản lý, sàng lọc dự án đầu tư có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao (đánh giá sơ bộ tác động môi trường (ĐTM), cấp Giấy phép môi trường (GPMT) nếu phát sinh chất thải). Đối với các dự án áp dụng công nghệ tiên tiến và thân thiện môi trường được cấp GPMT ngay từ giai đoạn nghiên cứu khả thi hoặc chỉ phải đăng ký môi trường (không phải là thủ tục hành chính, được thực hiện bằng hình thức trực tuyến, đơn giản) tại UBND cấp xã. Bên cạnh đó, Luật cũng cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính thông qua việc tích hợp toàn bộ các giấy phép, giấy xác nhận về môi trường vào chung 1 GPMT và bãi bỏ các giấy phép có liên quan.
Hay việc thu phí xử lý rác thải được tính theo khối lượng trên quan điểm: Người gây ô nhiễm phải trả tiền; người nào xả nhiều rác sẽ phải trả nhiều tiền nhằm phân loại rác thải tại nguồn, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.
Ngoài ra, Luật cũng tiếp thu kinh nghiệm thành công của quốc tế về kiểm toán môi trường được áp dụng đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhằm đánh giá mức độ hiệu quả sử dụng tiết kiệm tài nguyên, quản lý chất thải, kiểm soát ô nhiễm và BVMT. Luật đã bổ sung nội dung về kiểm toán môi trường nhằm điều chỉnh hoạt động kiểm toán trong nội bộ tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ do đơn vị tự thực hiện hoặc thông qua dịch vụ kiểm toán.
PV: Ngoài những điểm mới trong việc sửa đổi thì Luật bảo vệ môi trường 2020 cũng còn một số hạn chế như không quy định trách nhiệm của cơ quan thẩm định báo cáo ĐTM phải công khai báo cáo nàyvà giới chuyên gia cho rằng, đây có thể là bước “đột phá lùi” trong việc sửa đổi Luật lần này. Với tư cách người tham gia công tác quản lý môi trường nhiều năm, tham khảo khá nhiều kinh nghiệm quốc tế, đã nhiều lần góp ý bản dự thảo tại các cuộc họp, thông qua văn bản, ý kiến của ông như thế nào trong vấn đề này?
TS. Hoàng Dương Tùng: Đây cũng là 1 vấn đề được thảo luận sôi nổi. Nhiều người mong muốn rằng, làm thế nào để trách nhiệm của doanh nghiệp được tốt hơn và có sự tham gia ý kiến của cộng đồng nhiều hơn trong báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Trước khi thông qua Luật bảo vệ môi trường sửa đổi, nhiều chuyên gia cũng đã có những ý kiến Luật bảo vệ môi trường sửa đổi cần bổ sung quy định cơ quan thẩm định công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường, công khai hội đồng thẩm định, quyết định phê duyệt để cộng đồng giám sát, phản biện. Tuy nhiên, với quan điểm của cơ quan quản lý, cơ quan thẩm định ĐTM chỉ công khai quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM. Việc công khai báo cáo ĐTM được đẩy sang vai chủ đầu tư dự án theo khoản 5 điều 37 của luật này.
Tới đây với những Nghị định, Thông tư cũng sẽ quy định cụ thể việc công khai ĐTM sẽ như thế nào? Chúng tôi cũng đang rất trông chờ vào những Nghị định, Thông tư để cụ thể hóa những quy định của Luật ra sao? Nếu không có những Nghị định, Thông tư quy định chi tiết thì Luật không đi vào cuộc sống và cũng không có giá trị.
PV: Và để Luật bảo vệ môi trường thực sự tạo nền tảng cần thiết cho đạo luật về môi trường toàn diện, thống nhất, hội nhập từ cơ quan quản lý nhà nước đến người dân cần có những hành động như thế nào?
TS. Hoàng Dương Tùng: Hiện nay, Luật bảo vệ môi trường mới đặt ra rất nhiều thách thức. Trong giai đoạn đất nước đang chuyển mình, đang phát triển kinh tế nếu chúng ta vẫn còn tư duy cũ sẽ không thực hiện được chủ trương của Đảng và Chính phủ là vừa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế. Vậy chúng ta phải làm như thế nào?
Theo tôi, chúng ta phải có tư duy mới với những cách quản lý thông minh hơn trong tình hình phát triển kinh tế xã hội hiện nay. Không còn con đường nào khác!. Hiện nay, chúng ta có nhiều thách thức nhưng chúng ta cũng có rất nhiều cơ hội nếu chúng ta có quyết tâm chính trị lớn. Cần sự vào cuộc của mọi người từ cơ quan quản lý nhà nước, chuyên gia và từ chính người dân. Có như vậy chúng ta mới có thể đón được cả “đại bàng” và cả “chim sẻ”.
Nhân dịp năm mới, xin gửi lời chúc sức khỏe thành công tới bạn đọc. Tôi mong rằng, bước sang năm mới mọi người sẽ nâng cao nhận thức của mình về môi trường nhiều hơn, đồng thời bằng những hành động nhỏ có thể tham gia trong công tác bảo vệ môi trường.
Xin chúc toàn thể Ban biên tập Tạp chí Môi trường và Cuộc sống một năm mới dồi dào sức khoẻ, an khang, thành đạt!
PV: Xin trân trọng cám ơn Tiến sĩ, chúc Tiến sĩ luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và tiếp tục cống hiến cho đất nước trong lĩnh vực môi trường!
Thu Hà