Nam Định: Hạ thủy công cụ thu gom rác trên sông để làm sạch cửa biển
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 06:00, 31/01/2021
Ngày 28/1, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng (MCD) tổ chức hạ thủy thí điểm công cụ thu gom rác nổi đặt ở vùng nước ven bờ sông (gọi tắt là bẫy rác) thu gom rác trên vùng nước sông Đào tại tổ 1, phường Trần Tế Xương.
Công cụ thu gom rác trên sông là một sáng kiến về giải pháp công nghệ nằm trong khuôn khổ các dự án “Thí điểm quản lý rác thải đô thị theo dòng chảy từ sông ra biển nhằm giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa ở tỉnh Nam Định, khu dự trữ sinh quyển sông Hồng” do USAID tài trợ và dự án “Giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa trên sông Hồng” do Tổ chức Bảo tồn đại dương (Hoa Kỳ) tài trợ. Các dự án này do MCD chủ trì và phối hợp với Sở TN&MT Nam Định cùng các đối tác địa phương triển khai thực hiện.
Các dự án trên do MCD chủ trì và phối hợp với Sở Tài nguyên và Mội trường tỉnh Nam Định cùng các đối tác địa phương triển khai thực hiện. Trong đó, bẫy rác đã được Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam thẩm định chuyên môn và cho phép thí điểm.
Công cụ thu gom rác trên sông
Chia sẻ tại buổi lễ công bố diễn ra trong ngày 28/1, bà Hồ Thị Yến Thu, Phó giám đốc thường trực MCD, cho biết trên thế giới đã có một số công cụ thu gom rác theo dòng chảy được phát minh và chế tạo nhưng chi phí rất cao và chưa thể áp dụng nhân rộng. Còn ở Việt Nam, sau một năm áp dụng, mô hình thí điểm đã thu được hơn 18 tấn rác trôi nổi trên sông Hồng – điều này cho thấy tính khả thi và hiệu quả của công cụ.
“Do đó, công cụ thu gom rác trên sông này sẽ được MCD và các nhà tài trợ tiếp tục hỗ trợ nhận rộng tại Nam Định,” bà Thu nhấn mạnh.
Ở góc độ địa phương áp dụng mô hình thí điểm bẫy rác, ông Phan Văn Phong, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nam Định cũng khẳng định công cụ thu gom rác trên sông là giải pháp công nghệ mới.
“Chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực của MCD và các chuyên gia đã hỗ trợ để Nam Định áp dụng công cụ này. Theo kết quả thử nghiệm, công cụ khá phù hợp với điều kiện địa phương, ứng dụng hiệu quả, góp phần quan trọng vào việc thu gom rác thải theo dòng chảy và do đó giảm thiểu rác thải từ sông ra biển,” ông Phong nhấn mạnh.
Từ vai trò là đối tác tài trợ và cố vấn chuyên môn, Bà Chever Voltmer- Giám đốc chương trình các sáng kiến về nhựa của Tổ chức Bảo tồn Đại dương, chia sẻ: “Tổ chức Bảo tồn Đại dương rất vui mừng được hỗ trợ phương pháp sáng tạo này để giải quyết ô nhiễm nhựa ở sông Hồng, Việt Nam. Chúng tôi tin rằng các giải pháp công nghệ cho vấn đề rác thải nhựa cần phải được thiết kế, chế tạo, bảo trì, bảo dưỡng dựa trên các yếu tố phù hợp với địa phương, tại địa phương và tiết kiệm chi phí, và công cụ thu gom rác thải trên sông này đã đáp ứng tất cả các tiêu chí đó. Công cụ này sẽ ngăn rác thải nhựa trôi vào và làm ô nhiễm các hệ sinh thái quan trọng, đồng thời đây cũng là cơ hội để tăng cường năng lực khoa học và kiến thức chung của chúng ta để chống lại ô nhiễm nhựa. Cùng với các đối tác, chúng tôi sẽ phát huy thành công ban đầu này để hỗ trợ Việt Nam đạt được các mục tiêu trong cuộc chiến chống lại ô nhiễm nhựa trên biển ”.
Trong thời gian tới, thông qua các dự án nói trên, Trung tâm MCD sẽ tiếp tục cùng các chuyên gia giám sát vận hành bẫy rác đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật và các quy định liên quan, đồng thời tiến tới triển khai bẫy rác tại các điểm khác theo đề xuất của địa phương, hình thành một mạng lưới bẫy rác trên các dòng chảy khu vực hạ lưu sông Hồng, đóng góp cho việc giảm thiểu rác thải nhựa ra biển ở Nam Định nói riêng và ở Việt Nam nói riêng.
Ngọc Mai