68 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Sức mạnh Việt Nam

Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 00:30, 07/05/2022

Moitruong.net.vn – Điện Biên Phủ “một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử. Nó chỉ rõ nơi chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc và tan rã, đồng thời phong trào giải phóng dân tộc khắp thế giới đang lên cao đến thắng lợi hoàn toàn”. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ không chỉ ghi dấu ấn tốt đẹp và chiến công hiển hách trong tiến trình lịch sử cách mạng Việt Nam, mà còn tác động mạnh mẽ đến an ninh, chính trị thế giới, trở thành điểm hẹn hòa bình, hữu nghị và hợp tác.

Chiến tranh đã lùi xa gần hai phần ba thế kỷ, nhưng dư âm 56 ngày đêm chiến đấu ngoan cường “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non” của quân và dân Việt Nam vẫn lắng đọng trong những trang sử vàng hào hùng của dân tộc.

Chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954 là “cột mốc vàng” lịch sử, đánh dấu bước tiến thần kỳ của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh; biểu tượng của sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh của thời đại; là kết quả của sự nỗ lực, bền bỉ đấu tranh của toàn quân, toàn dân ta, dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Điện Biên Phủ – Chiến thắng của khát vọng độc lập, tự do, của truyền thống yêu nước và ý chí tự lực tự cường

Năm 1953, sau 8 năm trở lại xâm lược Đông Dương, thực dân Pháp đã huy động tiềm lực kinh tế, quân sự và vũ khí trang bị hiện đại nhất nhưng chúng đã bị thất bại và chịu những tổn thất nặng nề… Lợi dụng tình thế này, đế quốc Mỹ tăng cường can thiệp vào Đông Dương, tích cực viện trợ cho Pháp kéo dài và mở rộng cuộc chiến nhằm phục vụ cho chiến lược toàn cầu phản cách mạng.

Điện Biên Phủ – Chiến thắng của khát vọng độc lập, tự do, của truyền thống yêu nước và ý chí tự lực tự cường

Tháng 5/1953, chính phủ Pháp cử tướng Nava – người được đánh giá là “một nhà chiến lược văn võ kiêm toàn” sang làm tổng chỉ huy quân viễn chinh ở Đông Dương với hy vọng sớm giành thắng lợi quân sự quyết định, tìm “lối thoát danh dự” dứt điểm cuộc chiến tranh.

Sau một thời gian tìm hiểu tình hình chiến trường, tháng 7/1953, tướng Nava đề ra kế hoạch quân sự mới ở Đông Dương (còn gọi Kế hoạch Nava), gồm hai bước.

Bước 1 (Thu Đông năm 1953 và Xuân năm 1954): giữ thế phòng ngự chiến lược ở chiến trường miền Bắc, tránh giao chiến với chủ lực đối phương; tiến công chiến lược ở chiến trường phía nam, đánh chiếm các căn cứ kháng chiến, trước hết là vùng tự do Liên khu 5 và Khu 9; đồng thời ra sức bắt lính mở rộng ngụy quân, tập trung xây dựng khối chủ lực cơ động mạnh.

Bước 2 (từ Thu Đông năm 1954): dồn lực lượng ra chiến trường miền Bắc, thực hiện các đòn tiến công chiến lược, tiêu diệt quân chủ lực đối phương để giành thắng lợi quyết định, buộc chính phủ kháng chiến phải đầu hàng, hoặc chấp nhận đàm phán kết thúc chiến tranh theo những điều kiện do Pháp đặt ra.

Thực hiện kế hoạch quân sự mới theo 2 bước nêu trên, thực dân Pháp tiếp tục mở các cuộc hành quân đánh phá, bắt lính và đưa thêm nhiều đơn vị quân viễn chinh vào Đông Dương.

Trước tình hình nguy cấp đó, sau khi phân tích toàn diện các vấn đề, cuối tháng 9/1953, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) đã họp bàn, đề ra chủ trương chiến lược cho hoạt động quân sự Đông Xuân 1953-1954, trong đó sử dụng một bộ phận chủ lực mở những cuộc tiến công vào những hướng địch tương đối yếu, có nhiều sơ hở, đồng thời, tranh thủ cơ hội tiêu diệt địch ở những hướng địch có thể đánh sâu vào vùng tự do của ta. Phương châm, nguyên tắc chỉ đạo tác chiến chiến lược là: tích cực, chủ động, cơ động và linh hoạt; đánh ăn chắc, tiến ăn chắc, chắc thắng đánh cho kỳ thắng, không chắc thắng thì kiên quyết không đánh.

Tổng quân ủy, Bộ Tổng Tư lệnh họp bàn kế hoạch tác chiến Đông-Xuân 1953-1954. Từ phải sang trái: Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Nguyễn Chí Thanh, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp Trần Đăng Ninh, Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng. (Ảnh: TTXVN)

Thực hiện chủ trương chiến lược đề ra, quân và dân Việt Nam đã làm đảo lộn kế hoạch chiến tranh của Pháp-Mỹ, đã đẩy quân Pháp lún sâu vào thế bị động ở các vùng chiến dịch như hướng Lai Châu, Trung Lào, Hạ Lào, Bắc Tây Nguyên và Thượng Lào và bước đầu đã làm Kế hoạch Nava bị phá sản.

Cũng trong thời gian này, Trung ương Đảng và Bộ Chỉ huy tối cao đã quyết tâm mở chiến dịch tiến công Điện Biên Phủ – đòn quyết chiến chiến lược nhằm kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, xác định rõ: “Chiến dịch này là một chiến dịch quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy, toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được.” Đại tướng Võ Nguyên Giáp được giao trọng trách Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy chiến dịch.

Với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng!”, cả nước dồn sức cho chiến trường Điện Biên Phủ. Lực lượng tham gia chiến đấu lên đến 55.000 quân, gồm 3 đại đoàn bộ binh (308, 312, 316), Trung đoàn bộ binh 57 (Đại đoàn 304), Đại đoàn công binh-pháo binh 351.

Trên 260.000 dân công và 27.400 tấn gạo được huy động để cung cấp cho chiến dịch. Hàng vạn thanh niên xung phong phối hợp cùng bộ đội công binh ngày đêm mở đường ra mặt trận dưới bom đạn địch, nên sau một thời gian ngắn, hàng nghìn kilomet đường được xây dựng, sửa chữa. Công tác chuẩn bị các mặt trên vượt ra ngoài mọi dự đoán, tạo bất ngờ lớn đối với cả Pháp và Mỹ.

Ngày 13/3/1954, cuộc tổng tiến công nổ ra, mở màn cho chiến dịch. Và, sau 56 ngày đêm chiến đấu, vượt qua muôn vàn gian khổ, “gan không núng, chí không mòn,” đến chiều ngày 7/5/1954, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, bắt sống tướng chỉ huy Đờ Cát, kết thúc thắng lợi Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Điện Biên Phủ – Biểu tượng khát vọng độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam

Tờ Tin tức, số ra ngày 11/5/1954 ở Inđônêxia nhận thấy rằng, việc giải phóng Điện Biên Phủ không chỉ là thắng lợi của Việt Nam mà còn “chứng minh nhân dân châu Á có đủ khả năng kết thúc lịch sử của bọn thực dân âm mưu dùng lực lượng vũ trang để thực hiện tham vọng của mình”.

Sự đóng góp to lớn của lực lượng dân công, đảm bảo hậu cần cho chiến dịch là một trong những nguyên nhân chính làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ. (Ảnh: TTXVN)

Trong chiến đấu chống Pháp, mỗi khi xung phong, các chiến sĩ Angrêri thét lớn “Điện Biên Phủ” thay cho “Anma” (nghĩa là “xung phong”, “tiến lên”). Đúng như Môhamét Banđana, nhà điện ảnh Angiêri đã nói: “mỗi khi đánh giáp lá cà, ba tiếng “Điện Biên Phủ” tăng thêm sức mạnh cho đường lê; khi lao mình dưới làn mưa đạn, ba tiếng “Điện Biên Phủ” đã khích lệ chiến sĩ chúng tôi đánh đến cùng, chiếm bằng được từng tấc đất trên trận địa quân thù”. Còn tờ Sao đỏ (Liên Xô), ngày 08/5/1954 viết: “Việc giải phóng cứ điểm (Điện Biên Phủ) chứng tỏ lực lượng của Quân đội nhân dân Việt Nam, ý chí không gì lay chuyển nổi của nhân dân Việt Nam kiên quyết bảo vệ nền tự do, độc lập của mình” và cũng như các đồng chí Cuba khẳng định: “Là một niềm hy vọng to lớn và tươi sáng, sự cổ vũ các dân tộc chiến đấu. Thắng lợi của Việt Nam chứng tỏ rằng: Bất kỳ một dân tộc nếu đoàn kết, kiên quyết đấu tranh cho tự do và tương lai tươi sáng để có thể đánh bại được đế quốc”. Trong tình đoàn kết, hữu nghị đặc biệt Việt – Lào, Hoàng thân Xuphanuvông, Thủ tướng Chính phủ kháng chiến Pathét Lào, trong điện mừng ngày 08/5/1954 đã chân thành cảm ơn nhân dân Việt Nam với Chiến thắng Điện Biên Phủ “ngoài nhiệm vụ giải phóng đất nước mình, các bạn cũng đương làm nhiệm vụ giúp đỡ đẩy mạnh cuộc kháng chiến của Pathét Lào”,….

Nhận thức ý nghĩa của Chiến thắng Điện Biên Phủ, nhân dân các nước thuộc địa và phụ thuộc luôn ghi nhớ rằng: “ba tiếng Việt Nam – Hồ Chí Minh – Điện Biên Phủ” từ nay gắn liền nhau thành một sự thật vĩ đại, chói lọi, như một niềm hy vọng to lớn và tươi sáng” (Hecto Rôđrighết Lompác, Thứ trưởng Ngoại giao Cuba). Nhiều đường phố, quảng trường, trường học,… trên thế giới được mang tên “Hồ Chí Minh” và “Điện Biên Phủ”. Ngày 01/6/1956, trận thắng lợi của quân Giải phóng Angiêri (diệt 400 quân Pháp, làm hàng trăm tên bị thương, bắn rơi 08 máy bay) được gọi là “Điện Biên Phủ thứ Nhất”. Thậm chí vào giữa tháng 5/1954, món ăn ngon nhất trong các tiệm ăn ở nhiều thành phố của Angiêri cũng mang tên “món Điện Biên Phủ”.

Nhân dân các nước thuộc địa ý thức rõ rằng, Chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng của nhân dân Việt Nam, như Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh khẳng định: “… muốn được giải phóng, các dân tộc chỉ có thể trông cậy vào mình, trông cậy vào lực lượng của bản thân mình”11. Sự giúp đỡ của bạn bè là cần thiết, song quyết định vẫn là sức mạnh dân tộc. Đúng như Thiếu tướng Kiangiap Mienme nói: “Đây là bài học quý báu nhất của Điện Biên Phủ”. Năm 1993, F. Mitterrand, Tổng thống Pháp đầu tiên đến Việt Nam và tuyên bố: “Tôi ở đây để đóng lại một trang sử và cũng để mở ra một trang khác”12. Georges Saunier đánh giá chuyến thăm Điện Biên Phủ của F. Mitterrand là một hành động dũng cảm: “Điện Biên Phủ là một điểm lịch sử ngoại lệ. Một điểm nợ chết chóc, thất bại mà cũng là điểm quay lại và tĩnh tâm. Các dấu vết khổ đau ở đây rất nhiều. Nó cũng là biểu tượng của một thất bại nào đó của thực dân và việc mất niềm tin của người Pháp,… Chuyến đi cũng là để “hòa giải hoàn toàn giữa dân tộc Pháp và Việt Nam”. Tổng thống F. Mitterrand khi trả lời câu hỏi của báo chí về tinh thần đến thăm Điện Biên Phủ, cái tên gợi trang bi thảm của lịch sử Pháp như sau: “Tôi có thể đến Điện Biên Phủ để suy nghĩ lại, để cảm nhận lại tất cả những gì mà một người Pháp có thể cảm thấy trước sự hy sinh của binh lính để tất nhiên không quên những người khác”13. Trong bài phát biểu tại Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Ông nói: “Chúng ta đã sống xa nhau và bây giờ chúng ta lại gặp lại nhau”14.

Cho đến hôm nay và mãi mãi sau này, nhân dân thế giới vẫn ghi nhớ “Điện Biên Phủ anh dũng, vinh quang đời đời sáng mãi”, nó sẽ “không bao giờ phai trong ký ức của mọi người”. Điện Biên Phủ đã đi vào lịch sử Việt Nam và thế giới với những ý nghĩa khác nhau. Từ góc độ quốc tế, Điện Biên Phủ là biểu tượng của lòng quả cảm của một dân tộc, nguồn cảm hứng bất tận cho khát vọng độc lập, tự do, chính nghĩa của các dân tộc bị đô hộ, áp bức, bóc lột. Chiến thắng này là sự mở đầu cho sự chấm dứt hoàn toàn chế độ thực dân kiểu cũ, nhưng cũng báo hiệu sự thất bại của cả chủ nghĩa thực dân kiểu mới. Sự can thiệp của đế quốc Mỹ và các nước đồng minh trong cuộc chiến tranh Việt Nam sau đó cũng cùng chung số phận mà Điện Biên Phủ đã là hồi chuông cảnh báo.

68 năm đi qua, thế giới nói chung, Việt Nam và Pháp nói riêng đã vĩnh viễn “gác lại quá khứ” để đến hôm nay, Điện Biên Phủ từ “điểm hẹn trong chiến tranh” trở thành “điểm hẹn của hòa bình, hữu nghị và hợp tác”.

Hà Anh

   

Hà Anh