Nguồn gốc, ý nghĩa của lễ Phật Đản

Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 12:00, 06/05/2022

Moitruong.net.vn – Lễ Phật Đản là ngày lễ trọng đại được tổ chức hàng năm vào ngày rằm tháng tư để kỷ niệm ngày Đức Phật ra đời.

Ngày Phật Đản là một trong ba ngày lễ lớn trong năm của đạo Phật (Phật Đản, Vu lan, Thành đạo). Trước năm 1959, các nước Đông Á thường tổ chức ngày lễ Phật Đản vào ngày 8/4 âm lịch. Nhưng tại Đại hội Phật giáo thế giới lần đầu tiên, tại Colombo (Tích Lan) được tổ chức từ 25/5 đến 8/6/1950, 26 nước là thành viên thống nhất lấy ngày Phật Đản quốc tế là ngày rằm tháng tư âm lịch hàng năm (15/4).

Nguồn gốc lễ Phật Đản

Tương truyền rằng, đức Phật Thích Ca tên là Tất Đạt Đa, người là vị thái tử, con của vua Tịnh Phạm và hoàng hậu Mada ở nước Ca-tỳ-la-vệ bên Ấn Độ là vị giáo chủ của Phật Giáo.

Vào ngày Rằm tháng 4 Âm lịch, năm 624 trước Công nguyên, một vị Thái tử chào đời tại Vườn Lâm Tỳ Ni, tiếng Pali gọi là Vesak, tiếng Phạn gọi là Vaisakha (nơi nằm giữa Ca Tỳ La Vệ và Devadaha ở Nepal).

Một ngày nọ hoàng hậu Mada mơ một giấc mơ rất kỳ lạ. Bà mơ thấy trên trời tỏa ra một ánh hào quang sáng rực rỡ, một con voi 6 ngà xuất hiện, chầm chậm bay đến tiến nhập vào cơ thể của bà. Hoàng hậu giật mình thức giấc, trong người cảm thấy có gì đó kỳ lạ, cảm giác ngập tràn hạnh phúc.

Hoàng hậu kể cho đức vua nghe về giấc mơ, nhà vua Tịnh Phạm cho mời các nhà thông thái vào cung nghị sự, các nhà tiên tri vui mừng báo có việc lành, hoàng hậu sẽ sinh một vị hoàng tử, ngài là vị vĩ nhân tương lai.

Khi hoàng hậu đến ngày sắp sinh nở, người cùng đoàn tùy tùng rời cung điện về quê hương, khi đi qua khu rừng Lâm tỳ ni, người chuyển dạ, kỳ lạ thay – các cây hoa lá đua nở, cây cổ thụ rủ cành che chở cho bà.

Hoàng hậu hạ sinh một thái tử khôi ngô, hành động đặc biệt “một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất” – “duy ngã độc tôn”.

Người đi 7 bước, mỗi bước dường như có những đóa hoa sen nâng gót, tỏa ánh hào quang lung linh. Sau đó, cả đoàn tùy tùng quay lại hoàng cung, những bữa tiệc lớn được tổ chức mời các nhà thông thái, vua chúa lân cận đến thăm.

Theo một số sách có viết rằng: Vị ẩn sĩ đã tiên tri rằng đất nước sẽ có một vị vua trẻ vĩ đại hoặc một nhà hiền triết lừng danh thế giới loài người. Khi thái tử lớn lên, ngài sẽ thấy những đau khổ của nhân loại và rời cung điện đi tìm con đường chấm dứt khổ đau cho chúng sinh.

Và đúng như vậy, sau những năm tu hạnh khổ nguyện, thái tử Tất Đạt Đa giác ngộ, tìm ra được con đường giải thoát, ngài đi khắp bốn phương để giáo hóa cứu độ chúng sinh.

Lễ Phật Đản tiếng Anh là Buddha’s Birthday. Vì là tôn giáo thế giới nên Phật giáo thịnh hành ở nhiều quốc gia, trường phái Bắc Tông và Nam Tông có ngày lễ Phật đản khác nhau.

Lễ Phật Đản ngày nào? Lễ Phật đản được giáo phái Bắc Tông tổ chức vào ngày mùng 8 tháng 4 Âm lịch, còn giáo phái Nam Tông tổ chức vào trăng tròn tháng 4 Âm lịch. Trước năm 1959, các nước Đông Á thường tổ chức ngày lễ Phật đản ngày mùng 8 tháng 4 Âm lịch.

Sau đại hội Phật giáo thế giới đầu tiên năm 1950, 26 nước thành viên lấy ngày Rằm tháng 4 là ngày Phật Đản. Năm 1999, Liên Hợp quốc cũng công nhận lễ Phật Đản là ngày lễ hội văn hóa tâm linh thế giới.

Ngày lễ Phật Đản năm 2022 là ngày 15/5 Dương lịch tức là ngày Rằm tháng 4 năm Nhâm Dần.

Lễ chính của Đại lễ Phật Đản tại TP.HCM được tổ chức tại Việt Nam Quốc Tự.

Ý nghĩa của lễ Phật Đản

Kỷ niệm Đại lễ Phật Đản hay còn gọi là Đại lễ Vesak là dịp để tiếp tục phát huy tư tưởng giáo lý của Đức Phật trong sự nghiệp hoằng dương đạo pháp, lợi lạc quần sinh và bảo vệ hòa bình, góp phần xây dựng đất nước. Đây còn là dịp để cộng đồng xã hội có thêm hiểu biết và lan tỏa những giá trị đạo đức, văn hóa và tâm linh của Phật giáo.

Vào ngày lễ, Phật tử thường vinh danh Tam bảo: Phật, Pháp, Tăng (qua các hình thức như dâng cúng, tặng hoa, đến nghe thuyết giảng), và thực hành ăn chay, giữ Ngũ giới, Tứ vô lượng tâm (từ bi hỷ xả), thực hành bố thí và làm việc từ thiện, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn trong cộng đồng.

Ở Việt Nam, lễ Phật Đản luôn được tổ chức trang trọng. Ngoài việc tổ chức buổi lễ chính vào ngày rằm tháng 4, Giáo hội các tỉnh thành còn tổ chức diễu hành, làm lễ, thả hoa đăng trên sông, tổ chức thuyết giảng về Phật pháp xen kẽ các buổi văn nghệ, đèn lồng, làm lễ đài tổ chức…

Vào ngày Phật Đản, các Phật tử không sát sinh, mọi người đều ăn chay, lau dọn vệ sinh nhà cửa và trang trí bàn thờ Phật thật đẹp để tưởng nhớ Phật. Các Phật tử có thể đến chùa để phụ giúp làm công quả, nghe các bài thuyết giảng về cuộc sống, tự chiêm nghiệm về hành động của bản thân để làm cho tâm hồn được thanh tịnh.

Tại các chùa, Phật tử thường dựng lễ đài lớn, trang trí các xe hoa. Tuy nhiên, tất cả những việc này đều được thực hiện sao cho không gây tốn kém nhiều, không phung phí, tất cả được thể hiện bằng tấm lòng thành vốn là đạo lý nhà Phật.

Một trong những nghi thức quan trọng nhất không thể thiếu chính là: Tắm Phật. “Tắm Phật trong ngày lễ Phật đản là để những người con Phật tưởng nhớ kỷ niệm ngày Đức Phật ra đời. Ngài đã mang ánh sáng chân lý soi rọi vào cuộc sống, xóa tan những nỗi khổ niềm đau. Tắm Phật là tắm những phiền não ở trong lòng, gột rửa đi những sân hận để cho tâm được thanh lương mát mẻ hướng đến một đời sống an lạc”.

Lễ Tắm Phật là một trong những nghi thức phổ biến trong Đại lễ Phật Đản.

Phật tử nên làm gì trong Đại lễ Phật Đản?

Theo Thượng tọa Thích Tâm Hải, Đại lễ Phật Đản tại Việt Nam đã được Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam hướng dẫn qua các thông bạch, thông báo rất sớm, thường từ tháng Giêng, tháng Hai âm lịch.

Ngày mùng 8/4 được bắt đầu bằng lễ Tắm Phật (Mộc dục). Mọi người có thể thiết trí mô hình vườn Lâm Tỳ Ni, hoặc biểu tượng Đản sinh của Đức Phật, tùy điều kiện và hoàn cảnh, cùng các thành viên trong gia đình thực hiện nghi lễ theo nghi thức được Ban Nghi lễ Phật giáo TP.HCM hướng dẫn, có thể tìm thấy trên Báo Giác Ngộ Online. Hoặc cũng có thể đến các chùa có thiết trí lễ đài, cùng quý thầy, cô Phật tử khác thực hiện nghi lễ trên.

Thượng tọa Thích Tâm Hải chia sẻ: “Là người Phật tử, chúng tôi nghĩ đây là dịp để tỏ lòng thành kính lên Đức Phật, đồng thời nhắc nhở về lối sống đạo đức mà mình tin tưởng, phát nguyện sống theo. Do đó, mỗi nhà nên có sự trang hoàng theo điều kiện, tối thiểu là cắm lá cờ Phật giáo, trưng bày hoa tươi, quả tốt cúng dường, tùy tâm và hoàn cảnh của mình mà làm. Chúng ta có thể xông trầm, dâng hương, lễ Phật và cầu nguyện vào mỗi sớm mai, tối đi làm về, hướng dẫn con cháu cùng thực hiện; đọc lại kinh Phật dạy, nghe thuyết giảng, tìm hiểu về cuộc đời và những lời dạy của Đức Phật để làm giàu nhận thức của chính bản thân cũng như có để chia sẻ với người thân, bạn bè và những ai muốn tìm hiểu”.

Vị Thượng tọa cũng nói thêm, thông điệp Đại lễ Phật Đản năm nay là ý thức về đạo đức cá nhân trong xã hội. Thông điệp này đã được Đức Quyền Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam – Trưởng lão HT.Thích Trí Quảng đã chia sẻ đến Tăng Ni, Phật tử.

Một đoạn thông điệp có nội dung như sau: “Theo lời dạy của Đức Phật, trách nhiệm xã hội là tiêu chuẩn của cả đạo đức cá nhân và đạo đức xã hội. Mỗi cá nhân, mỗi tổ chức đều phải có trách nhiệm, nghĩa vụ hành động vì hạnh phúc, an lạc của nhân loại. Do vậy, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, người đệ tử Phật cũng phải nêu cao đạo hạnh, nghiêm trì giới luật và tuân thủ pháp luật; đồng thời siêng năng thực hành giáo lý từ, bi, hỷ, xả để nuôi dưỡng thân tâm. Đó chính là nền tảng thực hiện trách nhiệm xã hội, xóa bỏ điều ác, hận thù, vô cảm trong xã hội. Đây cũng chính là tiền đề và là động lực để mỗi chúng ta thực hiện trách nhiệm xã hội của mình, cùng nhau xây dựng xã hội tốt đẹp hơn”.

Phạm Anh

   

Phạm Anh