Nghệ An: Mở đường cho phát triển năng lượng tái tạo

Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 08:11, 25/03/2021

Moitruong.net.vn – Sáng ngày 24/3, tại thành phố Vinh, Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) phối hợp với Trung tâm Khuyến viên và Dịch vụ Nghề vườn Việt Nam (Trung tâm Vị Nông) đã tổ chức tọa đàm “Mở đường cho phát triển năng lượng tái tạo tại Nghệ An”.

Dự hội nghị có bà Ngụy Thị Khanh – Chủ tịch Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thu Hường – Ủy viên BTV, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An cùng đông đảo các đại biểu và khách mời từ trung ương tới địa phương.

Bà Ngụy Thị Khanh – Chủ tịch Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam

Phát biểu tại buổi tọa đàm, bà Nguyễn Thị Thu Hường đánh giá cao ý nghĩa của buổi tọa đàm này, nhấn mạnh, trong thời điểm ô nhiễm môi trường đang ở mức báo động hiện nay thì việc phát triển năng lượng sạch là cần thiết. Đồng thời trình bày các kiến nghị, đề xuất để Nghệ An phát triển năng lượng tái tạo như: Cần có cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời và có cơ chế giá phù hợp cho từng địa phương; Bộ Công Thương cần có lộ trình cụ thể về phát triển điện mặt trời, điện gió cho Nghệ An; Hỗ trợ Nghệ An giới thiệu tiềm năng, thu hút các nhà đầu tư khai thác năng lượng tái tạo.

Bà Nguyễn Thị Thu Hường – Ủy viên BTV, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An phát biểu tại buổi tọa đàm

Thời gian qua, Nhà nước, các Bộ ngành cũng đã ban hành các chính sách và cơ chế để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo như Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo, cơ chế hỗ trợ giá mua điện sinh khối, mặt trời, gió, cũng như gia tăng bổ sung vào quy hoạch điện các dự án điện gió, điện mặt trời và chuẩn bị cho cơ chế đấu thầu điện mặt trời, điện gió trong giai đoạn tới.

Mặc dù năng lượng tái tạo mang lại nhiều lợi ích nhưng hiện nay vẫn chưa được phát triển nhanh, rộng tại Việt Nam nói chung cũng như tỉnh Nghệ An nói riêng. Nguyên nhân là bởi nhà đầu tư còn gặp phải nhiều rào cản như: Rào cản về thể chế; rào cản pháp lý; rào cản đầu tư; rào cản kỹ thuật; rào cản thương mại; rào cản thị trường và rào cản nhân lực kỹ thuật.

Một hộ gia đình lắp điện mặt trời tại Tp Vinh

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã tập trung trao đổi, làm rõ các nội dung liên quan đến những thuận lợi, khó khăn trong quá trình triển khai dự án chuyển dịch năng lượng tại Nghệ An. Giải pháp thay thế Dự án Nhiệt điện than Quỳnh Lập 1 và 2; đề xuất một số giải pháp tài chính cho chuyển dịch năng lượng tái tạo tại Nghệ An. Đồng thời tính đến các rủi ro pháp lý và giải pháp khắc phục khi chuyển dịch năng lượng tái tạo tại địa phương. Tính hiệu quả, đóng góp của dự án năng lượng tái tạo đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương; những tác động tới đời sống, việc làm người dân vùng dự án ở điểm hiện tại và trong tương lai; quy trình xử lý thiết bị điện, pin năng lượng mặt trời sau khi hết hạn sử dụng liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường…

Được biết, năng lượng tái tạo bao gồm điện gió, điện mặt trời và một số dạng năng lượng khác được Chính phủ quy hoạch và xác định là một nguồn cung cấp đảm bảo năng lượng quốc gia. Tại Nghệ An, theo khảo sát sơ bộ từ các địa phương hiện có khoảng 1.600 ha diện tích có thể khai thác đầu tư năng lượng mặt trời tương đương công suất 1.300 MWp.

Kế Hùng

Kế Hùng