132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cả cuộc đời, Bác chăm lo cho hạnh phúc nhân dân, cả cuộc đời Bác hy sinh cho dân tộc Việt Nam”
Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 03:00, 19/05/2022
Lãnh tụ vĩ đại trọn đời hy sinh cho đất nước và hạnh phúc của nhân dân
Khi nói về cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng – một học trò xuất sắc, một cộng sự thân thiết, gần gũi của Người đã viết, đó là “cuộc đời oanh liệt, đầy gian khổ hy sinh, vô cùng cao thượng và phong phú, vô cùng trong sáng và đẹp đẽ”
Hồ Chí Minh không chỉ để lại cho dân tộc ta một sự nghiệp cách mạng vĩ đại, mà còn để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta một di sản cao quý, đó là tấm gương sáng ngời về phẩm chất đạo đức cao đẹp, suốt đời hy sinh phấn đấu quên mình cho đất nước và hạnh phúc của nhân dân. Trong con người Hồ Chí Minh có đầy đủ phẩm chất hội tụ của một lãnh tụ thiên tài, đồng thời Người còn là hiện thân của một lãnh tụ kiểu mới của nhân dân: Vĩ đại mà không cao xa; thanh cao mà vô cùng giản dị, gần gũi, thân thiết và gắn bó với quần chúng; hết lòng, hết sức chăm lo cho sự nghiệp độc lập dân tộc, thống nhất đất nước; mong muốn xây dựng một nước Việt Nam mạnh giàu; nhân dân ta có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Người thường xuyên giáo dục cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần phục vụ, tinh thần trách nhiệm trước nhân dân và chính bản thân Người là tấm gương tiêu biểu.
Bác Hồ bón cơm cho một cháu bé khi đến thăm trại nhi đồng ở chiến khu Việt Bắc (1950). (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Nhớ lại những năm, tháng đất nước ta bị đô hộ bởi giặc ngoại xâm, nhân dân cực khổ, lầm than chịu thân phận của kiếp người nô lệ, Hồ Chí Minh đã quyết chí ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân. Vượt qua muôn trùng khó khăn, thử thách, Hồ Chí Minh đã hiến dâng trọn đời mình cho dân tộc, như Người đã tự sự: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc và hạnh phúc của quốc dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo là vì mục đích đó”. Cả cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Người chỉ có một tâm nguyện và ham muốn: “…ham muốn đến tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”; cho đến khi phải từ biệt thế giới này, Người chỉ tiếc: “…tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”. Chính ham muốn và mục đích vô cùng cao đẹp ấy, đã tạo cho Người một ý chí và nghị lực vô cùng mãnh liệt để: “Giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy vũ không thể khuất phục”; đó là điểm tựa giúp Người vượt qua mọi khổ ải, khó khăn, dẫn dắt nhân dân ta đến bến bờ hạnh phúc. Hình ảnh của Hồ Chí Minh là hình ảnh của một lãnh tụ vĩ đại về trí tuệ lãnh đạo, mẫu mực về mối liên hệ thân thiết, gắn bó với nhân dân, hết lòng thương yêu nhân dân, dựa vào dân, vì “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, vì sức mạnh của nhân dân là vô địch, do đó phải “lấy dân làm gốc”. Người nói:
“Dễ mười lần không dân cũng chịu;
Khó trăm lần dân liệu cũng xong”.
Trên quan điểm đó, Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở từ người lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước, đến mỗi cán bộ, đảng viên, đều phải nêu cao tinh thần phục vụ, tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, phải chăm lo đến đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Người phân tích: “nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Cho nên, mỗi cán bộ, đảng viên phải làm tốt trách nhiệm: “là người lãnh đạo và là người đầy tớ thật sự trung thành của nhân dân”; cán bộ phải gần dân, hiểu nguyện vọng của dân, để kịp thời giúp đỡ và “giải quyết các mắc mớ ở nơi dân”. Người đả phá quyết liệt những tư tưởng quan liêu, xa dân, lên mặt “quan cách mạng”, cơ hội, cậy quyền thế, “đè đầu, cưỡi cổ nhân dân”.
Sinh thời, trên cương vị đứng đầu Đảng, Nhà nước, dù bận nhiều công việc, nhưng để hiểu dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn bố trí tiếp dân tại Phủ Chủ tịch; dành thời gian để đi xuống cơ sở, tìm hiểu, “lắng tai nghe ý kiến của đảng viên, của nhân dân, của những người không quan trọng”[8]. Những chuyến công tác về địa phương trực tiếp làm việc với nhân dân, đã giúp Người nắm sát công việc, hiểu đúng tình hình, từ đó đưa ra những quyết định chỉ đạo đúng đắn, hợp lý, hợp tình, phù hợp với thực tiễn. Mặt khác, các cuộc gặp gỡ giữa Người với các tầng lớp đồng bào, là dịp để đồng bào trao đổi, bày tỏ tâm tư nguyện vọng với người đứng đầu Nhà nước, đồng thời là nguồn động viên to lớn đối với nhân dân, là cơ sở thắt chặt hơn niềm tin giữa Đảng với dân.
Với Hồ Chí Minh, không bao giờ Người coi mình đứng cao hơn nhân dân, mà chỉ tâm niệm suốt đời là người phục vụ trung thành và tận tụy của nhân dân, “như một người lính vâng mệnh quốc dân ra trước trận”[9]. Đối với nhân dân, từ các vị nhân sĩ trí thức đến bà con lao động, Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương đạo đức vô song, là tượng đài tỏa ra ánh sáng của một tâm hồn lớn, một nhân cách lớn, ai cũng thấy ở Người sự gần gũi, ấm áp tình thương và sự bao dung, nếp sống giản dị và đức tính khiêm nhường. Cuộc đời Người coi khinh sự xa hoa, không ưa chuộng những nghi thức trang trọng. Từ lúc làm thợ ảnh ở ngõ Côngpoăng (Pari –Thủ đô nước Pháp), đến khi làm Chủ tịch nước ở Thủ đô Hà Nội, Người vẫn sống một cuộc đời thanh bạch, tao nhã. Hòa bình lập lại, Người về Hà Nội, ngôi dinh thự của Phủ toàn quyền Đông Dương được lấy làm Phủ Chủ tịch, nhưng Người chỉ dùng khi tiếp khách là nguyên thủ nước ngoài. Ngôi nhà sàn đơn sơ, chỉ có hai phòng nhỏ là nơi Người vừa ở vừa làm việc. Phương tiện sinh hoạt của một vị Chủ tịch nước chỉ là một chiếc giường đơn, một tủ quần áo, một chiếc máy thu thanh, một đôi dép lốp, hai bộ ka-ki… một sự giản dị thật vĩ đại, bởi vì Người đã hy sinh tất cả cho Tổ quốc, cho nhân dân.
Nói về tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, về tinh thần tận tụy phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân của Người, Đảng ta khẳng định: “Cuộc đời của Hồ Chủ tịch trong như ánh sáng. Đó là tấm gương tuyệt vời về chí khí cách mạng kiên cường, tinh thần độc lập tự chủ, lòng nhân đạo và yêu mến nhân dân thắm thiết, đạo đức chí công vô tư, tác phong khiêm tốn, giản dị. Tư tưởng và đạo đức của Người mãi mãi soi sáng và nâng cao tâm hồn chúng ta” .
Thời gian đã gần 50 năm kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa, ghi nhớ công lao vĩ đại của vị lãnh tụ kính yêu, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân tích cực thi đua lập thành tích, thiết thực chào mừng kỷ niệm 128 năm ngày sinh của Người; quyết tâm hoàn thành thắng lợi chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã đề ra. Nhớ đến Người, các thế hệ người Việt Nam mãi mãi tự hào về một con người bất tử, như Đảng ta đã khẳng định: “Dân tộc ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta”.
Người là đóa sen đẹp nhất của dân tộc Việt Nam, đóa sen đẹp, thanh cao và mẫu mực của nhân loại
Từ Làng Sen, Nam Đàn, Nghệ An, Hồ Chí Minh đã hòa mình cùng cuộc đấu tranh vĩ đại của nhân dân, dân tộc mình; vươn ra biển lớn để từ một người yêu nước chân chính thành người cộng sản chân chính, một nhà văn hóa lớn của phương Đông và phương Tây. Từ thế giới, Người lại trở về với nhân dân mình, dân tộc mình, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; lập nên nước Việt Nam dân chủ, cộng hòa; làm nên một Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”; tạo những tiền đề quan trọng cho trân “Điện Biên Phủ trên không” cuối năm 1972 trên bầu trời Hà Nội, cho Đại thắng mùa xuân 1975 hội tụ ở Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng. Người để lại cho muôn đời sau tư tưởng Hồ Chí Minh, đạo đức Hồ Chí Minh, phong cách Hồ Chí Minh, con đường Hồ Chí Minh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng chiến sĩ Sư đoàn 600 hát bài Kết đoàn tại Rừng Vầu, huyện Nà Đổng, tỉnh Tuyên Quang, năm 1953.
Tại Lễ kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: Công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh với dân tộc ta như non cao, biển rộng. Người đã gắn bó và hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng ta và dân tộc ta, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân cho đến hơi thở cuối cùng. Người đã để lại cho chúng ta và các thế hệ mai sau một gia tài đồ sộ, một di sản hết sức quý báu. Đó là: Tư tưởng Hồ Chí Minh; Thời đại Hồ Chí Minh và Tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống các quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam; là kết quả của cả một quá trình vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta; là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý báu của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta; góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc trên thế giới, vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Tư tưởng Hồ Chí Minh và sự nghiệp cách mạng vô cùng phong phú, vĩ đại của Người không những là tài sản vô giá của dân tộc Việt Nam, nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam của cách mạng Việt Nam mà còn là đóng góp quý báu của Người vào sự nghiệp cách mạng của các dân tộc bị áp bức trên thế giới, vào sự phát triển những tinh hoa tư tưởng và văn hoá nhân loại.
Bác là tấm gương sáng ngời, mẫu mực về đạo đức cách mạng; biểu tượng về ý chí, nghị lực và sự phấn đấu nỗ lực không mệt mỏi để vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Người luôn nêu gương sáng về tính kiên định, bản lĩnh, lòng trung thành tuyệt đối với mục tiêu, lý tưởng cách mạng; tấm gương gần dân, tin dân, yêu thương, quý trọng nhân dân, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Người là hiện thân của tinh thần khoan dung, nhân ái Việt Nam; biểu tượng của đạo đức cách mạng cao đẹp, tinh thần quốc tế trong sáng, thuỷ chung, là sứ giả của hoà bình, hữu nghị giữa các dân tộc.
Bác là hiện thân của nếp sống giản dị, trong sáng, yêu lao động. Cả cuộc đời Người dấn thân chỉ với một mục đích “phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc và hạnh phúc của quốc dân” .
Đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là sự thống nhất giữa tư tưởng và hành động, giữa lời nói và việc làm, đã trở thành lẽ sống tự nhiên. Mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân ta đều tìm thấy trong những lời dạy của Người và từ tấm gương đạo đức cao đẹp của Người, từ phong cách Hồ Chí Minh những chuẩn mực cần học tập, tu dưỡng, rèn luyện để mỗi ngày càng trở nên hoàn thiện hơn, vươn tới những giá trị văn hoá chân – thiện – mỹ trong cuộc sống.
Burchett, nhà báo Australia nổi tiếng đã nhận xét: Nói tới một người mà cả cuộc đời mình để lại ân tình sâu nặng cho nhân dân thì không có một ai khác ngoài Chủ tịch Hồ Chí Minh… Người ta không thể trở thành một Hồ Chí Minh nhưng ở Cụ Hồ, mỗi người có thể học một điều gì làm cho mình tốt hơn.
Phạm Anh