Hà Nội loay hoay với bài toán cứ mưa là ngập – Bài 1: Điểm lại những trận ngập lụt nghiêm trọng trong những năm qua
Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 13:00, 03/06/2022
Chiều 29/5/2022, do ảnh hưởng của các vùng mây đối lưu, bắt đầu từ chiều ngày 29/5, trên địa bàn TP. Hà Nội xảy ra mưa lớn trên diện rộng với lượng mưa từ 70 – 180mm, thời gian mưa tập trung từ thời điểm 13 giờ 30 đến 15 giờ 30. Trong đó, một số khu vực có lượng mưa vượt mức “chịu đựng” của hệ thống thoát nước (70mm/2 giờ ) như: Hoàng Mai, Thanh Xuân (100mm); Hai Bà Trưng (104mm); Ba Đình (114mm); Thanh Trì (123mm); Nam Từ Liêm (130mm); Tây Hồ (160mm); Cầu Giấy (181mm)…
Lượng mưa lớn, dồn dập trong khoảng 2 giờ đã khiến nhiều khu vực rơi vào tình trạng ngập úng. Trong đó, khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là lưu vực sông Tô Lịch với các tuyến đường như: Cao Bá Quát, Phùng Hưng, Liễu Giai, Tông Đản, Thụy Khuê, Tạ Hiện – Lương Ngọc Quyến, Phan Bội Châu – Lý Thường Kiệt, Điện Biên Phủ – Nguyễn Tri Phương, Trương Định, Minh Khai… rơi vào tình trạng ngập úng kéo dài.
Trận mưa chiều 29/5/2022 đã khiến phố Hoa Bằng, quận Cầu Giấy ngập như sông.
Tương tự, mưa lớn cũng đã khiến một số lưu vực sông Nhuệ như Phú Xá, Trần Cung, Phan Văn Trường, Trần Bình, Dương Đình Nghệ – Nam Trung Yên, Đỗ Đức Dục giao thông bị đình trệ. Tại lưu vực Long Biên – sông Cầu Bây, một số tuyến đường nằm trên trục thoát nước Hoa Lâm, gầm chui xe lửa Bắc Đuống, Đức Giang, Nam Đuống cũng trong tình trạng tương tự.
Được biết, đây không phải lần hiếm hoi Hà Nội bị ngập lụt nặng sau mưa lớn. Trước đó ít hôm, ngày 23/5/2022, nhiều quận, huyện của Hà Nội cũng xảy mưa lớn do ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục đi qua Bắc Bộ. Mưa lớn nên một số tuyến đường trên địa bàn Hà Nội rơi vào cảnh ngập nặng, các phương tiện lưu thông rất “chật vật”.
Tại quận Hoàng Mai lượng mưa ghi nhận được là hơn 130 mm, tiếp theo là quận Hai Bà Trưng hơn 100 mm, các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Long Biên đều trên 80 mm.
Đường Ngô Xuân Quảng (trước cổng Học viện Nông nghiệp Việt Nam), Nam Đuống, phố Đức Giang, Đại lộ Thăng Long…, các phương tiện phải di chuyển chậm, nhiều xe chết máy phải nhờ tới cứu hộ.
Mưa lớn vào đúng giờ cao điểm nên nhiều tuyến phố Hà Nội ghi nhận ùn tắc nghiêm trọng. Xe máy, ô tô len lỏi vào nhau, di chuyển từng chút một.
Ngày 11/5/2021, mưa giông xuất hiện ở các huyện Sóc Sơn, Đông Anh từ lúc 17h30, sau đó lan rộng ra các quận nội thành Hà Nội.
Chỉ trong vòng hơn một giờ, nhiều tuyến đường ở Hà Nội chìm trong biển nước, các phương tiện di chuyển rất khó khăn, thậm chí là chết máy. Đỉnh điểm là ở Hoa Bằng (Cầu Giấy), Nguyễn Trãi (Thanh Xuân), Tràng Tiền (Hoàn Kiếm).
Mưa giông vào giờ tan tầm khiến tuyến đường Nguyễn Trãi, Thanh Xuân ùn tắc nghiệm trọng. Bên cạnh đó, lượng mưa lớn cũng khiến 3/4 phần đường ngập sâu, buộc các phương tiện phải di chuyển ở làn ngoài cùng, khiến ùn tắc cục bộ.
Tại phố Hoa Bằng, Cầu Giấy, tốc độ thoát nước không đáp ứng kịp khiến nước ngập sâu hơn 40cm. Các biển cảnh báo được đặt để khuyến cáo người dân chuyển hướng khác.
Tại phố Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, mực nước lên cao khiến người dân không thể di chuyển được. Các phương tiện trên đường chết máy hoàng loạt và phải dắt bộ về nhà.
Không chỉ vậy, nhiều tuyến phố như Hàng Bài, Hai Bà Trưng, Trần Bình, Phan Văn Trường, Tông Đản, Thái Hà…cũng ngập sâu, gây khó khăn trong việc di chuyển.
Ngày 29/7/2021, sau một ngày oi nóng, Hà Nội đón trận mưa giải nhiệt, nhưng cơn mưa lớn đã làm nhiều tuyến đường ngập sâu, các phương tiện tham gia giao thông di chuyển khó khăn.
Trận mưa lớn bắt đầu từ 16h khiến nhiều tuyến đường ở Hà Nội không kịp thoát nước, bị ngập úng.
Theo trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, lượng mưa tích lũy đo được trong 30 phút dao động từ 15-30mm. Đợt mưa này gây ngập úng cho nhiều tuyến phố nội thành với độ sâu phổ biến từ 15-20cm.
Cảnh ngập úng ghi nhận ở tuyến phố Lý Thường Kiệt chiều 29/7/2021.
Ngay sau đó, Công ty thoát nước Hà Nội đã cảnh báo một loạt các tuyến phố trung tâm: Cao Bá Quát, Phan Bội Châu, Lý Thường Kiệt, Bùi Xương Trạch… bị ngập úng.
Rất may, cơn mưa lớn ở Hà Nội chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, vì thế, các điểm ngập úng cục bộ ở một số nơi từ 20-30cm đã được các lực lượng của Công ty thoát nước khơi thông, nước đã rút nhanh ngay sau đó.
Sáng 30/4/2019, cơn mưa lớn đã khiến một số tuyến phố tại Hà Nội ngập sâu, nhiều phương tiện chết máy phải dắt bộ qua điểm ngập.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, Lượng mưa đo được trong 45 phút ở một số nơi như Bắc Thăng Long: 33 mm, Cầu Giấy: 28 mm; Mễ Trì: 34 mm; Láng: 28mm…
Cụ thể: phố Hoa Bằng đang bị ngập sâu khoảng 40cm; ngã tư Phan Bội Châu-Lý Thường Kiệt bị ngập khoảng 25cm; đường Nguyễn Khuyến (đoạn trước cổng trường Lý Thường Kiệt) bị ngập khoảng 15 cm; ngã ba Vũ Trọng Phụng-Quan Nhân ngập sâu khoảng 10cm, điểm ngập rộng khoảng 100m2; đường Trường Chinh (đoạn Bệnh viện Phòng không không quân) ngập khoảng hơn 10cm, điểm ngập rộng chừng 100m2; phố Tông Đản (Khách sạn Thủy Tiên) ngập khoảng 10cm; Phùng Khoang (Đình Phùng Khoang)…
Từ giữa tháng 7 đến đầu tháng 8/2018, hàng loạt trận mưa lớn liên tục trút xuống khu vực Hà Nội khiến nhiều tuyến phố Thủ đô ngập trong biển nước.
Tháng 7/2017, Hà Nội cũng hứng chịu nhiều cơn mưa lớn gây ngập lụt trên nhiều tuyến phố do ảnh hưởng của cơn bão số 2.
Ngày 25/5/2016, trận mưa lớn lên đến hơn 200mm cũng đã khiến Hà Nội ngập trầm trọng ở nhiều điểm. Hầu khắp tuyến giao thông ở các quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm và một phần Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm, Đống Đa… ngập sâu 40-60cm.
Đây được coi một trong những trận mưa lớn theo số liệu quan trắc Hà Nội. Nhiều người liên tưởng cơn mưa này với trận mưa lịch sử năm 2008.
Ngày 22/9/2015, theo báo cáo của Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Thoát nước Hà Nội, mưa tập trung tại khu vực các quận Long Biên, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm với lượng mưa đến hơn 100mm. Tổng lượng mưa đến 5 giờ ngày 22/9, tại các khu vực như Vân Hồ là 171mm; Xuân Đỉnh 58,1mm; Cầu Giấy 79,3mm; Nam Từ Liêm 94,5mm; Long Biên 207mm; Yên Sở 163,4mm; Thanh Liệt 106mm; Hồ Tây 71,5mm; Trúc Bạch 108,6mm; Hoàn Kiếm 122mm; Hầm chui Trung tâm Hội nghị Quốc gia là 96,8; huyện Đông Anh 51,3mm.
Địa bàn quận Long Biên là trọng điểm mưa với lượng mưa lên tới 200 mm. Nhiều tuyến đường như Nguyễn Sơn, Ngọc Lâm, vòng xuyến ngã tư Cổ Linh (đường dẫn cầu Vĩnh Tuy, bờ Bắc), Nguyễn Văn Linh (trước số nhà 270) bị ngập sâu 0,4-0,5 m. Tại đường Cổ Linh ngập sâu nửa mét với chiều dài chừng 1 km. Công nhân Công ty Thoát nước Hà Nội đã phải chặn hai đầu đường, không cho xe cộ lưu thông. Các phương tiện buộc phải đi vòng đường đê Long Biên – Bát Tràng để sang trung tâm Hà Nội, khiến con đường này ùn tắc.
Trên đường Định Công (quận Hoàng Mai) cũng xảy ra tình trạng ùn tắc kéo dài do úng ngập, giao thông hỗn loạn, các phương tiện tranh nhau vượt lên trên, đường hai chiều thành đường một chiều khiến tình trạng ùn tắc càng nghiêm trọng.
Theo số liệu báo cáo của Công ty Thoát nước Hà Nội, tại thời điểm 5 giờ ngày 22/9, trên địa bàn đã xuất hiện các vị trị úng ngập như Phạm Văn Đồng, Phan Văn Trường, Hoa Bằng với mức độ 0,1m và đã rút hết nước sau 15 phút. Khu vực quận Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa có lượng mưa trung bình 100mm nhưng tại thời điểm này không có điểm úng ngập. Với lượng mưa dồn dập (Long Biên 207mm, Vân Hồ 171mm), nước trên sông Nhuệ dâng cao (4.45m) dẫn đến mực nước trên toàn hệ thống cao, nên các vị trí Chân cầu Vĩnh Tuy, Mạc Thị Bưởi, Vĩnh Hưng, Hoàng Mai, Thanh Đàm, vành đai ba (ngã ba Khuyến Lương), Lĩnh Nam, Định Công, Quan Nhân, Vũ Trọng Phụng ngập với 0,2-0,4m; các vị trí Nguyễn Sơn, Ngọc Lâm, vòng xuyến ngã tư Cổ Linh (đường dẫn cầu Vĩnh Tuy, bờ Bắc), Nguyễn Văn Linh (trước số nhà 270) xảy ra ngập với mức độ 0,4-0,5m.
Mưa to dồn dập, nước ngập gây xáo trộn sinh hoạt của người dân. Nhiều khu vực trũng, nước tràn vào nhà, người dân phải sơ tán đồ đạc tránh ngập cả đêm. Trên phố Trần Quang Khải một cây xanh bị đổ đè bẹp một xe ô tô 7 chỗ.
Đợt mưa cuối tháng 10/2008, đợt mưa lớn vượt quá mọi dự báo và trái mùa này đã gây ra một trận lụt lịch sử ở Hà Nội. Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương cho biết: Tính đến chiều 1 tháng 11 năm 2008, tổng lượng mưa ở khu vực Hà Nội phổ biến từ 350 – 550 mm, một số điểm lớn hơn như huyện Ứng Hòa: 603 mm, quận Hà Đông: 707 mm, huyện Thanh Oai: 914 mm.
Đường Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội ngập đến bắp chân ngày 31/10/2008.
Tại trung tâm thành phố Hà Nội, lượng mưa đo được xấp xỉ kỷ lục năm 1984. Theo Đài Khí tượng Thủy văn Đồng bằng Bắc Bộ, lượng mưa đo ở khu vực Láng là 340 mm, theo Đài truyền hình Việt Nam là 420 mm, vượt mức kỉ lục 1984. (mức kỷ lục năm 1984 là 394 mm). Tại khu vực nội thành, mưa lớn đã chia cắt nhiều khu dân cư.
Ngay sau khi mưa, toàn thành phố đã có 26 điểm bị ngập úng dài từ 100 – 300 mét, sâu trên dưới 1 mét. Mưa lớn đã lập tức gây ngập úng các nhiều trạm biến thế và đường dây, mất điện tại hàng loạt khu phố. Chỉ qua một đêm đầu tiên, nhiều tuyến đường và nhiều khu vực nội ngoại thành Hà Nội đã chìm sâu trong nước. Đến chiều 1 tháng 11 năm 2008, lượng mưa tại quận Hà Đông đã đạt gần 500 mm, vượt xa mức lịch sử năm 1978. Khu vực thành phố Hà Đông, mưa lớn kéo dài đã khiến toàn thành phố ngập trắng. Lượng mưa đo được là 492 mm (vượt mức kỷ lục năm 1978 là 318 mm). Cả Hà Nội chìm trong một biển nước khổng lồ. Đến 6h ngày 3 tháng 11 năm 2008, Hà Nội còn khoảng 63 điểm ngập úng nặng.
Khi bắt đầu mưa lớn, giao thông lập tức hỗn loạn, ôtô chết máy la liệt trên đường. Từ sáng ngày 31 tháng 10, toàn bộ dân cư và bảo vệ toà nhà C6, khu đô thị Mỹ Đình I, đã phải chạy nước vì tầng hầm của toà nhà có khoảng 100 chiếc xe máy và gần 20 ô tô bị chìm trong nước.Trong số này, có khoảng 20 ôtô đắt tiền như Mercedes, Lexus, Avalon trị giá hàng tỷ đồng. Khắp Hà Nội có hàng ngàn xe các loại đã bị ngập nước, hư hỏng. Xe cứu hộ chạy đêm ngày vẫn không hết việc. Một số xe cứu hộ đã chết máy, ngâm mình trong nước để rồi lại được kéo đi bởi một xe cứu hộ khác.
Giang Anh